“Khi cả nước đang dốc sức chống dịch COVID-19, thì những người làm báo tiếp tục ở trên tuyến đầu của mặt trận chống dịch, cùng với các lực lượng y tế, công an, quân đội.
Ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có mặt của phóng viên báo chí, kể cả những nơi có độ rủi ro cao. Những thước phim, hình ảnh, tư liệu quý mà phóng viên tác nghiệp tại hiện trường được phản ánh sống động trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã làm cho nhân dân thêm tin tưởng, đánh giá cao biện pháp của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền trong công tác chống dịch.” (Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam)
Cách đây 96 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, trường kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, các thế hệ nhà báo cách mạng không ngừng nỗ lực phấn đấu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Ðảng.
Báo chí đã phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước; phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội. Báo chí là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, kịp thời phê phán, đấu tranh với những gì là cũ kỹ, lạc hậu, cản trở đổi mới, chống các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, lãng phí, những thói hư tật xấu trong xã hội, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.Báo chí đã phát hiện, cổ vũ, động viên nhân rộng các điển hình, nhân tố mới, tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực, làm nên những thành tựu to lớn; đồng thời, là cầu nối quan trọng trong thông tin đối ngoại, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, góp phần nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Báo chí còn là diễn đàn tin cậy, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hệ thống báo chí nước ta khá toàn diện với một đội ngũ những người làm báo hùng hậu với khoảng 50.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí; gần 1.000 cơ quan báo chí thuộc 04 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, trong đó có 165 cơ quan báo, 663 tạp chí, 23 cơ quan báo điện tử độc lập, 02 đài phát thanh – truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình. Đa số các cơ quan báo chí đều đang nỗ lực để sử dụng được sức mạnh công nghệ làm báo mới. Bộ trưởng Bộ Thông tin –Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Sứ mạng của báo chí là phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường… Hiện nay, báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình, cơ hội để tái sinh báo chí. Sự tái sinh ấy bắt đầu từ chính chúng ta. Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hoà bình mãi mãi trên mảnh đất này, thì chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước này, đó là năng lượng, là trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo lên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo. Cũng chỉ hơn 20.000 người thôi, nhưng các bạn có thể thay đổi Việt Nam. Với sứ mạng thiêng liêng ấy trong tim, trong não, các bạn sẽ nghĩ khác và làm khác”.