Năm 2020, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng. Đại dịch COVID-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào trình trạng suy thoái trầm trọng, tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Đảng, Chính phủ những chủ trương, giải pháp kịp thời, hiệu quả, vừa góp phần bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân, vừa đấu tranh phòng ngừa, vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống Việt Nam của các thế lực thù địch.
Trước tình hình thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, các bộ, ban, ngành địa phương đã chủ động tham mưu, triển khai các biện pháp ứng phó, khôi phục, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, ở các vùng sâu, vùng xa với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp ứng phó dịch bệnh và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đề xuất gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho 07 nhóm đối tượng với khoảng 20 triệu người gặp khó khăn do dịch bệnh. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao cách thức Việt Nam ứng phó đại dịch COVID-19 trong điều kiện nguồn lực hạn chế, hành động mau lẹ và ban hành các quyết định kịp thời, Việt Nam là một điểm sáng trong phòng, chống dịch tại châu Á, đã thực hiện một chiến lược “chi phí thấp” nhưng rất hiệu quả.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tiếp tục được các bộ, ngành triển khai thực hiện, đi vào những lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, khắc phục những tồn tại, bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, quyền công dân, đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật tại cơ sở. Các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt hiệu quả cao, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành trước một năm mục tiêu Quốc hội giao (đến hết tháng 8/2020 có 5.350 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí, đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%); tổ chức các đoàn công tác địa phương nắm tình hình phục vụ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường tiếp xúc, vận động, tranh thủ chức sắc, tín đồ tôn giáo; sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo không ngừng được đẩy mạnh… Chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật với nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch đạt hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cộng đồng về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Công tác thông tin tuyên truyền về nhân quyền tiếp tục được đẩy mạnh với nội dung, hình thức ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả, từ đó định hướng báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, về trách nhiệm của Việt Nam trong đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19… Tuyên truyền về nỗ lực của chính quyền các cấp, các gương người tốt, việc tốt, lan tỏa tinh thần đoàn kết chống dịch bệnh.