Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến việc lấy dân làm gốc, trọng dân, tin dân, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và đặc biệt là “dân thụ hưởng”. Đây là lần đầu tiên cụm từ “dân thụ hưởng” được đưa vào văn kiện. Mục tiêu được hướng tới là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Người dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối của Đảng và Nhà nước, được quyền bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, được quyền kiểm soát thực thi các chính sách, mà còn được quyền đón nhận những điều tích cực nhất.
Quy luật “Dân giám sát và dân thụ hưởng”
Khái niệm “dân hưởng thụ” theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An (Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII) là một biểu hiện của sự quan tâm đến đời sống của người dân, đến những quyền lợi sát sườn, đến những nhu cầu xứng đáng được hưởng của người dân.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Trước đây chúng ta nói cơ chế dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng lần này thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Cái đó là quy luật, làm thì phải được thụ hưởng, còn nếu làm mà không thụ hưởng thì không ai làm. Động lực chính là lợi ích. Lợi ích phải hài hòa tổng thể lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Bây giờ chúng ta phải hoàn thiện điều này”
Nhiều năm gần đây, chúng ta quen với câu nói, khẩu hiệu và cũng là chủ trương của Đảng, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhưng kỳ Đại hội lần này chúng ta thấy có sự bổ sung 2 cụm từ mới là “dân giám sát” và “dân thụ hưởng”. Cụm từ “dân thụ hưởng” thể hiện quan điểm rất thực tiễn của Đảng. Thứ nhất, nhấn mạnh lợi ích thụ hưởng, tức là người dân được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Chính vì đáp ứng được lợi ích đa dạng của người dân trong xã hội thì sẽ thỏa mãn được lợi ích ấy, tạo thành động lực cho cho sự phát triển.
Thứ nhất, dân thụ hưởng không phải chỉ là người dân phải được hưởng cái gì đó, mà chính là hướng đến việc thỏa mãn các lợi ích đa dạng trong xã hội của người dân để biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển.
Thứ hai, cụm từ “dân thụ hưởng” nhấn mạnh là mọi chủ trương, chính sách phải tạo ra được sự thay đổi trên thực tế cuộc sống, tức là phải thay đổi bằng cách tạo ra sự thay đổi tích cực trong đời sống của người dân, kết quả của người dân được thụ hưởng.
Thứ ba, khi dùng cái khái niệm “dân thụ hưởng”, tức là người dân nói chung, mọi giai cấp, mọi tầng lớp chứ không chỉ là những nhóm xã hội hay những tầng lớp có điều kiện thuận lợi. Trong hơn 30 năm đổi mới, rõ ràng có các khu vực thuận lợi phát triển rất nhanh, nhưng cũng còn nhiều khu vực khó khăn. Điều này đặt ra một thách thức cho Đảng, đó là sự phát triển mang tính bao trùm, tức là mọi cá nhân, mọi tầng lớp, mọi giai cấp phải đều có cơ hội bình đẳng về mặt thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Đây là điểm mới, là động lực hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng trong tiến trình phát triển, lãnh đạo đất nước.
Khái niệm “dân thụ hưởng” liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân. Đối với người dân, thụ hưởng vật chất và thụ hưởng tinh thần đều quan trọng như nhau, nên đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Khái niệm “dân thụ hưởng” cũng đòi hỏi mở rộng cơ chế dân chủ cơ sở. Người dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối của Đảng và Nhà nước, được quyền bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, được quyền kiểm soát thực thi các chính sách, mà còn được quyền đón nhận những điều tích cực nhất.
Thực tế, muốn làm cho một ai đó được thụ hưởng, tức là họ có cảm giác hưởng thụ thật sự chúng ta rất cần phải hiểu được nhu cầu của họ là gì. Vì thế, khi đặt ra phương châm “dân thụ hưởng”, chắc chắn việc cần làm đầu tiên phải là xác định nhu cầu chung của nhân dân. Khi đặt nhân dân là người thụ hưởng, bộ máy phải coi mình là người phục vụ, người cung cấp dịch vụ. Đặt mục tiêu phục vụ lên hàng đầu, người đại diện của bộ máy sẽ luôn tìm hiểu mức độ thỏa mãn của người thụ hưởng bằng cách so sánh giữa nhu cầu của họ với việc cung cấp dịch vụ của mình. Lấy phép so sánh đó làm thước đo công việc và cố gắng hoàn thiện dựa trên thước đo ấy phải là phương châm hành động.
Hưởng thụ (hưởng: được dùng; thụ: nhận lấy), với nghĩa gốc của “Từ điển tiếng Việt” do giáo sư Hoàng Phê chủ biên, là “hưởng của xã hội, trong quan hệ với cống hiến”. Nhưng, trong đời sống, từ này được hiểu theo biến thể là “tận hưởng”, tức là cảm nhận sự sung sướng một cách trọn vẹn, hết mình. Kim chỉ nam mà Đại hội XIII hướng đến rất rộng, thậm chí là một trong những mục tiêu lớn nhất và đáng bỏ công sức nhất của đời người: mưu cầu hạnh phúc. Con người sinh ra không chỉ chăm lo cho cái ăn và cái mặc, mà còn nhiều quan hệ tình cảm cũng như nhiều khát vọng tương lai. Ước mơ giàu sang hoặc cơ hội sáng tạo của từng cá nhân, cũng là đòn bẩy quan trọng cho mỗi địa phương và mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Hiện nay, đã có nhiều nước đặt Tổng hạnh phúc quốc gia – GNH ở vị trí then chốt hơn cả Tổng sản phẩm nội địa – GDP.
Khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc
Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đã nhấn mạnh định hướng và tầm nhìn trong giai đoạn mới là khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Đối với khát vọng để đất nước chúng ta phát triển phồn vinh, theo mục tiêu của văn kiện Đại hội Đảng đã đưa ra rất cụ thể: Đến năm 2025, chúng ta sẽ là đất nước đang phát triển, có công nghệ theo hướng hiện đại và vượt qua được mức thu nhập trung bình; Đến năm 2030, chúng ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại với mức thu nhập trung bình cao và mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta sẽ là một nước phát triển với thu nhập cao.
Thực tế, rất nhiều nước trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh cũng có những đánh đổi về mặt phát triển xã hội. Vì vậy, chúng ta đặt khát vọng để một đất nước phát triển bên cạnh sự phồn vinh là hạnh phúc. Đây chính là một mục tiêu phổ quát của bất kỳ sự phát triển nào. Bởi vì mục tiêu để đất nước phát triển cũng chính là để cho mỗi con người có được một cuộc sống hạnh phúc, mỗi gia đình có một cuộc sống hạnh phúc, để từ đó chúng ta có một xã hội hạnh phúc, một dân tộc hạnh phúc.
Báo cáo “Thế giới năm 2050” của công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) đã đưa ra nhận định, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng, tiềm lực để có thể lọt vào top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2050. Mục tiêu này đã được căn cứ, cân nhắc rất kỹ lưỡng dựa trên nguồn lực của con người Việt Nam cũng như tốc độ phát triển rất bền vững và ổn định của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Diệu Thúy