Trên thế giới, không có mô hình cơ quan nhân quyền thống nhất và duy nhất. Vì vậy, nghiên cứu lựa chọn mô hình phù hợp ở Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước, đồng thời tham khảo kinh nghiệm tốt của các môp hình trên thế giới.
Không có một kiểu thống nhất về NHRIs cho các quốc gia, tuy nhiên, thực tế cho thấy các NHRIs thông thường được thiết lập theo ba dạng chủ yếu đó là: (i) Cơ quan thanh tra Quốc hội; Ủy ban nhân quyền quốc gia; (iii) Cơ quan chuyên trách về một vấn đề nhân quyền cụ thể. Trong số các mô hình này, Ủy ban nhân quyền quốc gia chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Thiết chế này có thể trực thuộc cơ quan lập pháp hay cơ quan hành pháp. Trong trường hợp thuộc cơ quan hành pháp, Uỷ ban Nhân quyền quốc gia vẫn có tính độc lập tương đối với các cơ quan hành pháp khác và có thể có nhiệm vụ báo cáo thường kỳ với cơ quan lập pháp. Ủy viên của các ủy ban nhân quyền quốc gia có thể có chuyên môn khác nhau, tuy nhiên đều phải có uy tín, kinh nghiệm, được bầu ra trên cơ sở tính đến tính đại diện cho vùng, miền, nhóm người, đảng pháicủa quốc gia.
Trong khi đó, các Cơ quan Thanh tra Quốc hội thông thường thuộc nhánh lập pháp, được Nghị viện thành lập nhưng có tính độc lập tương đối với Nghị viện. Về bản chất, Thanh tra Quốc hội không phải là cơ quan giám sát nhánh hành pháp, mà chỉ đóng vai trò là cơ quan trung gian giữa các cá nhân và các chính phủ (giống các ủy ban nhân quyền) trong các vấn đề nhân quyền. Chức năng chính của Cơ quan Thanh tra Quốc hội ở một số nước là bảo vệ sự công bằng và tính pháp lý trong hoạt động hành chính công (bao gồm nhưng có thẻ rộng hơn việc bảo vệ quyền con người). Cơ quan Thanh tra Quốc hội có thể là một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân (văn phòng/cơ quan thanh tra Quốc hội). Mặc dù các Cơ quan Thanh tra Quốc hội trên thế giới không hoàn toàn giống nhau về cách thức tổ chức nhưng khá đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ và thủ tục hoạt động.
Ngoài hai dạng phổ biến kể trên, ở một số nước còn thành lập các cơ quan chuyên trách về một vấn đề nhân quyền cụ thể hoặc quyền của một số nhóm xã hội nhất định, cụ thể như các ủy ban quốc gia về người thiểu số, người bản địa, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người lao động di trú…
Vũ Công Giao