Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
73011

VIỆT NAM TRONG VAI TRÒ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC KỲ 2: ĐIỂM NHẤN THÁNG CHỦ TỊCH VIỆT NAM

Sau hơn 75 năm kể từ khi Liên Hợp quốc (LHQ) ra đời đến nay, thế giới đã và đang chứng kiến hàng trăm cuộc chiến tranh, xung đột lớn nhỏ ở nhiều quốc gia, khu vực, không chỉ là mối đe dọa hàng đầu đối với hòa bình, an ninh quốc tế, mà còn là thảm họa đối với việc thụ hưởng quyền con người. Xung đột vũ trang có thể gây thiệt hại nặng nề đối với tính mạng, tài sản và đời sống của người dân, để lại những hậu quả lâu dài tác động trực tiếp đến các quyền lợi cơ bản, thiết thân của người dân, trong đó có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền lương thực, quyền được giáo dục, chăm sóc y tế, tiếp cận nước sạch… Tính chất phức tạp lan rộng và dai dẳng của nhiều tranh chấp, bất ổn quốc tế, cùng với các thách thức an ninh toàn cầu cũng khiến cho các xung đột này khó giải quyết hơn, gây hệ lụy kéo dài đối với cuộc sống cũng như việc thụ hưởng quyền con người của người dân, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của LHQ, các quốc gia và các tổ chức khu vực.

Xây dựng lòng tin và đối thoại

Sự kiện dấu ấn quan trọng nhất trong Tháng Chủ tịch HĐBA của Việt Nam là Phiên thảo luận Cấp cao trực tuyến với chủ đề “Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 19/4. Phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước đã nhấn mạnh ý nghĩa của lòng tin và đối thoại trong quan hệ quốc tế, đánh giá cao nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức khu vực với LHQ trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột, đề cao vai trò của ASEAN và đề ra các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên thảo luận mở cấp cao Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Việt Nam cũng đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Chủ tịch khẳng định sự gắn kết giữa LHQ/HĐBA và các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột với xây dựng lòng tin và đối thoại là những thành tố thiết yếu, khuyến khích các tổ chức khu vực phát huy vai trò hỗ trợ, đưa ra khuyến nghị về ngăn ngừa, giải quyết xung đột cho các quốc gia thành viên phù hợp với Hiến chương LHQ. Thông qua sự kiện này, Việt Nam mong muốn các tổ chức khu vực phát huy hơn nữa vai trò của mình, tăng cường đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với LHQ trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột ở các khu vực, đồng thời hướng tới giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của xung đột như đói nghèo, bất bình đẳng, chậm phát triển, cách hành xử đơn phương, áp đặt trong quan hệ quốc tế, qua đó giúp ngăn ngừa hiệu quả hơn xung đột từ sớm và từ xa, hướng tới hòa bình bền vững, bảo đảm đầy đủ các quyền và lợi ích cơ bản của người dân.

Tăng cường gắn kết

Tại Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” ngày 08/4, không chỉ dừng lại ở thảo luận, Việt Nam đã thúc đẩy HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên đề cập riêng đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn. Văn kiện này nhấn mạnh mối liên hệ giữa khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, đồng thời đề cập đến các nội dung mới quan trọng, có liên quan trực tiếp đến quyền con người như tác động tiêu cực nhiều mặt của đại dịch COVID-19 và tính tới nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em trong triển khai các nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn trong các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ.

Việt Nam cùng các đối tác vẫn thực hiện các chương trình rà phá bom mìn

Thông qua sáng kiến này, Việt Nam tiếp tục khẳng định ưu tiên cao trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA về thúc đẩy vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn trên thế giới nhằm bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân hậu xung đột, đây chính là những chủ thể đã chịu nhiều mất mát và gặp nhiều khó khăn trong việc thụ hưởng các quyền của mình, trong đó có chính trường hợp của Việt Nam.

Thông qua Nghị quyết 2573

Sự kiện điểm nhấn khép lại Tháng Chủ tịch của Việt Nam là Phiên họp cấp Bộ trưởng về “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” ngày 27/4. Kết quả nổi bật nhất là việc 15 nước thành viên HĐBA đã bỏ phiếu thuận thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân, là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam đề xuất trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021. Nghị quyết có nhiều nội dung mang tính đột phá, nhấn mạnh việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, cũng như khuyến khích các biện pháp, hợp tác trên nhiều phương diện và cấp độ nhằm bảo vệ, khôi phục cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, nâng cao khả năng chống chịu của người dân trong xung đột vũ trang, bảo đảm thụ hưởng các quyền cơ bản một cách đầy đủ nhất.

Ngoài 3 sự kiện điểm nhấn nói trên, Việt Nam cũng đã chủ trì thảo luận mở thường niên về Bạo lực tình dục trong xung đột, trong đó nhấn mạnh cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bạo lực tình dục trong xung đột, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và sự tham dự của phụ nữ trong tiến trình hòa bình, phòng ngừa xung đột và đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã chủ trì, điều hành cân bằng, khách quan, hiệu quả quá trình thảo luận các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế trong chương trình nghị sự của HĐBA như tình hình tại Libya, Yemen, Ethiopia, Sudan, xung đột Israel-Palestine…, thúc đẩy thông qua nhiều văn kiện của HĐBA trong đó đề cập các nội hàm về bảo vệ thường dân, bảo đảm tiếp cận nhân đạo trong bối cảnh xung đột. Đáng chú ý là với tình hình Myanmar, một vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm cao trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động đề xuất và chủ trì họp kín thông tin về Kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN tại Jakarta (Indonesia) từ ngày 23-24/4/2021, qua đó khẳng định vai trò, vị thế và tiếng nói của ASEAN trong việc xử lý khủng hoảng ở khu vực, hướng tới việc đem lại hòa bình, ổn định cho người dân Myanmar, được các nước HĐBA ủng hộ và đánh giá cao.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ĐẶNG HOÀNG GIANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *