“Báo cáo phát triển con người” năm 1994 của Liên Hợp quốc đã đưa ra quan niệm về an ninh con người. Với sự ra đời của khái niệm an ninh con người đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong nhận thức của nhiều quốc gia về khái niệm an ninh và an ninh quốc gia khi quan niệm là “sự an toàn của con người trước những mối đe doạ kinh niên như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những sự cố bất ngờ, bất lợi trong đời sống hàng ngày”. Ngày nay, những mối đe doạ đối với con người (thất nghiệp, ma tuý, ô nhiễm môi trường, vi phạm nhân quyền, khủng bố, tai nạn giao thông…) không còn mang tính chất riêng lẻ đối với một quốc gia, một dân tộc nhất định mà đã trở thành vấn đề phổ biến đòi hỏi phải có sự phối hợp giải quyết của nhiều quốc gia. An ninh con người cũng bao hàm mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển bền vững và vấn đề bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
Thẳng thắn nhìn nhận
Vị trí địa lý của Việt Nam khiến nước ta trở thành “điểm nóng” của nạn mua bán người. Với khu vực biên giới đất liền trải dài 25 tỉnh với trên 4.000 km, tiếp giáp với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, nhiều đường mòn, lối tắt qua lại, nhất là biên giới Việt Nam – Trung Quốc, rất thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại giao lưu buôn bán, thăm thân, nhưng các đối tượng phạm tội cũng lợi dụng việc thông thương này để thực hiện hành vi mua bán người qua biên giới. Nhiều đối tượng phạm tội mua bán người đã lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, thông qua mạng xã hội để tiếp cận và làm quen với nạn nhân, từ đó thực hiện hành vi mua bán người. Sự chênh lệch về kinh tế xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán người hiện nay.
Cùng với đó, nguyên nhân kinh tế-xã hội cũng được các cơ quan chức năng thẳng thắn nhìn nhận, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm trở lại đây dẫn đến tình trạng khó khăn, thiếu việc làm, thất nghiệp dẫn đến chênh lệch về thu nhập, mức sống luôn là những yếu tố tác động đến sự gia tăng của các loại tội phạm trong đó có tội phạm mua bán người. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và chấp hành pháp luật trong nhân dân còn hạn chế. Công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý nhà nước tại các khu vực biên giới, nhất là các tuyến đường bộ còn sơ hở, thiếu sót, lực lượng mỏng không kiểm soát được khu vực biên giới nên bọn tội phạm lợi dụng đưa người xuất cảnh trái phép… Việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật còn bất cập, chưa kịp thời. Lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mua bán người còn mỏng, chưa được đầu tư hiện đại.
Cần các giải pháp đồng bộ
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, tác động trực tiếp đến bảo đảm an ninh con người, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo an ninh xã hội, đảm bảo nhân quyền nói chung, phòng chống mua bán người nói riêng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030. Để thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm, trùng với ngày Liên Hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm mua bán người, bảo đảm an ninh con người, bảo đảm nhân quyền trong thời gian tới, cần thực hiện một cách kịp thời, đồng bộ.
Một là, tiếp tục thực hiện các chỉ thị, chiến lược, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự của Đảng, Nhà nước, trong đó có Luật Phòng chống mua bán ngườ và nhất là Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 với nhiều giải pháp cụ thể.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm mua bán người, khai thác triệt để ứng dụng khoa học công nghệ, mạng Internet để triển khai các kênh tuyên truyền có hiệu ứng lan toả cao. Đổi mới công tác giáo dục, truyền thông về tội phạm mua bán người với nội dung và hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội phạm mua bán người; tập trung tuyên truyền sâu rộng đến những đối tượng có nguy cơ cao, những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, các em trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt… không để họ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Ba là, các cơ quan pháp luật chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người; tăng cường quản lý cư trú ở cơ sở, quản lý các khâu tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động đi nước ngoài để kịp thời phát hiện các vi phạm, tội phạm mua bán người từ cơ sở để có kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh.
Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống mua bán người, triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế song phương, đa phương về phòng, chống tội phạm mua bán người.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền phòng ngừa.
Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL, lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan đại diện ngoại giao các nước láng giềng, nước có đông nạn nhân là người Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy nã tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về Việt Nam./.