Trong bất cứ giai đoạn nào, cán bộ cũng đóng vai trò quyết định sự thành bại của cách mạng bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Những phẩm chất nhân cách cần có của người cán bộ đã được Người khái quát ngắn gọn, súc tích và sâu sắc trong hai chữ “đức” và “tài” và trở thành giá trị cơ bản để mỗi người phấn đấu, rèn luyện và cũng là tiêu chuẩn cơ bản để xem xét, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ .
Hai mặt của nhân cách người cán bộ
Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, “đức” và “tài” của người cán bộ luôn có sự thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau, là hai mặt quan trọng trong nhân cách của người cán bộ. Người đã chỉ rõ: “Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”. Trong hai mặt “đức’ và “tài” của người cán bộ thì Người luôn coi “đức” là “gốc”: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Trong khi coi “đức” là “gốc”, Người đặt ra yêu cầu người cán bộ phải thường xuyên quan tâm đến việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, theo lĩnh vực chuyên môn mà mình hoạt động. Người khẳng định: “Có tài mà không có đức… thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài, ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người”.
Những tiêu chuẩn cụ thể về “đức” và “tài” thể hiện hai mặt phẩm chất và năng lực của người cán bộ có mối quan hệ chặt chẽ. Để hoàn thiện hai mặt này thì cần một quá trình tích cực, chủ động, bền bỉ và gian khổ: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” và “Năng lực của người ta không phải hoàn toàn do tự nhiên mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”. Đây cũng là công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, của lãnh đạo, chỉ huy và của mọi cán bộ. Tuy nhiên, việc xem xét, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và sử dụng đội ngũ cán bộ trong mỗi thời kỳ lịch sử có những biểu hiện cụ thể khác nhau nên phải được tiến hành với những yêu cầu, nội dung và biện pháp cụ thể khác nhau.
Bối cảnh hiện nay đang đặt ra những vấn đề rất mới trong quan niệm về “đức” và “tài” của đội ngũ cán bộ, từ khâu tạo nguồn, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng đội ngũ cán bộ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão, cùng với những biến đổi của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, an ninh của thế giới và khu vực; việc thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta với quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế và khu vực; sự chống phá ngày càng tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” từ bên trong; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên… đang và sẽ đặt ra những đòi hỏi mới trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ về “đức” và “tài” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá “đội ngũ cán bộ nước ta có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện; trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao… Tuy nhiên, năng lực của cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém… Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” càng được đặt ra một cách cấp thiết hơn. Song, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm…
Cần nhận thức mới về “đức” và “tài”
Hiện nay, để nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu của cách mạng và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, đòi hỏi phải có nhận thức mới và nội dung, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo cả hai tiêu chí “đức”, “tài” phù hợp điều kiện mới.
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” bao gồm những nội dung cụ thể. Một là, xây dựng, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, quan điểm, lập trường, thái độ chính trị, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bồi dưỡng lòng nhiệt tình cách mạng, tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Bồi dưỡng lối sống trong sạch, lành mạnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Thường xuyên nâng cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trên cơ sở lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, của dân tộc. Hai là, nâng cao trình độ, nắm vững những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm vững những kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Vừa có kiến thức lý luận, vừa có năng lực tổng kết thực tiễn, để rút ra những bài học kinh nghiệm tiếp tục vận dụng vào điều kiện mới. Nâng cao trình độ nghiệp vụ, sự thành thạo của chuyên môn mình đảm nhiệm, có kỹ năng ngoại ngữ, biết ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong công tác chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh hiện nay.
Như vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình hoạt động tự giác của các chủ thể, các lực lượng thông qua công tác giáo dục, bồi dưỡng của các tổ chức và tự giáo dục, tự bồi dưỡng của mỗi cán bộ; đồng thời, thông qua thực tiễn để tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đúng cán bộ trên cả hai mặt “đức” và “tài. Tiêu chí để Người lựa chọn cán bộ là những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, gần dân, hiểu dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân. Nói ngắn gọn, tư tưởng thông suốt và nhất quán của Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” chính là lựa chọn cán bộ có tài năng, có tinh thần vì dân, vì nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đặt yêu cầu rất cao về đức và tài, cả về tiêu chuẩn lẫn phương pháp lựa chọn. Phương pháp lựa chọn là phải căn cứ vào hành động thực tế, vào việc làm, vào hiệu quả, vào uy tín trong dân, trong Đảng chứ không phải căn cứ vào tự đánh giá, càng không căn cứ vào bằng cấp.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” cần thực hiện một số biện pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp uỷ, tổ chức đảng, cho đội ngũ cán bộ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ, từ khâu tạo nguồn, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng đội ngũ cán bộ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài”. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu. Tư tưởng này có từ thời ông cha ta thời phong kiến. Việc chọn lựa cán bộ phải công tâm, khách quan, không vì riêng tư, không vì yêu người này ghét người kia, càng không vì phe phái, lợi ích nhóm mà đưa người hợp với mình vào bộ máy, còn người thực đức, thực tài thì bị loại ra.
Thứ hai, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện của tổ chức, trước hết là các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, của lãnh đạo, chỉ huy các cấp với việc thường xuyên tự giáo dục, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, những người đứng đầu trong tổ chức Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội. Trên cơ sở những kiến thức được trang bị trong quá trình học tập tại các nhà trường, thông qua thực tiễn để mỗi cán bộ tự bồi dưỡng, tự rèn luyện theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài”. Chỉ có thông qua thực tiễn hoạt động, thực tiễn kết quả, hiệu quả công việc, thì đội ngũ cán bộ mới bộc lộ đầy đủ những phẩm chất và năng lực của mình. Qua đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị mới nắm được những mặt ưu điểm để phát huy và những mặt còn hạn chế, bất cập để tiếp tục lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ cho phù hợp.
Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài”. “Đức” và “tài” của đội ngũ cán bộ chỉ có thể được xây dựng, nâng cao khi biết phát huy được sức mạnh tổng hợp của các chủ thể, các lực lượng tham gia vào hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là việc đánh giá, lựa chọn và sử dụng cán bộ. Mỗi chủ thể, lực lượng tham gia vào hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ cần xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình. Trên cơ sở đó, cần nắm vững nội dung và lựa chọn các hình thức, biện pháp thích hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” cho phù hợp.
Mỗi biện pháp cụ thể trong xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” đều có vị trí, vai trò quan trọng nhất định, song giữa các biện pháp đó có quan hệ tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Vì thế, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài” chỉ có thể được xây dựng và không ngừng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, đảm bảo cho hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn khi chúng ta biết vận dụng tổng hợp các biện pháp đó.
Việc lựa chọn được cán bộ có thực đức, thực tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là mong mỏi người đứng đầu Đảng, Nhà nước mà còn là sự trông đợi của toàn thể nhân dân Việt Nam để đưa đất nước Việt Nam đi lên, phát triển hùng cường. Và sự lựa chọn ấy phải thận trọng, tỉnh táo, tinh tường, khách quan và toàn diện.■
Thiếu tướng, PGS. TS NGUYỄN VĨNH THẮNG[1]
[1] Nguyên Viện trưởng Viện KHXHNVQS – BQP
Tài năng không phải đo bằng bằng cấp, bởi có rất nhiều cán bộ trưởng thành trong thực tiễn, tự học để có một lượng tri thức thực chất, những người này còn quý hơn rất nhiều so với những người “trang sức” bằng bằng này, cấp kia nhưng không làm được việc. Tài cũng không đồng nhất với học vấn. Tài phải đạt đến trình độ sáng tạo, dũng cảm nhìn nhận sự việc để phát hiện cái mới và sẵn sàng đổi mới. Tài quan trọng như vậy nhưng vẫn do định hướng của đạo đức chi phối. Cho nên Đức là gốc, Tài là quan trọng (GS.TS. Hoàng Chí Bảo).
: Để nâng cao nhận thức cho các cấp uỷ, tổ chức đảng, cho đội ngũ cán bộ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “đức” và “tài”; nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ thì phải thông qua nhiều hình thức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, phong phú, linh hoạt phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của mỗi đối tượng cụ thể, như thông qua giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tại nhà trường, tại cơ quan, đơn vị hoặc thông qua thực tiễn hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ để giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm.