Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
32972

Tiêu chuẩn kép về nhân quyền trong chuyện “phần mềm do thám”?

 

Ngày 25/04/2024, fanpage của đảng Việt Tân đã đăng một bức ảnh có dòng chữ: “Tổ chức Amnesty International nói có thể Việt Nam đã mua phần mềm gián điệp Intellexa để do thám”. Kèm theo bức ảnh này, Việt Tân viết hai dòng diễn giải: “Phần mềm Intellexa bị Mỹ liệt vào danh sách các hãng phần mềm gián điệp. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã mua phần mềm này để do thám công dân”. Như vậy, tương tự các năm trước, Việt Tân đang cóp nhặt các chi tiết trong báo cáo thường niên của tổ chức Ân xá Quốc tế để quy kết chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu thêm về cái gọi là “phầm mềm Intellexa”, người ta sẽ thấy bản tin cẩu thả và thiên lệch của Việt Tân đang che giấu những góc khuất trong câu chuyện nhân quyền ở phương Tây, bao gồm cả thói giá trị kép của nhiều chính phủ Châu Âu đang nhận báo cáo từ Ân xá Quốc tế.

Trước hết, cần nói rằng không có cái gọi là “phầm mềm Intellexa” trong đời thực. Intellexa là công ty thiết kế phần mềm gián điệp Predator, một phần mềm mà phía Châu Âu cáo buộc Việt Nam đã mua và sử dụng để do thám các chính khách của họ.

Câu chuyện vừa nêu khởi đầu vào ngày 09/10/2023, khi tổ chức Ân Xá Quốc Tế và tổ hợp Hợp tác Điều tra châu Âu (European Investigative Collaborations, EIC) công bố một báo cáo cho rằng nhiều nhà báo và chính trị gia Châu Âu đang bị chính phủ Việt Nam do thám bằng phần mềm gián điệp Predator. Nếu một điện thoại di động nhiễm virus từ phần mềm này, nó sẽ gửi toàn bộ thông tin, bao gồm cả thông tin từ micro và camera của điện thoại, cho máy chủ của phần mềm. Hai tổ chức vừa kể cho rằng chính phủ Việt Nam đã dùng phần mềm này để do thám các chính trị gia Châu Âu có nghị trình liên quan đến vấn đề Biển Đông, cùng một số nhân vật chống cộng ở hải ngoại như Lê Trung Khoa (hiện sống tại Đức).

Như vậy, fanpage Việt Tân thậm chí đã nói sai tên của phần mềm do thám mà Việt Nam sử dụng. Nhưng những vấn đề mà họ thể hiện trong cách đưa tin đã không dừng ở sự cẩu thả đó. Trong thực tế, bằng cách cắt xén thông tin về vụ việc, họ đã che giấu trách nhiệm của các chính phủ Châu Âu trong câu chuyện phần mềm do thám này.

Theo báo cáo của Ân xá Quốc tế, thì phần mềm gián điệp Predator được thiết kế bởi Intellexa – một công ty đặt trụ sở ở một loạt các nước Châu Âu như Hy Lạp, Ireland và Hungary. Phần mềm này được một công ty Pháp mang tên Nexa bán cho Việt Nam và nhiều nước khác. Nếu việc sử dụng phần mềm do thám Predator được xem là vi phạm quyền riêng tư của người khác, thì việc tạo ra nó và bán cho nhiều chính phủ, tổ chức có được xem là vi phạm nhân quyền theo cách tương tự không? Đây là điều mà Việt Tân đã che đi, còn phía Ân xá Quốc tế và Châu Âu thì không có câu trả lời thoả đáng.

Cụ thể, trong thông cáo của mình, Ân xá Quốc tế chỉ than phiền rằng các nước EU đã không làm tròn “trách nhiệm kiểm tra việc bán và chuyển giao công nghệ theo dõi”. Họ phản đối việc bán phần mềm gián điệp cho một chính phủ độc đảng, chứ không hề phản đối việc tạo ra phần mềm gián điệp đó để bán cho các chính phủ và tổ chức khác trên khắp thế giới nhằm kiếm lợi nhuận. Vậy phải chăng chính phủ các nước EU dùng phần mềm Predator để theo dõi người Việt Nam thì được, còn chính phủ Việt Nam dùng cùng phần mềm này để theo dõi những người mang quốc tịch Châu Âu thì không? Cách đặt vấn đề của Ân xá Quốc tế và EU rõ ràng thể hiện thói giá trị kép của họ.

Việc chính phủ các nước phương Tây dùng công nghệ để nghe lén người dân, hoặc nghe lén nhau, đã không còn là điều lạ lẫm. Chẳng hạn, năm 2013, dư luận Mỹ đã chấn động khi báo chí Anh phanh phui việc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) bí mật nghe lén điện thoại của hàng chục triệu người Mỹ sử dụng dịch vụ của Hãng viễn thông Verizon,  đồng thời truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn để lấy thông tin của người sử dụng Internet trên khắp thế giới. Năm 2021, báo chí Đan Mạch cũng phanh phui rằng từ năm 2012 đến năm 2014, với sự trợ giúp của cơ quan tình báo quân sự Đan Mạch (Forsvarets Efterretningstjeneste – FE), NSA đã do thám hàng nghìn người, bao gồm nhiều lãnh đạo chính trị cấp cao ở châu Âu. Tại sao Việt Tân chưa bao giờ đưa tin về những vi phạm nhân quyền kiểu này, và các chính phủ phương Tây vẫn tiếp tục dung dưỡng các công ty công nghệ sản xuất phần mềm do thám mà họ sử dụng, bao gồm Intellexa?

Phải đặt ra những câu hỏi này, mới thấy họ không xem nhân quyền như một lý tưởng để hướng theo, mà chỉ xem nó như một quân bài để lợi dụng, một khẩu hiệu trên đầu môi chóp lưỡi.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *