Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất của Chủ nghĩa xã hội là nhân đạo, là tôn trọng và bảo vệ các quyền con người – cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền cá nhân gắn liền với quyền dân tộc tự quyết với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quyền làm chủ xã hội của nhân dân lao động. Việc khẳng định quyền độc lập dân tộc với quyền độc lập tự quyết, quyền cơ bản của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn trong việc xây dựng nền tảng tư duy triết học và tư duy pháp lý hiện đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc lên trên lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Với Hồ Chí Minh: Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là tiền đề và điều kiện của quyền công dân và quyền con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người không phải là quyền tự nhiên, hoặc quyền do ai đó ban phát mà phải thông qua đấu tranh cách mạng mới giành lại được. Người đưa ra một tư tưởng mới – kết hợp các giá trị cơ bản của quyền con người với giá trị của độc lập dân tộc, Người nói: Tự do, bình đẳng, bác ái, độc lập. Với mọi quốc gia đồng thời quyền con người là quyền của tuyệt đại đa số nhân dân. Như vậy với Người – không có độc lập dân tộc thì không thể có quyền con người, quyền công dân
Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” Người viết: Cách mạng rồi thì quyền phải giao cho dân chúng số nhiều, chứ để trong tay một bọn ít người và dân chúng phải được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật. Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thắng lợi Người đã cùng Đảng cộng sản Việt Nam quyết định Tổng tuyển cử tự do, bình đẳng trong toàn quốc và thiết lập Hiến pháp để xác định và bảo vệ quyền công dân và quyền con người cho toàn dân.
Hiến pháp 1946 không theo mô hình Hiến pháp Xô viết mà theo chế độ dân chủ cộng hòa, là chế độ – quyền lực Nhà nước được thiết lập trên cơ sở bầu cử tự do; Các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được bảo đảm; Công dân bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Tất cả công dân đề bình đẳng về quyền lợi và Điều thứ 6, Hiến pháp 1946 quy định: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật;Những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung. Về quyền công dân, Hiếp pháp 1946 quy định khá đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa: quyền tự do ngôn luận; quyền tự do xuất bản; quyền tự do tổ chức và hội họp; quyền tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài… Về quyền con người, Hiến pháp 1946 chưa có khái niệm này nhưng có thể nói quyền con người cũng được bảo đảm thông qua quy định bảo đảm và bảo vệ người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Việt Nam. Điều 16, Hiến pháp 1946 quy định: “Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam”.
Tuy nhiên, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự do một mặt ghi nhận về mặt pháp lý năng lực của con người, mặt khác tự do bao giờ cũng có những nội dung xác định. Với Người, quyền tự do thường gắn liền với quyền dân chủ, quyền cá nhân đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của họ. Tự do của mỗi người gắn liền với độc lập, tự do của tổ quốc, câu nói vẫn luôn còn vang vọng của Người “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tư tưởng đó đã trở thành một chân lý của mỗi thời đại.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ quyền con người còn đặc sắc ở chỗ Người coi việc bảo đảm quyền con người gắn bó mật thiết với chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn hàng ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng, thoái hóa biến chất của hàng ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước. Xuất phát từ quan điểm “Thắng lợi của Chủ nghĩa xã hội không thể tách rời với thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức nguy cơ này và xem cuộc đấu tranh chống thoái hóa trong hệ thống chính trị, duy trì mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước chẳng những là những điều kiện cơ bản nhất bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn là điều kiện để xây dựng, duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Người đã sớm thấy tình trạng tham nhũng, suy thoái về đạo đức lối sống của cán bộ, công chức. Vào cuối năm 1945, trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng Người viết: Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì…(Cán bộ) “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham nhũng là “giặc nội xâm”, pháp luật phải nghiêm khắc với tội phạm này. Đây cũng chính là để loại trừ những mầm mống đe dọa đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Còn nhớ cũng vào thời điểm Đất nước vừa giành được độc lập, Trần Dụ Châu – Đại tá cục trưởng cục Quân nhu, phạm tội tham nhũng, tòa án binh đã kết tội Tử hình. Trần Dụ Châu đã làm đơn lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin ân xá tội chết, nhưng Người đã bác đơn ân xá.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền công dân và quyềm con người trong bối cảnh chính trị quốc tế và Việt Nam ngày nay cần phải nhận thức đúng giá trị của các quyền trên. Cán bộ, Đảng viên cần học hỏi và làm theo Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quyền làm người”, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, chống “giặc nội xâm” đồng thời đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bao gồm cả cuộc đấu tranh với những luận điệu lợi dụng quyền công dân, quyền con người để tán phát các thông tin sai lệch, xấu độc, nhất là trên không gian mạng để xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa xã hội và đi ngược lại lợi ích của dân tộc