Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18930

Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về Kỳ 2: Phù hợp với từng đối tượng

 

Từ năm 2011 – 2015, lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 5.359 nạn nhân. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ cho 2.213 nạn nhân bị mua bán có nhu cầu trở về hòa nhập cộng đồng.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp hiệu quả để giúp các nạn nhân

Nhiều các hình thức hỗ trợ nạn nhân

Giai đoạn 2016 – 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó, xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. Năm 2018 là 322; năm 2019 là 340 và năm 2020 là 115 nạn nhân. Số lượng nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung đông tại một số tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang… 100% nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương) phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ, để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, tại các địa phương đang thực hiện hỗ trợ nạn nhân thông qua các hình thức như:

– Hỗ trợ nạn nhân gắn với công tác tiếp nhận: hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Dịch vụ hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình.

– Hỗ trợ tại cộng đồng: hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.

– Hỗ trợ tại Trung tâm, Nhà tạm lánh dành cho nạn nhân: hình thức này được thực hiện thông qua dự án tại Lào Cai, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang. Các trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội và được tiếp cận với các dịch vụ ngoài Trung tâm để học văn hóa, học nghề hoặc khám chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng. Các nạn nhân được hưởng các dịch vụ này đạt tỷ lệ cao về hòa nhập cộng đồng. Tiêu biểu là mô hình Nhà nhân ái tại tỉnh Lào Cai. Mô hình được thành lập theo Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 5/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai. Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội là đơn vị trực tiếp quản lý Nhà nhân ái, với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ Tổ chức Vòng tay Thái Bình. Mô hình Nhà nhân ái tỉnh Lào Cai hỗ trợ nạn nhân theo 5 bước: (1) Tiếp nhận ban đầu, (2) Hỗ trợ phục hồi, (3) Kết nối các dịch vụ chuẩn bị hòa nhập cộng đồng, (4) Đánh giá nhu cầu chuẩn bị chuyển tuyến, (5) Giám sát quá trình hòa nhập cộng đồng, chuyển giao và kết thúc. Thời gian nạn nhân lưu trú tại Nhà nhân ái là từ 12 tháng trở lên, đến khi học xong phổ thông, học nghề, có việc làm thì hồi gia. Sau gần 9 năm triển khai hoạt động, Nhà nhân ái Lào Cai đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 200 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, gia đình an toàn. Trong đó, 100% được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được học hết văn hóa phổ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định; 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình ổn định cuộc sống; nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học.

– Hỗ trợ thông qua các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn như: tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ tạo việc làm để có mức thu nhập ổn định; hỗ trợ vay tín dụng, cấp phát học phí, học bổng gắn với các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người.

– Hỗ trợ thông qua các mô hình do các Dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật như: mô hình “Nhóm tự lực” được thực hiện tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; mô hình “kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS” tại Hải Phòng và mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV” tại Đà Nẵng… Các mô hình này đã được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng bền vững.

Tại cơ sở bảo trợ xã hội/ cơ sở hỗ trợ nạn nhân (thời gian tối đa 90 ngày)

Nạn nhân sau khi được tiếp nhận tại cơ sở bảo trợ xã hội/ cơ sở hỗ trợ nạn nhân (sau đây gọi chung là cơ sở) được xem xét, trợ cấp quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết. Đồng thời, được hưởng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ sau:

Bố trí nơi ăn, ở riêng biệt cho phụ nữ và trẻ em. Trường hợp không có người lớn đi kèm trẻ em thì Giám đốc cơ sở phải bố trí người chăm sóc trực tiếp đối với trẻ em.

Đối với nạn nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế: trong thời gian lưu trú tại cơ sở được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP; Hỗ trợ tiền thuốc thông thường: Trong thời gian nạn nhân lưu trú tại cơ sở không ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được hỗ trợ tiền thuốc thông thường theo thực tế phát sinh. Trường hợp nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế;  Trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở, sau 24 (hai mươi bốn) giờ, kể từ khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì cơ sở có trách nhiệm tổ chức mai táng. Chi phí giám định pháp y, chi phí mai táng thực hiện theo quy định đối với đối tượng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội.

Tư vấn tâm lý, tham vấn cá nhân và nhóm; giới thiệu và liên hệ với các Trung tâm trợ giúp pháp lý để giúp nạn nhân tìm hiểu về các quy định của pháp luật, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của họ.

Giáo dục, hướng nghiệp; liên hệ, giới thiệu, hỗ trợ nạn nhân tham gia các chương trình dạy nghề, miễn phí do các tổ chức, cá nhân cung cấp, trong hoặc ngoài cơ sở. Hỗ trợ cơ quan thi hành pháp luật phỏng vấn nạn nhân liên quan đến việc bị mua bán và bảo vệ quyền hợp pháp của nạn nhân trong quá trình tố tụng. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, cần có cán bộ Cơ sở làm người giám hộ khi tiếp cận với cơ quan thi hành pháp luật. Đánh giá khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân về mức độ ổn định tâm lý, định hướng việc làm, quan hệ gia đình, môi trường cộng đồng, kỹ năng phòng ngừa tái bị mua bán.

Kết hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội ở các địa phương để liên hệ với gia đình hoặc người thân của nạn nhân trước khi họ trở về gia đình. Đối với trường hợp là trẻ em, trong vòng 20 ngày trước khi hết thời hạn, Giám đốc cơ sở có trách nhiệm thông báo cho thân nhân (là cha mẹ hoặc người giám hộ được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận) đưa trở về nơi thân nhân cư trú hoặc bố trí cán bộ đưa về bàn giao cho gia đình có sự giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã, làm biên bản bàn giao trẻ em về tái hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ tại cộng đồng

Nạn nhân được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn Nghị định.

Trường hợp nạn nhân học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề ngắn hạn tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng. Chi hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú mức tối thiểu là 1.000.000 đồng/người (hộ nghèo được hỗ trợ là hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập).

Đối với nạn nhân trong thời gian chờ thu xếp về nước do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện

Trong thời gian chờ xác minh và làm các thủ tục giấy tờ cần thiết để về nước, trong trường hợp nạn nhân không có khả năng chi trả được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại theo quy định tại Điều 33 Luật Phòng, chống mua bán người. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể là: Tiền ăn, chỗ ở tạm thời cho nạn nhân;  Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết, trợ giúp phương tiện đi lại tại nước sở tại và các chi phí cần thiết khác liên quan đến cấp giấy tờ, làm thủ tục về nước như: lệ phí lưu trú quá hạn, lệ phí sân bay, lệ phí cấp giấy tờ về nước, chi phí bảo đảm an ninh, chi phí dịch thuật. Mức chi do Thủ trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quyết định và theo chứng từ chi tiêu thực tế trên tinh thần tiết kiệm nhất; Chi phí mua vé máy bay, tàu, xe đối với nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả (do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mua và cấp cho nạn nhân) theo giá vé phương tiện công cộng thông thường để đưa nạn nhân về đến cửa khẩu, biên giới đường không, đường bộ, đường thủy; Trong thời gian chờ thu xếp về nước, nếu nạn nhân bị ốm phải điều trị tại các bệnh viện sở tại thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập hợp các khoản chi phí kèm theo chứng từ cần thiết theo quy định để xem xét hỗ trợ chi trả cho từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nạn nhân chết thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng/hỏa táng hoặc chi phí vận chuyển thi hài/di hài nạn nhân về nước

Trong năm 2020, Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành của Luật phòng, chống mua bán người (thay thế nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người), trong đó, tập trung vào việc sửa đổi chế độ chính sách và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ và ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Những thay đổi cụ thể bao gồm: (1) Về đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ: Mở rộng thêm đối tượng là người nước ngoài bị mua bán và trao trả qua Việt Nam; (2) Trước đây, NĐ 09 quy định chỉ nạn nhân là trẻ em khi trở về nơi cư trú mới có người đưa về. Nhưng dự thảo Nghị đinh mới quy định, trong những trường hợp cần thiết, để đảm bảo an toàn cho nạn nhân, các cơ quan bố trí người đưa nạn nhân về gia đình hoặc nơi cư trú; (3) Tăng thời gian hỗ trợ phục hồi tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội từ 2 tháng lên 3 tháng; (4) Nạn nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong thời gian hỗ trợ phục hồi tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân; (5) Bổ sung đối tượng nạn nhân thuộc hộ cận nghèo  được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; thay vào đó quy định tất cả các nạn nhân, nếu có nhu cầu và đề nghị thì đều được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hưởng hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu; (6) Đối với mức trợ cấp khó khăn ban đầu, quy định mức tối thiểu 1tr đồng và được hỗ trợ  không quá 3 tháng. Trước đây, quy định chỉ hỗ trợ 1 lần; (7). Bỏ quy định, trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày được xác định là nạn nhân, nạn nhân hoặc gia đình làm đơn đề nghị hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu; (8) Bổ sung chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài hoặc người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân; (9) Nhằm đa dạng hóa các hình thức, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định quy định 01 điều về đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân.

Trong thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện, tạo khung pháp lý thuận lợi để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia như bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của tội phạm mua bán người.

Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đoàn thể; nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội, qua đó, giúp nạn nhân có điều kiện ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Nhiều địa phương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên tại cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, thông qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương.

Công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân ngoài cộng đồng cũng được đẩy mạnh, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm góp phần đạt được mục tiêu, yêu cầu của Đề án đặt ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *