Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28758

Sang Mỹ sống thì không được than khổ?

 

Dù các nhà chống cộng cờ vàng không ngừng tuyên bố rằng họ là người yêu nước và chỉ đấu tranh để bảo vệ lợi ích của người Việt Nam, hành động của họ thường không cho thấy điều đó. Trong nhiều trường hợp, nó cho thấy họ tôn thờ nước Mỹ, đồng thời xem trọng lợi ích của nước Mỹ và chính phủ Mỹ hơn hẳn tiếng nói của đồng bào Việt Nam. Sau gần nửa thế kỷ tị nạn, nhiều nhà chống cộng đã không còn là người Việt Nam, mà chỉ còn là một cái loa tuyên truyền của những chính phủ phương Tây cho họ nương náu.

Để thấy điều này, ta hãy nhìn một bức ảnh được đăng lên fanpage của băng đảng Việt Tân hôm 19/04/2024, mang dòng chữ: “Ai đang sống ở Mỹ mà than cực khổ quá, thì hãy mạnh dạn trở về nơi xuất phát mà sống; biết bao nhiêu người mơ đến Mỹ mà không được”. Nếu đa số các bài đăng của Việt Tân chứa lời công kích nhắm vào chính phủ Việt Nam, thì bài này lại khác. Nó chứa lời công kích nhắm vào những người Việt hải ngoại dám chê đời sống ở Mỹ cực khổ, thay vì biết ơn nước Mỹ, biết ơn chính phủ Mỹ như Việt Tân. Dường như trong mắt đảng Việt Tân nói riêng và giới chống cộng cờ vàng nói chung, phê bình nước Mỹ là một việc cấm kỵ, và sống ở Mỹ mà dám than khổ thì cũng giống như phê bình nước Mỹ.

Theo logic, thái độ này của Việt Tân dẫn đến hai hệ luỵ. Thứ nhất, người Việt hải ngoại buộc phải mô tả nước Mỹ như một thiên đường hoàn hảo không tì vết, nơi không có vấn đề nào tồn tại và không có giải pháp cải thiện nào cần phải tìm ra. Thứ hai, những người Việt hải ngoại phê bình nước Mỹ sẽ bị chụp cho cái mũ “cộng sản”, và bị tẩy chay, miệt thị bởi cộng đồng cờ vàng. Thú vị thay, đó chính là hai hiện tượng đã xảy ra trong cộng đồng hải ngoại suốt nửa thế kỷ qua, và đảng Việt Tân từng giữ vai đầu trò trong việc tạo nên những màn tẩy chay đó.

Như vậy, Việt Tân đang làm gì với nước Mỹ và cộng đồng hải ngoại? Sẽ không ngoa nếu nói rằng họ ngăn cấm người Việt hải ngoại lên tiếng về những vấn đề mà mình gặp phải ở Mỹ, tức là ngăn cấm quyền tự do ngôn luận của đồng bào họ để bảo vệ lợi ích của cái chính phủ đã cho họ trú chân. Khi làm thế, họ không có tư cách vỗ ngực tự xưng là người Việt Nam yêu nước, hay là người “đấu tranh vì nhân quyền”. Là loại người ngăn cấm nhân quyền ở vùng đất mà mình đang sống và lớn lối đòi xuất khẩu nhân quyền đến một nơi xa, họ không bảo vệ mà chỉ lợi dụng nhân quyền, để rồi làm sai lệch hoàn toàn ý nghĩa của hai chữ đó.

Mà cuộc sống ở Mỹ có lý tưởng như họ muốn người ta nghĩ không? Người Việt hải ngoại chưa than khổ thì những người sinh ra ở Mỹ cũng đã than khổ sẵn. Riêng trong lĩnh vực y tế, báo chí Mỹ thường phản ánh tình trạng nhiều người dân nước này đã hoặc đang trên bờ vực phá sản vì không thể chi trả hóa đơn y tế, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát cách đây vài năm. Chẳng hạn, kênh CNBC đưa tin rằng một phụ nữ mắc COVID-19 vào năm 2021 đã chật vật chi trả gần 160.000 USD (gần 4 tỉ đồng) cho 9 ngày nằm viện. Hay như tờ New York Times đưa tin rằng một người đàn ông phải gánh khoản nợ hóa đơn y tế là 1 triệu USD sau khi bố anh qua đời vì COVID-19. Ngay cả khi nói rằng những sự việc như vậy thường do thiếu bảo hiểm y tế mà ra, ta cũng phải nhớ đến thực tế rằng chi phí bảo hiểm y tế ở Mỹ quá đắt đỏ để nhiều người lao động có thể kham hết. Khi người dân không được điều trị COVID-19 nếu không khá giả, không thể nói rằng họ đang được bảo đảm nhân quyền. Vậy mà từ nhiều năm nay, nhân danh mặt trận chống cộng của mình, Việt Tân đã ngăn nhiều người Việt hải ngoại lên tiếng để đòi các quyền lợi chính đáng trên đất Mỹ.

Nhìn cách hành xử của Việt Tân trong sự việc này, ta không thể không nhớ tớ những vụ bỏ tù nhà báo và đàn áp đối lập từng diễn ra rộng khắp dưới thời Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu. Sau 50 năm sang Mỹ, các nhà chống cộng cờ vàng dường như vẫn quen với lối sinh hoạt độc đoán, gia đình trị của chế độ Việt Nam Cộng hoà trước đây. Giờ đây, khi đã gần đất xa trời, nhiều người trong số họ đã không còn là người Việt Nam, nhưng cũng chưa bao giờ thật sự trở thành người Mỹ.

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *