Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
46184

VIỆT NAM TRONG VAI TRÒ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC KỲ 3: NỖ LỰC VÌ MỘT NỀN HÒA BÌNH BỀN VỮNG

Sau hơn 75 năm kể từ khi Liên Hợp quốc (LHQ) ra đời đến nay, thế giới đã và đang chứng kiến hàng trăm cuộc chiến tranh, xung đột lớn nhỏ ở nhiều quốc gia, khu vực, không chỉ là mối đe dọa hàng đầu đối với hòa bình, an ninh quốc tế, mà còn là thảm họa đối với việc thụ hưởng quyền con người. Xung đột vũ trang có thể gây thiệt hại nặng nề đối với tính mạng, tài sản và đời sống của người dân, để lại những hậu quả lâu dài tác động trực tiếp đến các quyền lợi cơ bản, thiết thân của người dân, trong đó có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền lương thực, quyền được giáo dục, chăm sóc y tế, tiếp cận nước sạch… Tính chất phức tạp lan rộng và dai dẳng của nhiều tranh chấp, bất ổn quốc tế, cùng với các thách thức an ninh toàn cầu cũng khiến cho các xung đột này khó giải quyết hơn, gây hệ lụy kéo dài đối với cuộc sống cũng như việc thụ hưởng quyền con người của người dân, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của LHQ, các quốc gia và các tổ chức khu vực.

Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hòa bình tại Nam Sudan

Việt Nam đã chủ động lồng ghép, đề cao cách tiếp cận vì con người, lấy con người làm trung tâm trong tham gia giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế tại HĐBA, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là mang đến hòa bình bền vững, giải quyết xung đột, đem lại cuộc sống an toàn, ổn định bền vững cho người dân ở các quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng.

Việc Việt Nam đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch HĐBA trong tháng 4 vừa qua chính là bước triển khai cụ thể văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 25/CT-TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, thể hiện rõ nét đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả; chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương bao gồm LHQ/HĐBA. Văn kiện Đại hội cũng nhấn mạnh việc bảo đảm quyền lợi của nhân dân, đặt nhân dân vào vị trí trung tâm của chính sách phát triển, đầu tư phát triển cho con người, do đó việc Việt Nam lựa chọn những ưu tiên tham gia tại HĐBA là hướng đến hòa bình bền vững, tạo điều kiện thụ hưởng quyền con người cho người dân trên toàn thế giới là hoàn toàn phù hợp và kịp thời.

Trên cơ sở những thành công đã đạt được trong Tháng Chủ tịch vừa qua và trên tinh thần “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai những ưu tiên trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA như khắc phục hậu quả bom mìn, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, phụ nữ hòa bình an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang, an ninh và biến đổi khí hậu… Chúng ta cũng cần có sự liên thông, kết nối trong thúc đẩy, triển khai các sáng kiến này tại các diễn đàn đa phương khác, trong đó có Hội đồng Nhân quyền LHQ mà Việt Nam đang ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2023 – 2025, để tạo hiệu ứng, hiệu quả bền vững, tiếp nối và lan tỏa về hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, năng động đổi mới và sẵn sàng đóng góp trách nhiệm cao hơn cho công việc chung của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu./.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *