Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nêu những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia so với Đại hội XII, đó là: Lần đầu tiên xác định “an ninh con người”, bảo vệ “an ninh con người” nhằm cụ thể hóa các tư tưởng lập hiến đã nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến 2025, 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).
Quan điểm, tư duy mới
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong các quan điểm chỉ đạo phát triển đất nước là: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế – xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Nhiệm vụ thứ 7 trong định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.
Về nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII, Nghị quyết nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Như vậy, trong định hướng và nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yếu tố “an ninh con người”. Khái niệm này lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng, thể hiện quan điểm, tư duy mới trong đảm bảo an ninh quốc gia mà trọng tâm là vấn đề an ninh con người. Vậy, cần hiểu vấn đề an ninh con người như thế nào trong mối quan hệ với an ninh quốc gia và những nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an ninh con người trong giai đoạn mới.
Giá trị cơ bản quan trọng nhất trong cuộc sống
Khái niệm “an ninh con người” lầu đầu tiên được nêu trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) năm 1994. Theo UNDP, khái niệm an ninh từ lâu được các nước hiểu theo nghĩa hẹp là an ninh quốc gia, trong phạm vi các mối đe dọa đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hay các vấn đề gắn liền với sự sinh tồn của một quốc gia như chiến tranh, chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt…, UNDP đã đề xuất khái niệm an ninh con người với 7 nhân tố cấu thành gồm: An ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Ủy ban An ninh con người của LHQ còn đưa ra định nghĩa về an ninh con người là phải bảo vệ các giá trị cơ bản quan trọng nhất trong cuộc sống của tất cả mọi người theo hướng tăng cường khả năng tự do lựa chọn và hưởng thụ của con người, bảo vệ con người khỏi những mối đe dọa, nguy hiểm ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Ủy ban An ninh con người của LHQ đã đưa ra khuyến nghị 10 điểm: (1) bảo vệ con người trong các cuộc xung đột bạo lực; (2) bảo vệ con người khỏi việc phổ biến vũ khí; (3) trợ giúp về an ninh cho những người đang trên đường di rời khỏi quê hương; (4) thành lập các quỹ tạm thời về an ninh con người trong các tình huống hậu xung đột; (5) khuyến khích giao thương công bằng và tiếp cận thị trường đem lại nguồn lợi cho những người nghèo khổ; (6) bảo đảm mức sống tối thiểu cho con người ở khắp mọi nơi; (7) chú ý ưu tiên tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản và đồng đều; (8) phát triển một hệ thống các quyền phát minh sáng chế có hiệu quả và công bằng; (9) bảo đảm quyền con người bằng hệ thống giáo dục phổ cập thông qua các nỗ lực toàn cầu cũng như của từng nước; (10) bảo vệ sự cần thiết của những chuẩn mực chung toàn cầu về con người, tôn trọng tự do lựa chọn của các cá nhân, các dân tộc để duy trì sự đa dạng bản sắc.
Như vậy, an ninh con người là sự an toàn của con người trước những mối đe dọa như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hằng ngày. An ninh con người được đặt ra trong mối quan hệ mật thiết với những nội dung an ninh khác, an ninh con người có mối quan hệ với thời đại, xã hội và môi trường tự nhiên. An ninh con người trở thành một nhân tố, điều kiện quan trọng để thực hiện cũng như bảo đảm an ninh xã hội, an ninh toàn cầu.