Quốc gia chiến thắng hiếm hoi thời đại dịch
Quốc gia chiến thắng hiếm hoi thời đại dịch. Việt Nam có thể là quốc gia chiến thắng hiếm hoi giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới. Nhờ khống chế dịch thành công, nền kinh tế Việt Nam đang hưởng lợi từ việc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại. Bên cạnh đó đang đón nhận làn sóng đầu tư từ nước ngoài trong bối cảnh những công ty như đại gia công nghệ Apple (Mỹ) không muốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó là nhận định của trang tin Axios (Mỹ) ngày 12-6 khi nói về thành tựu chống dịch Covid-19 nổi bật của Việt Nam, nơi không có ca tử vong Covid-19 nào cho đến giờ.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 10/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 7.306.200 ca, trong đó có 412.864 người thiệt mạng. Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ và nhiều nước Châu Âu chịu tổn thất nặng nề nhất về sinh mạng và số người nhiễm bệnh. Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia có nguồn lực kinh tế hạn hẹp, y tế còn thiếu thốn nhiều mặt, lại có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc lên tới 1435 km, cách trung tâm dịch Vũ Hán trên 1000 km, mà chỉ có 324 ca lây nhiẽm mà đại đa số là từ nước ngoài về, chỉ có 78 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 263 người đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong. Việt Nam đã bước sang ngày thứ 59 không có thêm ca lây nhiễm cộng đồng nào. Việt Nam đã đạt được những thành công ấn tượng này, có những yếu tố cơ bản sau đây:
Chống dịch như chống giặc
Trước hết, đó là có sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Chính phủ, có kịch bản chi tiết theo từng cấp độ của dịch bệnh, dự báo chính xác diễn biến tình hình dịch bệnh, có phương án dự phòng ngay từ những ngày đầu chống dịch. Chỉ một tuần sau ca nhiễm bệnh đầu tiên ở nước ta được công bố, Chính phủ đã thành lập ngay cơ quan phối hợp liên ngành là Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh viêm phổi cấp (Ban Chỉ đạo) do 01 Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban.
Nhiều giải pháp đồng bộ đã được khẩn trương áp dụng như truy tìm dấu vết dịch tễ của bệnh nhân, khoanh vùng cách ly, thực hiện giãn cách xã hội, ngừng các chuyến bay du lịch, đóng cửa trường học, yêu cầu khai báo y tế toàn dân, xét nghiệm bắt buộc đối với du khách, sử dụng khẩu trang nơi công cộng, đóng cửa biên giới…. Nhìn một cách tổng quát, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong từng giai đoạn đều cao hơn, thậm chí đi trước các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhờ đó, chúng ta đã chủ động ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19 trong mọi tình huống.
Mặc dù nền kinh tế còn rất hạn hẹp, ngân sách dành cho phòng chống dịch còn khiêm tốn với vô vàn khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn áp dụng chính sách không thu phí đối với tất cả những người phải cách ly, kể cả với những người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về, miễn phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 để không ai bị bỏ lại phía sau. Một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tính nhân văn, nhân đạo cao cả của Nhà nước Việt Nam, của Nhân dân Việt Nam trong những thời điểm khó khăn vì dịch bệnh.
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Trong hoàn cảnh nguồn lực kinh tế và y tế còn rất hạn chế, nhưng thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống y tế công cộng tương đối mạnh, khá hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương.
Giữa lúc cả thế giới đang chao đảo vì dịch bệnh Covid-19, thì Việt Nam là một trong số rất ít nước đã có khả năng phân lập thành công virus SARS-CoV-2 và nghiên cứu thành công bộ kít test xét nghiệm Covid-19. Những thành công vượt trội của nền Y học Việt Nam ứng phó với dịch bệnh một cách nhanh nhất, một lần nữa lại làm cho thế giới phải ngạc nhiên, thán phục.
Không thể không nói đến là lực lượng công an, quân đội đã nắm chắc tình hình mọi mặt, bảo vệ tốt các cửa khẩu quốc tế, kiểm soát xuất nhập cảnh, đảm bảo công tác cách ly những người nhập cảnh từ vùng dịch hiệu quả, phục vụ chu đáo, tận tình hàng chục ngàn người ở các khu cách ly.
Nhiều hình ảnh thật cảm động thể hiện sự hy sinh thầm lặng, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam của các chiến sỹ Công an, Quân đội: ăn lán, ngủ rừng, dãi nắng dầm mưa, tạo thành những “lá chắn thép” ở nơi tuyến đầu phòng, chống dịch. Những người lính thời bình tiếp nối truyền thống cha anh, không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, thiệt thòi vì sự bình yên cuộc sống của nhân dân.
Lòng dân chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho mọi chỉ đạo của Chính phủ đi vào cuộc sống, biến sự chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trở thành hiện thực. Với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”, cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và mọi người dân đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, hiệp đồng chặt chẽ, đoàn kết, đầy trách nhiệm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhờ đó, công cuộc phòng chống dịch Covid-19 đã có được thành công bước đầu, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu trong phòng chống dịch Covid-19 ở cấp độ toàn cầu.
Với truyền thống “thương người như thể thương thân”, nhiều sáng kiến trợ giúp những người gặp khó khăn vì dịch bệnh lại được dịp toả sáng trong nghĩa đồng bào với những khẩu hiệu có sức lay động lòng người: “Nếu bạn khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường người khác”; “Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho”… Đẹp lắm, những tâm hồn Việt Nam !
Minh bạch thông tin
Công tác truyền thông về phòng chống dịch Covid-19 thực sự rất hiệu quả, nhất là vai trò của người đứng đầu Chính phủ và của Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự đồng hành của các phóng viên báo chí, đã thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, minh bạch chương trình phòng chống dịch của Chính phủ, minh bạch hoá các ca lây nhiễm ở Việt Nam và trên thế giới, để người dân hiểu đúng về sự cấp bách, nguy hiểm và tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh, từ đó tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội chung tay dập dịch.
Chính sự minh bạch thông tin, cập nhật thường xuyên, chính xác tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới phủ khắp các kênh thông tin đã góp phần đẩy lùi nạn tin giả. Việc ứng dụng kịp thời thành tựu công nghệ 4.0 cũng đã được phát huy cao độ đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác chủ động ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bên cạnh báo chí chính thống, vai trò của mạng xã hội cũng đã góp phần tạo nên dòng tin chủ đạo, cố kết sự đồng thuận, đồng lòng của toàn xã hội.
Phải công nhận công tác truyền thông về dịch Covid-19 thực sự đã làm rất tốt, bằng nhiều hình thức phong phú để khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Bài hát “Ghen Cô Vy” với vũ điệu rửa tay chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được đài truyền hình HBO (Mỹ) và kênh truyền hình BFMTV (Pháp) phát lại tạo thành một sự kiện truyền thông chống Covid-19 lan toả khắp thế giới, được vinh danh là “Bài hát của năm”. Thật vui và tự hào biết bao!
Phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế
Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thể hiện trách nhiệm trong việc hỗ trợ, cung cấp các trang bị bảo hộ, khẩu trang y tế cho các nước, qua đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu đẹp, sinh động về hợp tác quốc tế khi thế giới đang trong cơn chao đảo vì đại dịch. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, chúng ta đã nỗ lực chủ trì, tham gia các hội nghị, tham vấn quốc tế, khu vực và các nước, kể cả bằng trực tuyến để tăng cường phối hợp về phòng, chống dịch, cũng như về các vấn đề ưu tiên, cùng quan tâm khác…
Việt Nam đã chủ động liên hệ chặt chẽ với đại diện WHO tại Việt Nam để cập nhật tình tình, chia sẻ thông tin về kết quả điều trị bệnh Covid-19, được đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá: “Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”. Với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch covid-19, vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, khi mà các nước vẫn chưa khống chế được dịch bệnh Covid-19, thì Việt Nam, hơn lúc nào hết, phải quyết tâm giữ vững những thành quả chống dịch Covid-19, biến “nguy cơ” thành “thời cơ” để phát triển đất nước.
VĨNH AN