Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
123032

Giá trị tinh thần, về Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Chủ tịch Hồ Chi Minh

Triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lĩnh vực quyền con người tựu chung ba điểm. Đó là nhận thức về những giá trị tinh thần, về Tự do, Bình đẳng, Bác ái; ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng-xã hội; lối sống thanh cao, khiêm tốn, giản dị gắn với thiên nhiên. Một trong những nét đặc sắc trong cuộc đời – sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là sự cảm nhận thiên tài của Người về Tự do, Bình đẳng, Bác ái.

Nói cách khác là về quyền con người. Vào năm 1923, khi Người làm việc tại Quốc tế cộng sản (ở Liên Xô), nhà thơ nổi tiếng Liên Xô – Osip Mandelstam đã đến thăm và trò chuyện với Người. Trả lời câu hỏi: “Vì sao đồng chí đi ra nước ngoài?” Nguyễn Ái Quốc đáp rằng: “Khi tôi trạc 12-13 tuổi tôi đã nghe thấy các giáo sư Pháp giảng dạy rằng Tự Do, bình Đẳng, Bác ái là những giá trị tư tưởng lớn lao của nhân loại… Và từ thủa đó tôi đã muốn đến nước  Pháp – nơi sản sinh ra những tư tưởng đó hiện nay ra sao?”.

Trước đó, vào năm 1920, khi lao động kiếm sống và hoạt động trong phong trào yêu nước và phong trào công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã bắt gặp Chủ nghĩa Mác-Lênin khi Người tham gia Đại hội Tours, tháng 12/1920, và trở thành một người tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Người nhận thức rằng quyền con người bao giờ cũng gắn với một chế độ xã hội, một nền văn hóa nhất định và với một hoàn cảnh nào đó.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích lại hai văn kiện lịch sử: “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Như vậy có thể nói, tư tưởng về quyền công dân và quyền con người ở nước ta gắn liền với Độc lập dân tộc. Đây là nét đặc sắc, là sự kết tinh chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Tư tưởng này không chỉ còn nguyên giá trị mà còn cần được kế thừa và phát triển trong thời đại khoa học-công nghệ hiện đại và thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Khi được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không xem đây là một vinh dự mà chỉ xem đây là một nhiệm vụ của một người chiến sỹ thực hiện mệnh lệnh… Vào năm 1946, sau khi được bầu làm Chủ tịch nước, trả lời các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Ở cương vị người đứng đầu Nhà nước nhưng Người vẫn giữ lối sống khiêm tốn, giản dị, tự phục vụ… Ngày nay khách trong nước và khách quốc tế đến thăm khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là khu nhà sàn Người ở hàng ngày không khỏi xúc động khi thấy những đồ dùng hàng ngày, chiếc radio cũ kỹ, bộ quần áo kaki đã ngả mầu. Tuy nhiên, người ta vẫn thấy Người có nhu cầu hưởng thụ tinh thần thanh cao, tinh tế, gắn với thiên nhiên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *