Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
56577

Đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên trên hết

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng  ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Theo Người, đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên trên hết là nhiệm vụ chính trị trung tâm, đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân.

Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức làm

Trong quá trỉnh ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã không quản mọi hiểm nguy, dành hết tâm lực đấu tranh cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân : “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[1], Ý chí, quyết tâm và mục tiêu cao đẹp đó đã giúp Người vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Người yêu cầu Chính phủ cần thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn; Làm cho dân có mặc; Làm cho dân có chỗ ở; Làm cho dân có học hành.”[2]  Có thể thấy đây là những biện pháp nhằm góp phần chăm lo đời sống cả vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong hoàn cảnh khó khăn của chính quyền cách mạng khi vừa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi đói, dốt là giặc ngang “giặc ngoại xâm”. Người chủ trương diệt “giặc đói”, “giặc dốt” để nhân dân thoát khỏi cảnh bần cùng, cực khổ, lạc hậu, tối tăm, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (1954)

Một biện pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế là tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Hồ Chí Minh đã phát động nhân dân tăng gia sản xuất, đồng thời, thúc đẩy việc thực hành tiết kiệm, góp gạo cứu đói, cứu dân nghèo, từ đó đã đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, thử thách.

Trong phát triển văn hóa, theo Hồ Chí Minh cần phát triển toàn diện các mặt: văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giáo dục, văn hóa văn nghệ, văn hóa đời sống… tuy nhiên, cần chú trọng phát triển tinh thần yêu nước, văn hóa đạo đức và văn hoá giáo dục, ra sức nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân. Trong điều kiện Việt Nam cần bắt đầu từ việc xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt, nâng cao dần trình độ, kết hợp phổ cập với nâng cao, từng bước biến nước ta thành một nước có nền văn hóa cao. Đặc biệt, phải luôn luôn gắn nội dung giáo dục với thực tiễn đất nước, phải gắn học với hành, lý luận với thực tiễn, kết hợp học tập với lao động, sản xuất.

Để phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, theo Hồ Chí Minh điều kiện và giải pháp quan trọng trước hết là cần phát huy vai trò lãnh của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong hoạch định, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực thi đường lối phát triển kinh tế, văn hóa. Người yêu cầu các cơ quan đảng, nhà nước, các cán bộ, đảng viên phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc phương châm: việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức tránh. Đồng thời, phải huy động sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước với phương châm đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân[3].

Cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là chân lý, là mục tiêu hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành[4]. Ngay trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người cũng dành lại những lời thân yêu nhất hướng về nhân dân và căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[5]; phải có “kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng ngành kinh tế”[6]. Đây chính là sự tổng kết về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội đồng thời  thể hiện rõ quan điểm Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân.

  Đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên trên hết

Lấy con người là là mục tiêu, động lực của sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các chiến lược phát triển kinh tế; Chiến lược xóa đói, giảm nghèo, như Chương trình 133 (năm 1998), Chương trình 143 (năm 2001), Chương trình 135 (năm 1998) về phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chiến lược về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020… đã được triển khai. Từ chỗ thiếu ăn, phải nhập lương thực từ bên ngoài, Việt Nam đã vươn lên không những đảm bảo được lương thực, thực phẩm cho nhân dân, mà còn thuộc các nước tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng được cải thiện rõ rệt.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển… Văn hoá – xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi”[7]. Đặc biệt, trong 10 thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung phát triển năm 2011) và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020: “kinh tế xã hội nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt”[8]

Để đối phó với đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đề ra đường lối phát triển nhằm ổn định kinh tế, xã hội nhưng quan trọng hơn hết là đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Với quan điểm nhất quán đặt quyền và lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, nhiều chủ trương, chính sách hướng tới đảm bảo an toàn và chăm lo cho đời sống của nhân dân đã được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt.  Tiêu biểu như chính sách cắt, giảm thuế; giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho đối tượng người nghèo, đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội là những người có thu nhập thấp mức sống tối thiểu trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020. Ngoài ra, để phát huy sức mạnh toàn dân Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Tính đến ngày 20/4/2020, số tiền và hiện vật nhân dân ủng hộ là gần 1.700 tỷ đồng. Thành tựu này được sự ghi nhận của nhân dân trong và ngoài nước, sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ, sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân trong điều kiện mới.

Làm thủ tục cho người dân nhận hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Tuy nhiên, sự nghiệp phát triển của đất nước vẫn còn nhiều thách thức; đời sống của nhân dân vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, bất ổn do sự phát triển không đồng bộ giữa kinh tế và văn hóa. Nhiều vấn đề còn gây bức xúc trong xã hội như tình trạng tham nhũng, quan liêu của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng ô nhiễm môi trường; những hạn chế của y tế, giáo dục đã được chỉ ra nhưng chậm được xử lý, khắc phục; sự xuống cấp của đạo đức xã hội… Những vấn đề đó đã đặt ra yêu cầu mới đối với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, quản lý sự nghiệp phát triển đất nước chăm lo đời sống nhân dân. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải tự giác thực hiện nghiêm Quy định 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”.

Thứ hai, gắn thực hiện nội dung xây dựng phát triển kinh tế với xây dựng phát triển văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2020, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ ba, cần tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân theo đúng quan điểm Hồ Chí Minh “đem tài dân, sức dân, của dân” để làm lợi cho dân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và xây dựng Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính tạo động lực để phát triển đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ công bằng và văn minh.

 TS. Trần Thị Huyền

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

[1]. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tr.45-46.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr. 175

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, sđd, t.5, tr.81

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 4, tr. 187

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr.612

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr. 617

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo tổng kết: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.190-191

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng , tháng 2 – 2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *