Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
61256

Mục tiêu phổ quát của sự phát triển vì con người Kỳ 2: An sinh xã hội để người dân đều được hưởng thụ công bằng

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung thành tố “dân giám sát, dân thụ hưởng” bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là sự khẳng định sâu sắc bản chất ưu việt chế độ ta. “Dân thụ hưởng” là đích cuối cùng, mục tiêu tối thượng của một Nhà nước vì dân, luôn nỗ lực quan tâm nâng cao đời sống nhân dân, thể hiện rõ nét qua các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tập trung chăm lo đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người yếu thế.

Quản lý sự phát triển xã hội cho cho hiện tại và tương lai

Trước khi diễn ra Đại hội lần này, dư luận xã hội bàn tán khá hứng thú về tầm nhìn đặt ra trong dự thảo văn kiện. Đó là đến năm 2045 sẽ đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là khát vọng Việt Nam đang hướng đến. Trở thành một nước phát triển nhưng vẫn theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo nên khác biệt. Bởi trở thành một nước phát triển không chỉ dựa trên các tiêu chí vật chất, về mặt kinh tế, thu nhập của quốc dân hay bình quân đầu người như thế nào, mà khái niệm phát triển còn gắn với sự bảo vệ môi trường và đặc biệt là phát triển xã hội.

Dân thụ hưởng là đích cuối cùng

Một điểm mới trong dự thảo văn kiện Đại hội 13 là có hẳn Mục 8 về quản lý sự phát triển xã hội – điều mà các văn kiện trước đây chưa có. Vậy tại sao Đảng đề ra hẳn nội dung gọi là quản lý sự phát triển xã hội cho cho hiện tại và tương lai?

Việt Nam hướng đến một xã hội phát triển không chỉ giàu có và thịnh vượng về mặt kinh tế, không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn là một xã hội cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, giữa các tầng lớp, giữa các nhóm xã hội. Một xã hội hài hòa theo hướng đoàn kết, hợp tác, hướng đến sự cân bằng. Đó chính là tiêu chí về sự phát triển và là một tầm nhìn truyền cảm hứng, thu hút được sự quan tâm, bàn luận theo hướng tích cực và giúp cho mọi người dân Việt Nam đều hướng đến một mục đích mà sau 25 năm nữa Việt Nam phải phấn đấu rất nhiều để đạt được.

Văn kiện Đại hội 13 của Đảng bổ sung thành tố “dân giám sát, dân thụ hưởng” bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là sự khẳng định sâu sắc bản chất ưu việt chế độ ta. “Dân thụ hưởng” là đích cuối cùng, mục tiêu tối thượng của một Nhà nước vì dân, luôn nỗ lực quan tâm nâng cao đời sống nhân dân, thể hiện rõ nét qua các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tập trung chăm lo đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người yếu thế.

Để mọi người đều được hưởng thụ một cách công bằng, bình đẳng

Bản chất của an sinh xã hội hướng đến quyền cơ bản của con người, bảo đảm công bằng xã hội, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đồng thuận, không có sự loại trừ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước. Từ năm 1993 đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo đi qua sáu giai đoạn điều chỉnh chuẩn nghèo, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, phù hợp từng thời kỳ phát triển của đất nước, điểm nhấn là ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều bao gồm cả chỉ số thu nhập và sự thiếu hụt tiếp cận năm dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin, truyền thông).

Giai đoạn ban đầu, đời sống người nghèo còn gặp rất nhiều khó khăn nên phải giải quyết tức thời trên diện rộng, cho không tiền mặt, hiện vật, hỗ trợ dầu hỏa, điện thắp sáng… để xóa đói khát, đói rách, cấp bách vượt qua hoàn cảnh cơ cực. Sau này, hỗ trợ cho không dần được bãi bỏ và tăng dần các chính sách hỗ trợ có điều kiện như cho vay vốn, hỗ trợ đất canh tác, nước sinh hoạt; Tăng cường việc đào tạo, dạy nghề “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể cách trồng cây gì, nuôi con gì, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế giúp người dân có thu nhập ổn định, không bị tái nghèo.

Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn 2,75%, các chính sách hỗ trợ như tín dụng, giáo dục và đào tạo nghề… được duy trì ổn định ngày càng phát huy hiệu quả; việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam tiến triển nhanh, cả nước về đích trước 10 năm so với mục tiêu thiên niên kỷ và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều được quốc tế công nhận. Diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền đã cải thiện đáng kể, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan. Cần phải tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, tăng cường phân công, phân cấp; mạnh dạn trao quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở, nhấn mạnh trách nhiệm và phát huy sáng tạo của người đứng đầu. Bên cạnh đó, bảo đảm sự kiểm tra, giám sát, chặt chẽ trên cơ sở công khai, minh bạch để mọi người đều được hưởng thụ một cách công bằng, bình đẳng.

 

Khi đặt nhân dân là người thụ hưởng, bộ máy phải coi mình là người phục vụ, người cung cấp dịch vụ. Đặt mục tiêu phục vụ lên hàng đầu, người đại diện của bộ máy sẽ luôn tìm hiểu mức độ thỏa mãn của người thụ hưởng bằng cách so sánh giữa nhu cầu của họ với việc cung cấp dịch vụ của mình. Lấy phép so sánh đó làm thước đo công việc và cố gắng hoàn thiện dựa trên thước đo ấy phải là phương châm hành động.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *