Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
67558

Những luận điệu xuyên tạc sự kiện 30 tháng 4 năm 1975

Những ngày qua dư luận không khỏi bức xúc trước yêu sách của Thượng nghị sỹ Mỹ Tom Umberg  đòi Việt Nam không ăn mừng ngày 30/04 nếu muốn “hòa hợp dân tộc” nhưng lại đòi Quốc hội Mỹ và người Việt ở  Mỹ tưởng niệm “Tháng Tư đen”. Việt tân và các trang chống phá tung hàng loạt bài tuyên truyền kích động thù hận dân tộc “30/4 dấu mốc của thời kỳ cướp nước, hại dân của Đảng Cộng sản”; “ngủ quên trên chiến thắng để Trung Quốc lấn chiếm biển, đảo” nhằm xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử, hạ thấp ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975; xuyên tạc hình ảnh “bia căm thù giặc Mỹ” ở tỉnh Nam Định, cho rằng có hàng trăm bia căm thù tại các nghĩa trang khắp cả nước trong khi hàng năm vẫn nhận viện trợ từ Mỹ…Nhìn chung chiêu trò, thủ đoạn chống phá sự kiện lịch sử này năm này qua năm khác không mới. Có thể liệt kê một số thủ đoạn quen dùng, nhai đi nhai lại suốt mấy chục năm qua:

Thứ nhất, xuyên tạc bản chất, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta, cho rằng đây là cuộc nội chiến nhằm phủ nhận ý nghĩa “giải phóng đất nước”, trong đó phổ biến một số bài viết của các phần tử phản động, cố tình xuyên tạc rằng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta là cuộc nội chiến giữa một bên là chính quyền Sài Gòn, được Mỹ và một số nước phương Tây hậu thuẫn và một bên là chính quyền Hà Nội, được Liên Xô cũ, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ. Quân dân miền Bắc cầm súng sát hại đồng bào ở miền Nam.

Rồi khi nhân dân ta giành được thắng lợi, họ cho rằng không thể gọi đó là chiến thắng vẻ vang của Việt Nam trước Mỹ, vì khi đó Mỹ đã thay đổi chính sách, rút quân, cắt viện trợ, bỏ rơi chính quyền và Quân đội Việt Nam Cộng hòa! Họ nói bừa rằng cuộc chiến tranh này “không có kẻ thua, người thắng, mà chỉ nhân dân là chịu thiệt thòi”; rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta là “hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt Nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh này”, v.v. Họ còn ra sức biện hộ cho hành động xâm lược của Mỹ ở miền Nam, rằng đó là để giúp “Việt Nam tiếp cận văn minh phương Tây, chứ không phải là xâm lược Việt Nam”; rằng vì miền Bắc cộng sản “xâm lược, thôn tính miền Nam”, nên Mỹ phải “có trách nhiệm bảo vệ đồng minh của mình”, v.v. Đó là những luận điệu đầy ác ý, rất thâm độc gây ngộ nhận, mơ hồ trong nhìn nhận, đánh giá lịch sử thiếu khách quan, cụ thể ở một số người.

Thứ hai, các đài báo phương Tây lấy danh nghĩa phỏng vấn “Người trẻ nghĩ gì về 30-4” hay “thực hiện cuộc khảo sát” dạng như: “30-4 có ý nghĩa gì với bạn không?”, “Những gì người Việt hải ngoại làm trong 45 năm qua?”,  “Giới trẻ trong nước nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay? Theo bạn thì có nhiều người trẻ Việt Nam muốn thay đổi hiện tình đất nước hay không?” ….  nhằm phủ nhận tầm quan trọng của sự kiện này trong bối cảnh xã hội hiện nay

Thứ ba, họ khai thác, phỏng vấn những cá nhân chống đối, những thành phần cựu binh VHCH chưa chấp nhận hiện thực xã hội thay đổi, những người Việt tỵ nạn, lưu vong nặng hận thù chế độ để thu thập “ý kiến khách quan” đánh giá, phủ nhận giá trị chiến thắng 30/4, thổi phồng hiện trạng, tệ nạn xã hội, vu cáo, gán ghép Đảng độc tài, khiến VN không có văn minh, dân chủ như phương Tây, hoài niệm về “huy hoàng giả tạo” trong quá khứ, so sánh mức độ dân chủ trong chế độ VNCH với mô hình dân chủ hiện nay… nhằm phủ nhận chiến thắng, bi kịch hóa số phận một nhóm người bị mất trắng mọi quyền lợi sau 30/4 để đổ vấy “tội ác của cộng sản”…

Cần khẳng định rằng, đây là những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự thật lịch sử hết sức lố bịch. Ngược dòng lịch sử, năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết với mưu đồ biến Việt Nam thành thuộc địa, làm bàn đạp chiến lược ở Đông Nam Á, Mỹ đã nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách độc tài và tàn bạo đối với Nhân dân miền Nam như: Ra Luật 10/59, lập ấp chiến lược với phương châm “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”, đã gây ra tội ác tày trời đối với Nhân dân miền Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Chỉ trong năm 1959, toàn miền Nam có 466.000 người bị chúng bắt, 400.000 người bị tù đày và 68.000 người bị giết hại. Đồng thời, chúng tiến hành một cuộc chiến tranh hủy diệt hết sức tàn bạo, biến Việt Nam thành chiến trường đẫm máu và hứng chịu một lượng bom đạn lớn chưa từng thấy trên thế giới. Số lượng bom đạn Mỹ rải xuống Việt Nam tới trên 7,8 triệu tấn, gấp 3 lần sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mỹ cũng rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 85 triệu lít chất độc hóa học có chứa đi-ô-xin. Làm một phần lớn diện tích rừng của Việt Nam bị thiêu rụi và di chứng của chất độc này đến nay vẫn khiến hàng vạn người dân Việt Nam tiếp tục phải gánh chịu. Chiến thắng 30/4/1975 đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến cứu nước lâu dài, khó khăn và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của Nhân dân ta.

Còn việc mượn lời “giới trẻ”, hay “nhân chứng”, “người dân”… thực chất toàn những kẻ chống phá đất nước, làm việc cho các tổ chức, hội nhóm mưu đồ lật đổ chế độ coi đó là “ngày cho kẻ chiến thắng điên cuồng”, “chẳng khác gì ngày quốc hận” và “là ngày đen tối cho thế hệ trẻ nhưng cũng là ngày để suy nghĩ về tuổi trẻ, trách nhiệm và danh dự”. Mượn danh bạn trẻ, bài viết đưa ra “khuyến nghị”: “Như vậy, 30-4 là ngày chúng ta nên tưởng niệm về thời kỳ đất nước chúng ta rơi vào những âm mưu chính trị và là nạn nhân của các thế lực ngoại bang”…Họ mượn danh nghĩa phỏng vấn, lấy ý kiến hoặc “khảo sát” nhằm vào các bạn trẻ cho có vẻ khách quan để chuyển tải những thông tin xuyên tạc, phủ nhận chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta, đồng thời kích động tư tưởng chống đối chế độ và công cuộc xây dựng đất nước.

Để có được ngày toàn thắng 30-4-1975, nhân dân Việt Nam đã trải qua mấy chục năm chiến đấu gian khổ, hy sinh to lớn với hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống; hàng vạn làng mạc, thành phố bị san phẳng; nhiều di chứng của cuộc chiến đến nay vẫn còn phải tiếp tục khắc phục. Nhưng qua cuộc chiến, Việt Nam một lần nữa lại chứng tỏ trước lịch sử và thế giới về một đất nước kiên cường, bất khuất với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” (Hồ Chí Minh). Tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng còn xuất phát và thể hiện ở khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, như Bác Hồ đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Ngay như nhiều chính khách, tướng lĩnh của đối phương cũng thừa nhận sai lầm trong cuộc chiến của họ tại Việt Nam. Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, người được xem là “kiến trúc sư” của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, trong cuốn hồi ký mang tựa đề “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995 đã thẳng thắn thừa nhận 11 sai lầm mà Hoa Kỳ đã phạm phải trong cuộc chiến tranh này. Đáng chú ý, ông thừa nhận có những sai lầm sau: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”. Và: “… Chúng ta không chịu nhận thức về cái gì là lợi ích tốt nhất của đất nước và dân tộc khác”, “Chúng ta không được Thượng đế ban phát quyền nhào nặn một dân tộc khác theo hình ảnh của chúng ta…”. Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, viết: “Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975…”.

Chiến thắng 30-4-1975 là thắng lợi của chính nghĩa và tinh thần dân tộc quật cường, một mốc son chói lọi trong trang sử oanh liệt chống xâm lược, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước và là niềm tự hào to lớn của những người Việt Nam yêu nước, của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. Thắng lợi ấy, không chỉ chúng ta mà ngay cả nhiều người từ phía bên kia cũng đã thừa nhận. Cho nên những tiếng nói cho rằng 30-4 là ngày “quốc hận”, “đen tối”, ngày “chúng ta rơi vào những âm mưu chính trị và là nạn nhân của các thế lực ngoại bang” trở nên lạc lõng, với thái độ hằn học và ý đồ cố tình xuyên tạc lịch sử, thực tiễn.

Sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Riêng năm 2019, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 tăng 7,02%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (6,6 -6,8%), là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 2011 GDP tăng hơn 7%…Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Lịch sử đã sang một trang mới kể từ ngày 30-4-1975. Nhà báo người Đức Borries Gallasch là phóng viên nước ngoài có mặt ở Dinh Độc Lập trong buổi trưa lịch sử đó đã thuật lại sự kiện này trong cuốn Ho-Chi-Minh Stadt: Die Stunde Null (Thành phố Hồ Chí Minh, giờ khắc số không). Khi Gallasch tiến vào đến giữa sảnh của dinh thì cửa thang máy bật mở, bước ra là tổng thống Dương Văn Minh, thủ tướng Vũ Văn Mẫu và một vài người đi từ dưới hầm lên. Dương Văn Minh nói với Gallasch: “Thật tốt cho anh khi có mặt ở đây. Anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi vận mệnh của đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn”…

Hai mươi năm sau, khi quay trở lại Việt Nam, ông Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, đã phát biểu trước báo chí: “Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề nhận thấy sự hận thù nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh nhưng quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không thể tranh cãi”…

Một sự kiện lịch sử, một đất nước với tiền đồ xán lạn được chính đối phương thừa nhận. Và, sự thật ấy đang hiển hiện từng ngày về những đổi thay, ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới những tháng qua thì sự ưu việt của chế độ, tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam tiếp tục được chứng minh và lan tỏa.

Những kẻ nhân danh “dân chủ”, tiếng nói của “giới trẻ”, núp dưới các chiêu trò “khảo sát”, “phỏng vấn” và tự cho cái quyền đưa ra “khuyến nghị”, thực chất là xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, kích động hận thù, phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Đó là luận điệu thể hiện sự vong ân, xúc phạm xương máu của cha ông, chắc chắn bị lên án và thất bại trước ánh sáng thông tin chính nghĩa của sự thật và lịch sử.

Khánh Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *