Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23556

Quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội trong Liên minh châu Âu – không thể không có giới hạn

 

Thống nhất với việc quyền tự do biểu đạt tại Điều 19 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, khoản 1 Điều 10 Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950 cũng ghi nhận: “Mọi người đều có quyền tự do biểu đạt. Quyền này sẽ bao gồm tự do bảo lưu ý kiến cũng như thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng mà không có sự can thiệp của cơ quan công quyền và không giới hạn về biên giới. Điều khoản này không ngăn cản các quốc gia yêu cầu cấp phép phát sóng, truyền hình hoặc rạp chiếu phim”.

Đồng thời với việc ghi nhận quyền tự do biểu đạt, tại khoản 2 Điều 10 Công ước châu Âu về nhân quyền cũng đặt ra những giới hạn đối với quyền này: “Việc thực hiện quyền tự do biểu đạt, bởi lẽ nó luôn phải đi kèm với những nhiệm vụ và trách nhiệm, có thể phải tuân theo các thủ tục, điều kiện, hạn chế hoặc hình phạt như được luật pháp quy định và cần thiết trong xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ hoặc an toàn công cộng, để ngăn ngừa rối loạn hoặc tội phạm, bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức, để bảo vệ danh tiếng hoặc quyền của người khác, nhằm ngăn chặn việc tiết lộ thông tin nhận được một cách tự tin hoặc duy trì thẩm quyền và công bằng của tòa án”.[1] Theo đó, trong Liên minh châu Âu, quyền tự do biểu đạt gồm việc được giữ ý kiến, thu nhận, truyền bá thông tin và tư tưởng không giới hạn và không bị can thiệp bởi cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, quyền này bị hạn chế trong các trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, an toàn công cộng, đạo đức, sức khỏe cộng đồng, quyền của người khác hoặc bí mật, độc lập tư pháp.

Trong thời đại số, khi mà mạng Internet toàn cầu đang chi phối, thay thế các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc trao đổi thông tin, Liên minh châu Âu đã ban hành khuyến nghị về tự do Internet, trong đó trọng tâm là bảo đảm quyền tự do biểu đạt, quyền tự do hội họp, quyền riêng tư và quyền được hưởng chế tài hữu hiệu trên môi trường Internet. Các quốc gia thành viên được khuyến nghị cần phải thực hiện cả những nghĩa vụ tích cực để tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên mạng Internet.[2]

Mặc dù ghi nhận và bảo vệ tối đa quyền tự do biểu đạt nhưng trong thực tiễn không thể tránh khỏi việc xung đột giữa quyền này với các quyền, lợi ích bảo vệ tương đương với nó. Và Liên minh châu Âu đã có những quyên tắc để cân bằng trong các trường hợp như vậy qua thực tiễn xét xử của Tòa án Nhân quyền châu Âu và Tòa án Công lý châu Âu. Ví dụ trong án lệ nổi tiếng Axel Springer AG năm 2012, Tòa án Nhân quyền châu Âu thiết lập các tiêu chí áp dụng cân bằng trong trường hợp xung đột giữa quyền tự do biểu đạt với các lợi ích chính đáng khác. Án lệ hình thành từ vụ việc tờ Nhật báo Bild đưa tin về việc một diễn viên nổi tiếng bị tạm giữ và sau đó bị kết tội về hành vi tàng trữ 0,23 gram cocaine. Diễn viên này sau đó đã khởi kiện Springer – chủ sở hữu của tờ Bild, với lý do vi phạm quyền riêng tư của mình, bởi lẽ anh ta cho rằng không tồn tại một lợi ích công trong việc biết đến hành vi của anh ta. Tòa án Đức đã đồng ý với lập luận trên và ra phán quyết buộc Springer phải dừng việc tiếp tục phát hành các bài báo liên quan, đồng thời tuyên phạt tiền đối với Springer. Sau đó Springer đã đệ đơn lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, kiện nhà nước Đức đã vi phạm quyền tự do biểu đạt của họ. Trong vụ việc này, các bên đã đạt sự đồng thuận ở ba điểm là: (i) Quyền tự do biểu đạt của Springer đã bị can thiệp, (ii) Sự can thiệp này đáp ứng yêu cầu luật định và (iii) Mục đích can thiệp là chính đáng nhằm để bảo vệ danh tiếng và đời tư của người diễn viên. Tuy nhiên, hai bên bất đồng ở điểm chính yếu là liệu rằng sự can thiệp này vào quyền tự do biểu đạt có thực sự “cần thiết” trong một xã hội dân chủ hay không. Tòa án Nhân quyền châu Âu đã tái khẳng định rằng quyền tự do biểu đạt đóng vai trò nền tảng thiết yếu cho sự vận hành của một xã hội dân chủ. Tuy nhiên, Tòa nhấn mạnh rằng, theo quy định tại Điều 10.2, quyền tự do biểu đạt cũng bị giới hạn trong tương quan với các quyền khác, trong đó có quyền riêng tư đã được ghi nhận tại Điều 8 Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950. Hay nói cách khác, Tòa án Nhân quyền châu Âu thừa nhận rằng về nguyên tắc, hai quyền con người căn bản trên có sức nặng và đều đáng được bảo vệ ngang nhau, và do đó một quyền nào có ưu thế hơn chỉ có thể được thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể của vụ việc, và nhất thiết phải tính toán một cách toàn diện tới các sự kiện xung quanh hoàn cảnh đó. Trong hoàn cảnh của vụ việc này, Tòa án Nhân quyền châu Âu nhất trí với nhận định của Tòa án Đức rằng động cơ chủ yếu của Springer khi viết về vụ việc này vì nó liên quan tới nhân thân của người bị bắt giữ là một diễn viên nổi tiếng. Tuy nhiên, Tòa án lưu ý rằng người diễn viên đã bị bắt giữ tại nơi công cộng, trong lễ hội bia Oktoberfest và hơn nữa, anh ta đã tiết lộ những chi tiết về đời sống riêng tư của mình trong một số cuộc phỏng vấn. Vì lẽ đó, Tòa nhận định rằng, sự kỳ vọng chính đáng của anh ta về đời sống riêng của mình đã bị suy giảm. Bên cạnh đó, phía Springer cũng đã không hành xử một cách thiếu thiện chí. Springer đã chỉ tập trung vào sự kiện anh ta bị bắt giữ mà không tiết lộ các chi tiết khác về đời tư của người diễn viên, ngoài ra bài báo cũng không đưa ra nhận định mang tính coi thường hay buộc tội người diễn viên. Từ những lập luận trên, Tòa án Nhân quyền châu Âu đã kết luận rằng nhà nước Đức đã xâm phạm quyền tự do biểu đạt của Springer. Hay nói cách khác, sự can thiệp trên không thỏa mãn yêu cầu của yếu tố “cần thiết trong một xã hội dân chủ”, quyền tự do biểu đạt của Springer, trong vụ việc trên, là một ưu quyền so với quyền riêng tư của người diễn viên. Cách tiếp cận này trong án lệ Axel Springer đã được Tòa án Nhân quyền châu Âu tiếp tục sử dụng trong các vụ việc tiếp theo mà trong đó Tòa án đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí đầu tiên là liệu việc thực hiện quyền biểu đạt đó có đóng góp lớn cho các cuộc tranh luận công cộng vì lợi ích chung hay không. Nếu như quyền tự do biểu đạt đó liên quan đến chính trị gia hay một nhân vật của công chúng, Tòa án Nhân quyền châu Âu thường có xu hướng cho rằng quyền tự do biểu đạt là ưu quyền hơn so với quyền riêng tư.[3]

Trong một án lệ khác, Án lệ Google Spain kiện Gonzalez, quyền riêng tư của cá nhân lại được ưu tiên hơn quyền tìm kiếm, tiếp cận thông tin – một nội dung của tự do biểu đạt. Đây được xem là phán quyết điển hình xung quanh việc cân bằng quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền biểu đạt trong môi trường Internet. Phán quyết khởi phát từ việc ông Costeja González phát hiện việc tìm kiếm tên mình trên công cụ Google dẫn tới một thông báo được đăng tải trên báo vào năm 1998 liên quan việc đấu giá một bất động sản để chi trả khoản nợ của ông. Vấn đề là nếu không có công cụ tìm kiếm của Google, thông báo được đăng tải từ năm 1998 gắn liền với những khó khăn tài chính của ông rõ ràng có thể đã bị phai nhạt, thậm chí bị lãng quên. Vì vậy, ông Costeja González đã đệ đơn lên Cơ quan bảo vệ dữ liệu Tây Ban Nha, yêu cầu can thiệp để Google xóa bỏ kết quả tìm kiếm đó khi ấn lệnh tìm kiếm tên ông ta. Chấp thuận đơn đề nghị của ông Costeja González, Cơ quan bảo vệ dữ liệu Tây Ban Nha đã khởi kiện Google, và Tòa án Tây Ban Nha đã đệ trình vụ việc lên Tòa án Công lý châu Âu nhằm tìm kiếm hướng dẫn về xử lý dữ liệu cá nhân. Lập luận của Tòa án Công lý châu Âu trong phán quyết này tập trung vào ba vấn đề chính. Thứ nhất, Tòa án cho rằng các công cụ tìm kiếm được cho là “xử lý dữ liệu cá nhân” nếu như họ lưu trữ, sắp xếp, chỉ dẫn và cung cấp các thông tin cá nhân cho người dùng internet. Do đó Google phải được xem như là người kiểm soát dữ liệu và phải tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Liên minh châu Âu. Thứ hai, Tòa án thừa nhận rằng các quy định liên quan trong Liên minh châu Âu cho phép các quốc gia thành viên được loại trừ áp dụng các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân nếu như hành vi xử lý thông tin được thực hiện chỉ với mục đích báo chí hoặc nghệ thuật với điều kiện hành vi đó cần thiết để cân bằng quyền riêng tư với quyền tự do biểu đạt. Tuy vậy, Tòa án giữ quan điểm cho rằng, Google không thể viện dẫn mục đích thực hiện chức năng báo chí để dựa vào điều khoản miễn trừ trên. Thứ ba, theo các quy định đang có hiệu lực, chủ thể dữ liệu được quyền yêu cầu xóa bỏ các dữ liệu cá nhân và quyền được phản đối việc xử lý thông tin cá nhân nếu như các dữ liệu đó không được xử lý một cách phù hợp với quy định. Tòa án đã giải thích rằng điều này cần được hiểu không chỉ liên quan tới trường hợp các dữ liệu không chính xác, mà nó còn áp dụng trong trường hợp các dữ liệu tuy chính xác nhưng không còn phù hợp, không còn liên quan hoặc có tính thái quá cho mục đích xử lý thông tin, chẳng hạn khi dữ liệu được lưu trữ trong thời gian quá mức cần thiết. Trên cơ sở đó, Tòa án đã kết luận các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm như Google có nghĩa vụ gỡ bỏ khỏi danh sách kết quả tìm kiếm các đường link đến các trang web có chứa thông tin cá nhân của một người khi được yêu cầu, cho dù các trang web đó có do người khác quản lý và thông tin đã được đăng tải một cách hợp pháp. Với phán quyết Google Spain kiện Gonzalez, Tòa án đã thiết lập quy tắc xác lập một ưu quyền của chủ thể dữ liệu so với lợi ích của việc tìm kiếm thông tin.[4]

Như vậy, trong Liên minh châu Âu, quyền tự do biểu đạt nói chung, tự do biểu đạt trên mạng xã hội nói riêng được ghi nhận, bảo hộ rộng rãi những cũng chịu giới hạn cần thiết để bảo vệ các lợi ích ưu tiên và việc xem xét tính cần thiết, ưu tiên đó không được xây dựng trong pháp luật thành văn mà dựa trên các nguyên tắc cân bằng được hình thành qua thực tiễn xét xử của các Tòa án có thẩm quyền.

  1. Trần Thị Hồng Lê

Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng

[1] European Convention on Human Rights, English version available at: https://www.echr.coe.int/Documents/Convention_ENG.pdf

[2] Đỗ Giang Nam, “Cân bằng quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư trong môi trường Internet: Bình luận một số bản án của Tòa án nhân quyền và Tòa án công lý châu Âu”, trong sách Phạm vi và giới hạn của tự do Internet, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.397-398

[3] Theo: Đỗ Giang Nam, “Cân bằng quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư trong môi trường Internet: Bình luận một số bản án của Tòa án nhân quyền và Tòa án công lý châu Âu”, Sđd. tr.399-402.

[4] Theo: Đỗ Giang Nam, “Cân bằng quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư trong môi trường Internet: Bình luận một số bản án của Tòa án nhân quyền và Tòa án công lý châu Âu”, Sđd. tr.403-405.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *