Một phần tư thế kỷ XXI sắp trôi qua, Việt Nam chúng ta đang ở đâu trên bản đồ phát triển của thế giới và khu vực? Hơn lúc nào hết, cần phải định vị Việt Nam trong cục diện mới của khu vực và trên thế giới bởi chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ đan xen, chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức lớn, hoặc là tụt hậu tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt lên ngang tầm thời đại, làm chủ vận mệnh của chính mình.
“4 nguy cơ lớn” cần vượt qua
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Nhưng đồng thời cũng chỉ ra những thách thức, nếu không khắc phục, vượt qua được “4 nguy cơ lớn” mà Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (20 – 25/01/1994) đã chỉ ra: “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch” thì chúng ta khó có thể đạt được các mục tiêu tới năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định.
27 năm (1994-2021), hơn ¼ thế kỉ đã trôi qua với 6 kỳ Đại hội Đảng, là khoảng thời gian khá dài, kể từ khi Đảng ta nhận diện ra “4 nguy cơ lớn” cản trở những nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước mà vẫn chưa bị loại trừ, thậm chí có mặt còn diễn biến phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, trở thành thách thức lớn đe dọa sinh mệnh của Đảng, tồn vong của chế độ, dập tắt khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, nước Việt Nam của ngày hôm nay đã có những bước phát triển vượt bậc so với 110 năm trước. Nhưng chúng ta chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được mà lẽ ra phải làm được nhiều hơn thế!
Vì những lẽ đó, hơn lúc nào hết, đổi mới, sáng tạo, phát triển, độc lập, mạnh mẽ, bền vững để xây dựng thương hiệu quốc gia hùng cường đang trở thành khát vọng của toàn dân tộc, thôi thúc mọi người dân Việt Nam đồng lòng, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống dân tộc anh hùng, ngàn năm văn hiến, đạp bằng mọi trở ngại để vươn lên mạnh mẽ. Mọi so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên, có thể nói khát vọng xây dựng một quốc gia hùng cường của ngày hôm nay cũng tương đồng với khát vọng độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào của 110 năm trước khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước!
Làm thế nào để trở thành quốc gia hùng cường?
Có rất nhiều câu hỏi cần phải được xác định là “nỗi trăn trở khôn nguôi” của toàn dân tộc. Làm thế nào để trở thành quốc gia hùng cường, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới? là câu hỏi mang tầm thời đại, cả dân tộc mà trước hết là những người mang trọng trách với dân, với nước cần phải bằng tâm lực và trí lực tìm ra lời giải để dẫn dắt, mở đường cho dân tộc ta đi tới thành công.
Ở mỗi cá nhân, khát vọng vĩ đại ắt sẽ sản sinh ra con người vĩ đại. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Ở tầm vóc quốc gia dân tộc cũng luôn là như vậy!
Khát vọng Hồ Chí Minh là nền tảng sức mạnh thúc đẩy khát vọng của mỗi người dân Việt Nam trong giai đoạn mới của đất nước, thể hiện trong tầm nhìn và định hướng phát triển đã được khẳng định tại Đại hội Đảng XIII: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Khát vọng dân tộc suy cho cùng phải được khởi nguồn từ khát vọng của mỗi người dân Việt Nam.■