Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30167

Vi phạm quyền con người trên không gian mạng Kỳ 1: Sự cần thiết phải bảo vệ quyền con người trên không gian mạng

 

Bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0), tác động đa chiều đến bảo đảm quyền con người, việc nhận diện các quyền con người dễ bị tổn thương trên không gian mạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, dưới góc độ quyền con người, mạng xã hội có tác động tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho con người

Mạng xã hội phát triển, giúp con người thực hiện quyền nghiên cứu, sáng tạo, quyền tiếp cận và hưởng thụ thành tựu khoa học của phát minh ra Internet, các kết nối không dây 3G, 4G, 5G, các thiết bị di động thông minh, dịch vụ điện toán đám mây… giúp cho con người có cơ hội để tương tác đa chiều, phản ánh sinh động, tức thời với mọi mặt đời sống và các mối quan hệ xã hội trên phạm vi rộng. Vì thế, Internet trở thành không gian xã hội mới – không gian mạng rộng lớn, nơi con người được tự do: Giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian; được tiếp cận và thụ hưởng các tiện ích (chuyển tiền, việc làm, email, thiệp điện tử…); mua bán, kinh doanh, học tập, âm nhạc, giải trí… Đồng thời, trên không gian mạng, mọi người có thể tương tác, trải nghiệm, trao đổi ý kiến, trò chuyện nhóm, chia sẻ thông tin, tổ chức diễn đàn, cung cấp hỗ trợ xã hội, tìm kiếm việc làm, kinh doanh, sáng tạo phương tiện truyền thông nghệ thuật, chơi trò chơi giải trí,… Không gian mạng thật sự trở thành không gian sinh tồn mở rộng, không gian kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số vô tận[1]. Do đó, không gian mạng đã tác động tích cực đến quyền con người trên tất các các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Thứ hai, không gian mạng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ quyền con người

Một là, sự phát triển của mạng xã hội sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố, kêu gọi ly khai, cách mạng màu/cách mạng sắc màu

Hai là, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo bên cạnh việc đã và đang tạo ra những thành tựu khoa học công nghệ vượt trội, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng cũng sẽ gây nên “thảm họa” đối với con người nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Ba là, các thiết bị kết nối internet ngày càng phổ biến bên cạnh việc  mang lại những lợi ích to lớn cho cuộc sống con người, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, có thể bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn có chủ đích không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội[2].

Theo số liệu từ Kaspersky Security Network, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất năm 2018; trong kỷ nguyên kỹ thuật số, những mối đe dọa về vấn đề an ninh mạng ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ, Việt Nam sẽ phải đối mặt và chịu nhiều ảnh hưởng bởi những thay đổi phức tạp của an ninh mạng[3]. Năm 2017 và 2018, số lượng lỗ hổng an ninh tăng đột biến với hơn 15.700 lỗ hổng, gấp khoảng 2,5 lần những năm trước đó; năm 2018, hơn 9.300 cuộc tấn công vào mạng Việt Nam, hơn 1,6 triệu lượt máy tính bị mất dữ liệu[4].

Do đó, có thể thấy các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đều có nguy cơ bị tổn thương trên không gian mạng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung làm rõ những biểu hiện của một số quyền con người cơ bản đã và đang bị tổn thương trên không gian mạng cần phải quan tâm để có biện pháp bảo vệ, bao gồm:

  1. i) Quyền tự quyết dân tộc thể hiện ở chủ quyền quốc gia dân tộc đang bị các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm.
  2. ii) Các quyền dân sự, chính trị của mỗi người: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp; tham gia quản lý nhà nước (phản biện, góp ý chính sách, pháp luật), quyền bí mật riêng tư, quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng; …

iii) Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa: Quyền tự do kinh doanh, bảo vệ tài sản; gia đình, học tập, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa; …

  1. iv) Quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: Trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi; …

Thứ ba, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc tác động tích cực, nguy cơ các quyền con người bị xâm phạm trên không gian mạng, do đó Đảng đã ban hành các chỉ thị nghị quyết, Nhà nước đã cụ thể hóa trong các văn bản luật và dưới luật tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ, bảo đảm quyền con người trên không gian mạng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

 Gần đây nhất, ngày 12/6/2018, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng. Nội dung quan trọng của Luật An ninh mạng quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trên không gian mạng, thêm một dấu mốc quan trọng thể hiện rõ nét tính chất ưu việt của pháp luật Việt Nam đã nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế, thể chế hóa quan điểm của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Nhìn ra thế giới, trong vòng 06 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng[5]. Điều này cho thấy, bảo vệ quyền con người trên không gian mạng không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam mà đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.

[1]http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/nang-cao-y-thuc-lam-chu-va-bao-ve-khong-gian-mang-cua-can-bo-dang-vien-va-nhan-dan-121151, Nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đăng ngày 9/5/2019.

[2]http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201806/luat-an-ninh-mang-su-can-thiet-muc-dich-y-nghia-va-noi-dung-co-ban-304109, Luật an ninh mạng: Sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa và nội dung cơ bản, đăng ngày 22/6/2018.

[3] http://vietbao.vn, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới, đănng ngày 10/3/2019.

[4] https://securitybox.vn, Xu hướng tấn công mạng năm 2019, đăng ngày 27/12/2018

[5] http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201806/luat-an-ninh-mang-su-can-thiet-muc-dich-y-nghia-va-noi-dung-co-ban-304109, Luật an ninh mạng: Sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa và nội dung cơ bản, đăng ngày 22-6-2018.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *