Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
58295

Mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người Kỳ 2: Ưu tiên dành mọi nguồn lực vì người dân

Quyết định ứng cử làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 cũng xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn và thành công đạt được trong nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2014-2016. Trong nhiệm kỳ trước, Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực đóng góp và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ nhằm mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về quyền con người.

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển

Suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã đấu tranh kiên cường, bền bỉ và sẵn sàng hi sinh để giành và giữ vững các quyền tự do cơ bản của con người. Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện hiện nay, Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển. Do đó, mọi chủ trương, đường lối của nhà nước đều hướng tới làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; mọi chính sách, chương trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đều lấy người dân làm trung tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Việt Nam bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế

Việt Nam chia sẻ quan điểm quyền con người mang tính phổ quát, là khát vọng và giá trị chung của toàn nhân loại, như được ghi nhận trong các văn kiện của LHQ và các điều ước quốc tế. Vì vậy, nhà nước ta thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ những giá trị cao quý về quyền con người được thế giới thừa nhận rộng rãi. Bên cạnh đó, quyền con người vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù vì vậy, việc giải quyết các vấn đề cụ thể về quyền con người cần phải tính đến hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, chính trị và trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Ngoài những giá trị phổ biến, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia tuỳ theo chế độ chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hoá dân tộc, tôn giáo có những giá trị riêng không ai có thể xâm phạm được. Tính phổ biến của quyền con người chỉ có thể được bảo đảm chắc chắn khi tính đến những đặc thù khác nhau ở mỗi khu vực, trong những điều kiện cụ thể về lịch sử, văn hoá, tôn giáo, chế độ chính trị, chế độ kinh tế. Do đó, nhà nước ta chủ trương giải quyết vấn đề quyền con người bằng đối thoại hoà bình và mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Ưu tiên dành mọi nguồn lực vì người dân

Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Các thành tựu đạt được đã tạo ra các điều kiện vật chất và nguồn lực mới để Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân. Việt Nam đã hoàn thành trước hạn hầu hết các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân

Trong 10 năm qua (2010-2020), GDP tăng trưởng bình quân gần 6%, thu nhập bình quần đầu người tăng hơn gấp đôi (từ mức 1.331 USD năm 2010 lên mức 2.750 USD năm 2020), tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% xuống dưới 3%, tỉ lệ bao phủ BHYT tăng từ 60,9% lên 90,7% dân số, hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phát triển và đặc biệt phát huy vai trò tích cực trong kiểm soát dịch COVID-19, bảo đảm tốt quyền được chăm sóc sức khoẻ của người dân. Chính phủ tiếp tục ưu tiên dành 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục cấp mầm non và tiểu học. Các quyền dân sự, chính trị cũng được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Việt Nam có gần 900 cơ quan báo chí, hơn 70% dân số (tương đương 68 triệu người) có thể truy cập Internet, hơn 67% dân số sử dụng mạng xã hội. Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, đa tín ngưỡng với khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 26 triệu người là tín đồ của các tôn giáo (chiếm 27% dân số); các tôn giáo chung sống hoà hợp và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp, chính sách đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là các nhóm dễ tổn thương. Đến nay, Việt Nam về cơ bản vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, tiến tới trạng thái “bình thường mới”, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 2,91% (năm 2020), thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Chủ động và trách nhiệm

          Quyết định ứng cử làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 cũng xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn và thành công đạt được trong nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2014-2016. Trong nhiệm kỳ trước, Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực đóng góp và tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ nhằm mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về quyền con người. Chúng ta đã tạo được dấu ấn rõ nét thông qua các sáng kiến cụ thể, đồng thời thúc đẩy, hợp tác, đối thoại trên các vấn đề mà quốc tế quan tâm, phù hợp với lợi ích quốc gia như tham gia Nhóm Nòng cốt tại HĐNQ về “Biến đổi khí hậu và nhân quyền”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết về ảnh hưởng của biến đối khí hậu đối với nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).

Việt Nam cũng đã hoàn thành việc rà soát theo Cơ chế UPR chu kỳ II (2014) và lần đầu tiên xây dựng được Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR, được các nước và các cơ chế nhân quyền LHQ ghi nhận là kinh nghiệm tốt, điển hình về tham gia UPR. Bên cạnh đó, với vai trò thành viên HĐNQ, chúng ta một mặt đề cao quan điểm, chính sách nhất quán, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về quyền con người; nâng cao vị thế, hình ảnh một nước Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; mặt khác góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các nước bạn bè, các nước đối tác, kể cả những nước có quan điểm khác về quyền con người.

Chí Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *