Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24076

Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, internet không thể bị lợi dụng

Các Tổ chức phản động lưu vong trong đó nổi lên là “Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS” và “Việt Tân” ráo riết vận động chính giới các nước can thiệp vấn đề nhân quyền Việt Nam. Các hãng thông tấn báo chí nước ngoài như Đài Châu Á tự do (RFA), BBC Việt ngữ, tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI)… là các cơ quan báo chí phương Tây chống phá Việt Nam dữ dội, quyết liệt và thường xuyên nhất, tập trung vu cáo Việt Nam xiết chặt tự do ngôn luận, tự do tư tưởng bằng cách cố súy cho một số đối tượng chống Đảng, Nhà nước (các vụ việc nổi cộm như vụ việc Cù Huy Hà Vũ trước đây, blogger Mẹ Nấm, thành viên của cái gọi là Hội Nhà báo Việt Nam độc lập…).

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao nhất châu Á

Chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc bảo đảm, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để khơi dậy, phát huy ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, sức mạnh tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mặt khác, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn có tinh thần cầu thị, tích cực tiếp thu, học hỏi, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các quốc gia khác để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho đại đa số người dân.

Đối với quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, internet, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 25). Trên tinh thần Hiến pháp 2013, Luật Báo chí năm 2016, Luật tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2017 và các văn bản dưới luật đã được xây dựng, thông qua và tổ chức thực hiện với nhiều điểm mới, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền con dân, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong đảm bảo các quyền liên quan của công dân, của mọi người.

Các nỗ lực và kết quả đạt được của Nhà nước Việt Nam đã được các cơ chế nhân quyền quốc tế như Ủy ban Nhân quyền (HRC), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao trong các kỳ bảo vệ báo cáo quốc gia theo các công ước. Tuy nhiên, do sự khác biệt vềý thức hệ giữa chế độ chính trị của ta với các nước tư bản, phương Tây nên vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn là nội dung đấu tranh thường xuyên, lâu dài bởi đây là vấn đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị thường lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống Việt Nam nằm trong âm mưu, ý đồ lâu dài thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhằm gây mất ổn định, thậm chí gây bạo loạn, lật đổ dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền và từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. Mặt khác, tùy từng thời điểm cụ thể, việc gây sức ép, chống ta về dân chủ, nhân quyền còn do yêu cầu mị dân hoặc giải tỏa sức ép nội bộ (từ Quốc hội, nhóm cực hữu, nhóm cử tri gốc Việt có thành kiến, các tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông…); chính vì vậy, các thế lực thù địch, thiếu thiện cảm với Việt Nam thường lợi dụng vấn đề tự do ngôn luận, tự do Internet để đả kích, chống phá, bóp méo sự thật về tình hình Việt Nam. Đáng chú ý, hoạt động phá hoại tư tưởng chủ yếu tập trung vào các thời điểm trước và trong khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam như bầu cử, Đại hội Đảng các cấp, ngày Quốc khánh…

Đối với lĩnh vực ANQG, TTATXH của Việt Nam, hiện tội phạm mạng đã trở thành mối đe dọa hàng đầu như các hoạt động kích động, lôi kéo biểu tình, nói xấu Đảng và Nhà nước trên mạng Internet, ngoài ra còn có các hoạt động truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, vi phạm bản quyền số… Tình hình mất an toàn thông tin số tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa đến việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh. Các thế lực thù địch và phản động đang ráo riết sử dụng tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội từ bên ngoài để tuyên truyền tâm lý, tạo dư luận trong nước cũng như ngoài nước nhằm chống phá Việt Nam; triệt để lợi dụng các tính năng ưu việt, hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội, lợi dụng chính sách nhà nước khuyến khích người dân tham gia không gian mở trên Internet để khai thác, chia sẻ thông tin đã xuất hiện rất nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng; chủ yếu như: Đăng, phát nội dung không được phép; thông tin, hoạt động báo chí trái phép; thông tin sai sự thật; đăng phát thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam; vi phạm quy định về quảng cáo; không thực hiện đúng quy định ghi trong giấy phép, thông tin nói xấu lãnh tụ, nói xấu chế độ, bôi nhọ nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; đưa các xuất bản phẩm có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, các xuất bản phẩm có nội dung vi phạm đã bị thu hồi lên mạng Internet… nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân hòng mua chuộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có tư tưởng hận thù, phần tử cơ hội, bất mãn, thoái hóa biến chất, một bộ phận quần chúng nhẹ dạ, cả tin… để hình thành tổ chức bí mật ở trong nước và nước ngoài nhằm phục vụ cho các hoạt động bạo loạn, lật đổ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Sự bùng nổ của tin tức giả mạo (tin bịa đặt, sai sự thật) mang lại không ít phiền toái cho người sử dụng mạng xã hội. Tin tức giả mạo tràn ngập Facebook, Google, Twitter, TikTok…; không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Những đánh giá thiếu khách quan

Khi đánh giá về tự do ngôn luận, báo chí và Internet ở Việt Nam, một số quốc gia và tổ chức quốc tế vẫn có cái nhìn khá tiêu cực; các bảng xếp hạng tự do báo chí, Internet phổ biến trên thế giới vẫn đánh giá Việt Nam tương đối xấu. Báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2022” của Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF) xếp Việt Nam hạng 174/180 về tự do báo chí, thuộc nhóm đội sổ trong bảng xếp hạng này. Báo cáo cáo buộc cho rằng, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có tình hình báo chí “rất tồi tệ” tương tự như năm 2019, 2020, 2021 và trước đó. Báo cáo thường niên của Freedom House về tự do Internet có tên “Freedom on the Net 2022” xếp hạng “Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do Internet nhất trên thế giới”. Theo đó, Báo cáo trên đánh giá về tự do Internet của Việt Nam chỉ đạt 22 điểm (trên thang điểm 100); trong đó, 12 điểm được tính cho danh mục “trở ngại để truy cập”, 6 điểm cho “giới hạn nội dung” và 4 điểm cho “vi phạm quyền của người dùng”.

Mới đây, cơ quan nghiên cứu của Nghị viện châu Âu công bố bản báo cáo về các hoạt động hỗ trợ những nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới; trong đó có những thông tin, nhận định thiếu khách quan, công bằng, dựa trên một số thông tin sai lệch, không có cơ sở, không phản ánh đúng thực tế về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Theo nội dung của bản báo cáo, Nghị viện châu Âu cho rằng, họ đã gặp nhiều giới hạn trong việc bảo vệ những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam; cáo buộc Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, “đàn áp, bỏ tù người vô tội”; thậm chí, cho rằng Việt Nam là “chế độ đàn áp”. Trong khi đó, danh sách những “nạn nhân của chế độ” được liệt kê trong báo cáo này lại là những đối tượng chống phá cộm cán như: Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Tiến Trung hay gần đây nhất là Phạm Đoan Trang. Đây không phải là lần đầu Nghị viện châu Âu đưa ra những đánh giá, nhận định sai lệch, thiếu khách quan, thiếu thiện chí về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Các tổ chức này cùng với báo cáo của họ hiện vẫn được các tổ chức quốc tế, các nước và các cơ quan nghiên cứu, học thuật viện dẫn như một nguồn đánh giá phổ biến, điều này gây phương hại sâu sắc tới uy tín, hình ảnh của Việt Nam, gây bất lợi lớn cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và gây tác động dư luận trong nước và quốc tế mạnh mẽ theo hướng tiêu cực về Việt Nam.

Bên cạnh đó, số phản động lưu vong và chống đối chính trị gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; cung cấp thông tin sai lệch, vận động chính giới các nước, các tổ chức quốc tế can thiệp, hây sức ép với Việt Nam về nhân quyền, hỗ trợ, hậu thuẫn cho số chống đối trong nước. Chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội, các website, đài báo nước ngoài, tập trung xuyên tạc vụ án Việt Á, xử lý các vụ việc tham nhũng tiêu cực, tình hình khó khăn do giá hàng hóa tăng cao, dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraina; kêu gọi người dân trong nước hưởng ứng phong trào đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, lật đổ vai trò Lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các Tổ chức phản động lưu vong trong đó nổi lên là “Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS” và “Việt Tân” ráo riết vận động chính giới các nước can thiệp vấn đề nhân quyền Việt Nam. Các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong tìm cách tiếp cận các cơ quan, chính khách Mỹ và các nước phương Tây Châu Âu nhằm tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, chống phá việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước. Các hãng thông tấn báo chí nước ngoài như Đài Châu Á tự do (RFA), BBC Việt ngữ, tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI)… là các cơ quan báo chí phương Tây chống phá Việt Nam dữ dội, quyết liệt và thường xuyên nhất, tập trung vu cáo Việt Nam xiết chặt tự do ngôn luận, tự do tư tưởng bằng cách cố súy cho một số đối tượng chống Đảng, Nhà nước (các vụ việc nổi cộm như vụ việc Cù Huy Hà Vũ trước đây, blogger Mẹ Nấm, thành viên của cái gọi là Hội Nhà báo Việt Nam độc lập…). Các phương tiện truyền thông này đã xuyên tạc tự do chính trị tại Việt Nam, bôi nhọ lực lượng hành pháp, tác động tới nhận định của các nước phương Tây về tình hình tự do, nhân quyền của Việt Nam, làm xấu đi quan hệ ngoại giao của Việt Nam với quốc tế. Gần đây nhất, ngày 12/4/2023, khi TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Lân Thắng (48 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ngay lập tức trước, trong và sau phiên xét xử đã xuất hiện hàng chục bài viết trên các trang mạng của BBC, VOA,  RFA, RFI… xuyên tạc, bôi nhọ Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc, nhận định thiếu khách quan về chính sách pháp luật và tình hình nhân quyền Việt Nam.

Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn. Ở Việt Nam, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật, bởi bất cứ ai và vì bất cứ lý do gì, đều phải bị xét xử nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do của mỗi người dân trong một xã hội an toàn, trật tự và công bằng. Không ai bị bắt giữ, xét xử vì thực hiện các quyền con người một cách chính đáng. Đối với trường hợp như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Tiến Trung hay Phạm Đoan Trang được nhắc đến trong báo cáo của Nghị viện Châu Âu là “tù nhân chính trị” thực chất là những đối tượng núp bóng dân chủ, nhân quyền, thường xuyên có các hoạt động chống phá, kích động bạo lực, lôi kéo, tập trung các đối tượng xấu để gây rối trật tự công cộng nhằm mục đích phá vỡ sự ổn định chính trị của đất nước, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hoàn toàn không phải hành động “đàn áp người đấu tranh” như một số nhận định chủ quan, phiến diện, một chiều, mang tính bao biện cho các sai phạm của những phần tử chống đối.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *