Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
60010

CUỘC BẦU CỬ ĐẶC BIỆT KỲ 1: NHÌN TỪ CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN

Với 98,43% cử tri cả nước đã tham gia bỏ phiếu (tính đến 22h ngày 23/5), có thể khẳng định, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp,là ngày hội toàn dân. Đây cũng là đánh giá của Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong cuộc họp báo vào tối muộn ngày 23/5. Đây là cuộc bầu cử đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt “lần đầu tiên, chúng ta tiến hành một cuộc bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh nhất, ở mức độ nguy hiểm nhất”.

Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Bất kỳ cuộc bầu cử quốc hội nào cũng đều có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là lúc toàn dân thông qua lá phiếu thể hiện ý chí của mình lựa chọn ra những người đại diện cho nhân dân đảm nhận những trọng trách hệ trọng trong hệ thống chính trị, là nơi thông qua các chỉ tiêu quan trọng nhất của quốc gia trong quá trình phát triển, chỉnh đốn những khung pháp lý, định chế bảo đảm cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong toàn bộ tiến trình lịch sử từ khi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hình thành sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đến nay, những kỳ bầu cử Quốc hội đi vào lịch sử như một dấu mốc đặc biệt thì không có nhiều.

Trước hết phải kể đến cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam đầu tiên vào ngày 06/01/1946. Đó là một sự kiện lịch sử đã khiến cho nhiều người trong và ngoài nước bất ngờ và ngỡ ngàng trước thắng lợi rực rỡ của nó. Không mấy người tin rằng chính phủ lâm thời non trẻ khi ấy có thể tổ chức thành công một cuộc tổng tuyển cử trên quy mô cả nước trong những điều kiện hết sức khó khăn và tình thế hiểm nghèo. Có nhiều người cho rằng chính quyền khi ấy đã nằm gọn trong tay Việt Minh, uy tín của chính phủ lâm thời đang rất cao, gần như không có sự bảo đảm nào khác, nhân dân đang hướng vào chính phủ gần như tuyệt đối thì cần gì phải tổ chức tổng tuyển cử. Cũng có ý kiến nghi ngại lo lắng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong lúc dầu sôi lửa bỏng, âm mưu phá hoại của thù trong giặc ngoài, liệu có an toàn cả về mặt con người cũng như kết quả. Và như chúng ta đã biết, cuộc tổng tuyển cử đã thành công ngoài sức tưởng tượng.

Vì sao? Trước hết phải nói với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người lãnh đạo cách mạng lúc đó, đã nhận thức sâu sắc rằng chính quyền vừa giành được về tay cách mạng mới chỉ là quyền lực chính trị. Để có được tính chính danh, địa vị pháp lý trước toàn dân và thế giới cần phải nhanh chóng tiến hành tổng tuyển cử. Chính nhờ cuộc bầu cử này mà quyền lực chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam phải phải bỏ bao nhiêu xương máu, công sức mới giành được từ tay đế quốc Nhật, thành quả của cả một dân tộc trong sự nghiệp giành lại độc lập mới được thế giới thừa nhận. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều học giả cho rằng không có chính quyền nào trên thế giới do Đảng Cộng sản cầm quyền có thể so với chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ về tính hợp hiến, hợp pháp. Quốc hội do cuộc Tổng tuyển cử bầu ra không chỉ thông qua tên nước với thể chế Dân chủ cộng hòa, khẳng định tính chất của nhà nước là của dân, do dân, vì dân thay cho thể chế quân chủ thống trị các thần dân kéo dài hàng nghìn năm, mà còn xác định ba tiêu ngữ thể hiện mục tiêu hướng tới, đồng thời là cam kết của nhà nước với nhân dân đó là Độc lập, Tự do và Hạnh phúc. Như vậy là, ngay từ đầu năm 1946, chính quyền cách mạng đã có lời hứa long trọng với dân là chính quyền này cùng với nhân dân sẽ xây dựng một đất nước trong độc lập, tự do và mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia.

Cuộc bầu cử lịch sử thứ hai chính là cuộc bầu cư Quốc hội sau khi đất nước thống nhất. Tròn 30 năm sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân hai chữ Độc lập mới được thực hiện trọn vẹn. Trong những năm qua nhân dân ta cũng từng bước được hưởng tự do với ý nghĩa là quyền được sống trong thanh bình, mọi người người được đảm bảo cuộc sống bình an, được hưởng đầy đủ các quyền theo Hiến pháp và pháp luật, chứ không phải tự do cá nhân lên trên cộng đồng, lên trên tập thể.

Sau khi giành độc lập, chúng ta phải giải quyết bao nhiêu khó khăn thời hậu chiến, rồi những âm mưu phá hoại, cấm vận… thì phải đến khi bắt đầu công cuộc đổi mới, thì lúc đó Quốc hội sau đổi mới là một kỳ bầu cử quốc hội lịch sử thứ 3 sau bầu cử quốc hội thống nhất đất nước. Vậy là chúng ta có cuộc bầu cử đầu tiên sau độc lập, bầu cử sau khi đất nước thống nhất và cuộc bầu cử sau thời kỳ chúng ta quyết định đổi mới.

GS.TSKH.NGND VŨ MINH GIANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *