FH là tổ chức quốc tế phi chính phủ, thành lập năm 1941, có trụ sở tại Mỹ và được Chính phủ Mỹ tài trợ, với mục đích hoạt động là tiến hành nghiên cứu, ủng hộ dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền… Đây không phải lần đầu tổ chức này có những cách nhìn, đánh giá không khách quan, trung thực về tự do và nhân quyền ở Việt Nam. Trong báo cáo lần này, FH cho rằng Việt Nam đã gây trở ngại việc tiếp cận internet. Chúng ta còn nhớ, ngày 19-11-1997 là ngày đầu tiên đánh dấu sự kiện quan trọng khi Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu. Theo thống kê sơ bộ vào thời điểm đó, số người sử dụng internet chỉ hơn 200 ngàn người thì đến tháng 1-2021, theo thống kê của Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 1-2021) thì: Số lượng người dùng internet ở Việt Nam là 68 triệu 720 ngàn, tăng 551 ngàn (tăng 0,8%) chiếm 70,3% dân số; trong giai đoạn 2020-2021, số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong 1 năm), tương đương 73,7% dân số, tăng 7 triệu người (tăng 11%)… Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về tỷ lệ sử dụng internet. Những số liệu nêu trên cho thấy, là một nước hòa mạng internet rất trễ so với thế giới, nhưng tốc độ về số lượng người sử dụng đến nay tăng lên rất nhanh, vậy thì lấy lý do, tiêu chí gì cho rằng Việt Nam gây trở ngại?
FH còn cho rằng, Việt Nam giới hạn nội dung và vi phạm quyền của người sử dụng internet. Thực tế, ngoài những tác dụng to lớn, hữu ích của internet mang lại, thời gian qua không ít kẻ xấu, các phần tử cơ hội, thực dụng, phản động, có cả người dùng internet thiếu hiểu biết vô tình vi phạm các hành vi trên mạng xã hội, trên các nền tảng, ứng dụng của internet như: Tung tin giả, giật tít, câu like, đăng tải những thông tin, hình ảnh, video nhảm nhí, thiếu chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục của người Việt… Đồng thời, các thế lực thù địch cũng lợi dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin sai sự thật, lừa bịp, xuyên tạc chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước; kích động người dân có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Vì vậy, để đảm bảo an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, internet để vi phạm pháp luật Việt Nam, trong những năm qua, Nhà nước ta đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung các trang thông tin điện tử, mạng xã hội… Hay mới đây nhất, ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Sự ra đời của những văn bản này với mục đích để điều chỉnh mọi hành vi, ứng xử trong sử dụng mạng tại Việt Nam, hướng đến mục đích cuối cùng là xây dựng mạng xã hội Việt Nam lành mạnh, tích cực.
Không phải chỉ ở Việt Nam, mà bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng thiết lập hệ thống pháp luật điều chỉnh mọi hành động trên internet, mạng xã hội của các thành viên tham gia trên nền tảng mạng xã hội của quốc gia đó. Nó được xem như chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia trên không gian mạng. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng. Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đầu tiên trên thế giới có chiến lược an ninh mạng. Chiến lược an ninh mạng của Liên minh châu Âu xác định các nguyên tắc cho không gian mạng, bao gồm: Đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, quyền tự do biểu đạt, quyền đảm bảo dữ liệu và đời tư cá nhân; bảo đảm khả năng tiếp cận internet; đảm bảo quản lý đa chủ thể dân chủ và có hiệu quả; trách nhiệm chung trong tăng cường an ninh mạng. Ngay tại Mỹ, tháng 10-2015, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Luật chia sẻ thông tin an ninh mạng (CISA). Có thể thấy, các quốc gia đều xây dựng hành lang pháp lý để đối phó với những rủi ro xuất phát từ sự phát triển của internet, đặc biệt là mạng xã hội; nhất là những thông tin xấu, độc có nguy cơ gây rối an ninh, trật tự xã hội, thậm chí đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia.
Ở đây có một nghịch lý, ngoài trụ sở chính đặt ở Mỹ, FH chỉ có 11 văn phòng khác trên thế giới, nhưng không biết vì sao những người lập ra và điều hành FH từ khi ra đời đến nay có tư cách như thế nào nhưng họ làm việc rất khôi hài là tự coi có “chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, cũng như khảo sát và nghiên cứu về tình trạng thực thi tự do chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên thế giới”! Để làm việc này, FH tự sản xuất cái gọi là “tiêu chuẩn để đánh giá nhân quyền và tự do của công dân” theo quan điểm của họ, rồi không chỉ sử dụng để đánh giá, mà còn sử dụng để truyền bá, cổ xúy trên toàn thế giới, tự coi mình là “chất xúc tác cho làn sóng dân chủ trên toàn cầu”. Rất nhiều lần báo chí, dư luận trên thế giới đã vạch rõ bộ mặt, bàn tay xấu xa của FH khi ủng hộ, giúp đỡ “công đoàn Đoàn kết” ở Ba Lan, phe đối lập ở Philippines, phát động chương trình đào tạo về nhân quyền cho những phần tử chống đối ở Ðông và Trung Âu, khuyến khích công đoàn và người lao động tham gia các hoạt động bí mật, qua đó can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước ở Ðông và Trung Âu. Đồng thời FH không chỉ ủng hộ mà tham dự vào việc lật đổ chính quyền ở Serbia, Ukraina, Kyrgyzstan… Trong lịch sử tồn tại của mình, FH không giấu giếm bản chất chống cộng và những quốc gia mà FH nhắm vào để phê phán thường là các nước không chịu phụ thuộc Mỹ và phương Tây mà quyết tâm giữ vững quyền tự chủ để phát triển, hoặc các nước mà phương Tây đang cố gắng tác động để gây xáo trộn hòng “đục nước béo cò”.
Do đó, mỗi chúng ta cần phải tỉnh táo, có cách nhìn thực tế, khách quan, toàn diện, tránh bị “dắt mũi” bởi các bài viết của thế lực phản động, thù địch lợi dụng vấn đề này để chống phá, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Hãy là một công dân sử dụng internet, mạng xã hội văn hóa, lành mạnh.