Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
58143

Kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa suy thoái

 

Suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là hệ quả tất yếu khi cơ chế kiểm soát của hệ thống chính trị hoạt động không tốt, còn nhiều kẽ hở, khoảng trống.

Thẳng tay đẩy lùi suy thoái

Tình trạng suy thoái ở cán bộ, đảng viên theo nhận định qua các Kỳ đại hội đang có xu hướng tăng, từ “một bộ phận trở thành “một bộ phận không nhỏ”; diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước; đó là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo chiều hướng mất dần đi cái tốt, tăng dần cái xấu, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng cách mạng, xuống cấp về đạo đức, lối sống; lây lan từ công tác cán bộ, quản lý tài sản, tiền bạc, đất đai, quản lý dự án, hải quan, cảnh sát, thanh tra thuế cho đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, điều tra. Chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn thì sự suy thoái gây ra hậu quả càng nặng nề, tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, lãng phí, tiêu cực phát triển

Trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiều giải pháp đột phá được thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được siết chặt, tạo chuyển biến thực chất trong hoạt động thực thi quyền lực. Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, củng cố hành lang pháp lý cho việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, ngăn chặn tình trạng sử dụng quyền lực không đúng phạm vi, trách nhiệm.

Nhiều biện pháp đồng bộ được thực hiện đáng chú ý là hoạt động đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp với nhân dân trở thành cách làm phổ biến, đem lại hiệu quả cao. Việc thi hành kỷ luật Đảng bảo đảm nghiêm minh, công tâm, khách quan, chính xác và nhân văn, thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí và công luận.

Trung ương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên đề, trong đó có những nội dung mới, khó như công tác tổ chức cán bộ, việc xét xử các vụ án, vụ việc, thu hồi tài sản do tham nhũng. Hệ thống chính trị được tinh gọn một bước, chú trọng hiệu lực, hiệu quả. Việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, thu gọn đầu mối được thực hiện kiên quyết, gắn với tinh giản biên chế và công tác tổ chức, sắp xếp lại cán bộ. Chính phủ và các địa phương đã tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, qua đó chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo ra chuyển động tích cực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

Thực tế yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.

Trước hết, đối với cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị, cần được xây dựng với phương châm “ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát”. Để cán bộ, đảng viên giữ được liêm chính, nhất thiết phải có những khuôn khổ pháp luật bảo đảm kiểm soát lẫn nhau giữa các tổ chức, cơ quan, bộ, ngành, kiểm soát giữa trong và ngoài, giữa trên và dưới một cách chặt chẽ, hiệu quả. Mặt khác, cần khắc phục những khâu yếu, khoảng trống trong cơ chế kiểm soát quyền lực.

Trong thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đã đến lúc cần cơ cấu lại các định chế kiểm soát quyền lực ở ba cấp tỉnh, huyện, xã, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát lẫn nhau giữa các chủ thể.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về việc nhân dân tham gia vào quá trình quản lý xã hội ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm điều kiện để hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể đi vào thực chất và có hiệu quả.■

Th.S HÀ HỒNG HÀ

Trong 3 năm qua, cấp ủy Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 800 tổ chức đảng và hơn 53 nghìn đảng viên vi phạm. Trong số đó có hơn 70 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, sĩ quan cấp tướng trong quân đội và công an, một số người bị truy tố; hàng loạt vụ án lớn được đưa ra xét xử.

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *