Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
68176

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước

Ngày 10-12-1948, tại Thủ đô Pa-ri, nước Pháp, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã chính thức thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền. 72 năm qua, “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (Universal Declaration of Human Rights) có ý nghĩa nhân văn cao cả vẫn còn nguyên giá trị, đã và đang là mục tiêu phấn đấu của toàn thể nhân loại. Hòa vào dòng chung ấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; con người là trung tâm của các chính sách kinh tế – xã hội; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp CNH và HĐH đất nước.

Bà Eleanor Roosevelt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền LHQ, người đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành Tuyên ngôn 1948.

Định hướng việc thúc đẩy các quyền con người

Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời là nền tảng cho hai công ước cơ bản về quyền con người cùng được LHQ thông qua vào năm 1966 (ICCPR và ICESCR – Việt Nam đã gia nhập vào năm 1982), cũng như các văn kiện nhân quyền quốc tế trong nhiều lĩnh vực được thông qua sau đó. Nhiều văn kiện của các tổ chức liên chính phủ ở nhiều khu vực cũng chịu ảnh hưởng về nội dung và có sự dẫn chiếu đến bản Tuyên ngôn này.

Bản Tuyên ngôn lịch sử mang tính quốc tế rộng lớn đã được Ủy ban Nhân quyền tiến hành dự thảo từ năm 1946, sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II chưa đầy một năm. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Tuyên ngôn với mục đích kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng đoàn kết, có trách nhiệm bảo vệ hòa bình nhân loại. Trên cơ sở Tuyên ngôn này, LHQ tiếp tục thông qua hai công ước quốc tế vào ngày 16-12-1966 nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người trên toàn thế giới cũng như thiết lập các cơ chế giám sát các quốc gia thành viên trong thực thi Công ước.

Qua quá trình phát triển, các văn bản pháp lý quốc tế về nhân quyền đã ra đời, đánh dấu về nhận thức và sự tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền. Đến năm 1950, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 423 (V), tại phiên họp thứ 317, chính thức kêu gọi mọi quốc gia thành viên và các tổ chức quan tâm kỷ niệm ngày 10-12 – Ngày Nhân quyền (Human Rights Day) – bằng các phương thức khác nhau.

Bản “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” bao gồm 30 điều đã được xây dựng trong các thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia. Bộ luật Nhân quyền Quốc tế bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị cùng hai nghị định thư không bắt buộc I và II. Năm 1966, Đại hội đồng LHQ đã thông qua hai công ước trên, qua đó hoàn thành cơ bản Bộ luật Nhân quyền Quốc tế.

Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế dù có nhiều hạn chế mang tính lịch sử, vẫn là lý tưởng phấn đấu và chỗ dựa cho thế giới ngày nay trong cuộc đấu tranh chống bất công, xung đột, áp bức vì mục tiêu bảo đảm quyền con người, phẩm giá và công bằng cho tất cả mọi người. Tuyên ngôn đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích và định hướng việc thúc đẩy các quyền con người trên phạm vi toàn thế giới. Trên tinh thần của Tuyên ngôn, khoảng hơn 80 công ước, tuyên bố quốc tế về quyền con người đã được soạn thảo và ban hành.

Hằng năm, Ngày Nhân quyền 10-12 được kỷ niệm ở nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới. Nhân ngày này, nhiều tổ chức và các cá nhân bảo vệ nhân quyền cũng thường ra tuyên bố, thông cáo trình bày quan điểm.

Từ bị động chuyển sang chủ động

Trước năm 1945, người dân Việt Nam không được hưởng các quyền công dân, tư cách pháp lý chỉ là thần dân. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngay từ khi mới thành lập nước, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời nói bất hủ mở đầu của Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tư tưởng lớn về độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là tư tưởng cơ bản về quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta. Tư tưởng ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Và như thế, giá trị quyền con người (QCN) của người dân Việt Nam đã được long trọng khẳng định trong Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 2-9, được thể chế hóa bằng bản Hiến pháp năm 1946.

Trong những năm qua, nước ta đã có nhiều thành tựu lớn trong công tác đấu tranh, bảo vệ QCN, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhìn lại những thành tựu quan trọng của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền, có thể khẳng định, ở Việt Nam hiện nay các quyền của QCN được phát huy và bảo đảm vững chắc bởi các thể chế Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Một trong những bước phát triển lớn nhất là những quy định về QCN, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 với 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49). Nội dung của các điều luật này đã nêu được hầu hết các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận trong Luật Nhân quyền quốc tế. Đồng thời, Quốc hội thông qua nhiều bộ luật và các luật, trong đó có những bộ luật lớn trực tiếp bảo đảm các QCN như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Trẻ em, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…

Việc Đại hội đồng LHQ bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, chính là sự ghi nhận những nỗ lực thành công của Việt Nam trên các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, QCN, quyền công dân…

Theo Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (tài liệu sử dụng tại đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương, tháng 4-2020), giai đoạn 2011-2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2020 ước đạt 6,8%/năm. Dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỷ USD năm 2010 lên trên 80 tỷ USD vào năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, GDP 6 tháng của nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương, tăng 1,81%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới.

Việt Nam cũng là một trong những nước đã chủ động sản xuất nhiều vắc-xin phòng bệnh (bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn…); bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ; kiểm soát và ngăn ngừa được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ và điểm sáng trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn với hàng trăm ấn phẩm báo chí, các kênh phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương… Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với nhiều báo, tạp chí và kênh truyền hình nước ngoài.

Sau 7 năm (từ năm 2007) Việt Nam chỉ có vị trí pháp lý là quan sát viên tại Hội đồng nhân quyền, nhưng nhờ tích cực tham gia vào các hoạt động, đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm về các vấn đề lớn, Việt Nam đã được bầu chọn vào Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với 184/193 phiếu hợp lệ, trở thành quốc gia nhận được số phiếu bầu cao nhất trong 14 quốc gia được bầu chọn. Tuy phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của LHQ luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Thành quả đạt được về bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân của Việt Nam trong thời gian qua được cộng đồng quốc tế, đông đảo các tầng lớp nhân dân công nhận, ủng hộ chính là những giá trị, kết quả không thể phủ nhận. Đó cũng chính là động lực, mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội Việt Nam trong bước đi trên con đường chung cùng nhân loại, tất cả đều bắt nguồn từ phẩm giá của con người.

Linh Lan

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *