Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
50394

Tuyên chiến với tham nhũng

 

          Quyết tâm xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, nhất là sai phạm của các cán bộ cấp cao, loại bỏ những kẻ cơ hội, tham nhũng, suy thoái ra khỏi hệ thống chính trị; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc công cuộc phòng chống tham nhũng là quan điểm nhất quán của Đảng, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, của toàn nhân dân.

          Đại diện cho lợi ích của nhân dân

Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn mang trong mình bản chất cách mạng và khoa học, với mục tiêu xây dựng dân tộc đoàn kết, đất nước thống nhất phồn vinh, phát triển, tiến bộ và công bằng xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của toàn dân tộc; vì lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, lợi ích của toàn dân tộc. Đảng là duy nhất, không đại diện cho một phe phái, lực lượng chính trị, lực lượng kinh tế riêng. Vì thế, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích chung, do đó tham nhũng, suy thoái không phải là bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Đảng đại diện cho lợi ích của nhân dân và luôn đấu tranh để mang lại lợi ích của số đông quần chúng, chứ không phải chỉ cho nhóm nhỏ nào. Khi trở thành Đảng cầm quyền, mục đích, lý tưởng đó không những không thay đổi mà còn có thêm những điều kiện và sức mạnh để hiện thực hóa.

Quyết liệt, triệt để trong phòng, chống tham nhũng

          Đảng ta sẵn sàng “tuyên chiến”, quyết liệt, chủ động trong phòng, chống tham nhũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Đảng đã ban hành nhiều văn kiện đánh vào tệ tham nhũng từ “gốc rễ”; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như: Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X;  Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI ; Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và nhiều đạo luật quan trọng có liên quan đến phòng, chống tham nhũng như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công…

          Đảng đã nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém của Đảng, chỉ rõ nguyên nhân, chủ thể tham nhũng là bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí; đồng thời nêu lên mục tiêu, quan điểm, phương châm, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn trên.

Thẳng tay xử lý tội phạm tham nhũng, nhiều đại án tham nhũng về kinh tế, “tham nhũng quyền lực”đã được đưa ra ánh sáng. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, một quan chức cấp cao, từng giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị đã bị truy tố trước tòa; thậm chí đã quyết định kỷ luật đối với một cựu Phó Thủ tướng. Đây là minh chứng cho tinh thần “thượng tôn pháp luật”, theo đó bất kể ai vi phạm pháp luật đều bị xử phạt đúng người, đúng tội, không có ngoại lệ.

         Kiên quyết đấu tranh với luận điệu xuyên tạc

Tuy nhiên, các thế lực thù địch lợi dụng tình trạng tham nhũng, cửa quyền đưa ra các luận điệu nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân. Cho rằng “Đảng Cộng sản Viêt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công vì Đảng cũng tham nhũng, suy thoái”, “vì xã hội ta thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công”…

Trước tình hình đó, Đảng tiến hành một loạt các biện pháp cải cách tổ chức bộ máy, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; các bệnh viện nâng cao y đức phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn; các trường học chấn chỉnh việc học thêm, dạy thêm, nói không với việc chạy theo thành tích…, chưa bao giờ tinh thần đấu tranh chống tham nhũng lại được sự đồng thuận cao của toàn dân và xã hội như hiện nay. Người dân hài lòng hơn về chất lượng phục vụ của cơ quan, cán bộ công chức, viên chức nhà nước và niềm tin với chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong quyết tâm chống tham nhũng ngày càng nâng cao.

Đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng đồng thời quan tâm cải thiện đời sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động bằng chính sách tiền lương toàn diện kết hợp trả lương cao, giám sát rõ ràng và đánh giá công chức thực chất là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết mà Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ triển khai quyết liệt, góp phần chống suy thoái, đem lại niềm tin cho nhân dân. Thực hiện hiệu quả hai mặt phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng chính là cách làm hiệu quả, thiết thực nhất để đấu tranh vô hiệu hóa những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước■

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng tháng 6/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng khẳng định: Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn; có lý, có tình, thể hiện rõ quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”…

 

BÙI SỸ LỢI*

*  Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *