Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11813

Trung Quốc- Iran bắt tay trên thị trường dầu mỏ

 

Một thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm được Trung Quốc và Iran ký hôm 27-3 nhằm tăng cường liên minh kinh tế và chính trị lâu đời có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông và cắt giảm nỗ lực của Mỹ nhằm giữ Tehran bị cô lập. Chưa hết, sự hợp tác được nêu chi tiết trong một thỏa thuận dài 18 trang sẽ mở rộng đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, cảng, đường sắt và hàng chục dự án khác tại Trung Đông. Đổi lại, Trung Quốc sẽ nhận được nguồn cung dầu Iran thường xuyên và được chiết khấu rất nhiều.

Một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường

Theo The New York Times, hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận có thể được thực hiện ở mức độ nào trong khi tranh chấp của Mỹ với Iran về chương trình hạt nhân của nước này vẫn chưa được giải quyết. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị nối lại các cuộc đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Donald Trump đã bãi bỏ ba năm sau khi ký kết. Các quan chức Mỹ cho biết cả hai nước có thể thực hiện các bước đồng bộ để đưa Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận trong khi Washington dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Nhưng Iran đã từ chối làm như vậy và Trung Quốc ủng hộ điều này, yêu cầu Mỹ phải hành động trước để khôi phục thỏa thuận mà họ phá vỡ bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương khiến nền kinh tế Iran “ngột ngạt”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) và người đồng cấp Vương Nghị chụp ảnh chúng sau khi hai bên ký thoả thuận tại thủ đô Tehran

Theo các nhà phân tích, thoả thuận mới đã đưa Iran vào Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm kéo dài từ Đông Á sang Châu Âu. Iran và Trung Quốc đã không công khai các chi tiết của thỏa thuận nhưng các chuyên gia cho biết nó hầu như không thay đổi so với bản thảo 18 trang do tờ The New York Times thu được vào năm ngoái. Cụ thể, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong vòng 25 năm vào hàng chục lĩnh vực, bao gồm ngân hàng, viễn thông, cảng, đường sắt, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin… Đổi lại, Bắc Kinh sẽ nhận được nguồn cung dầu Iran thường xuyên. Kevin Wright, nhà phân tích tại Kpler ở Singapore cho biết, nhập khẩu dầu thô Iran của Trung Quốc đạt 856.000 thùng/ngày trong tháng 3, cao nhất trong gần hai năm và tăng 129% so với tháng trước. Các số liệu này có tính đến dầu được chuyển giao từ tàu sang tàu ở Trung Đông hoặc ở các vùng biển ngoài khơi Singapore, Malaysia và Indonesia để làm mờ nguồn gốc của chúng. Trung Quốc mua rất nhiều dầu từ nhiều nguồn khác nhau để đáp ứng nhu cầu của mình. Điều khiến việc mua dầu của Iran trở nên đặc biệt hấp dẫn là việc các nhà cầm quyền Tehran đã áp dụng chiết khấu đối với hàng hóa, trong thời điểm giá dầu đang tăng chóng mặt. Bài báo của Bloomberg lưu ý rằng giá dầu từ Iran có giá thấp hơn 3-5 USD/thùng so với các mức giá tiêu chuẩn điển hình như Brent. Khi mua số lượng lớn như Bắc Kinh đang làm thì số tiền này sẽ gia tăng nhanh chóng.

Nhưng, có những tác động sâu xa hơn trong việc tiêu thụ dầu một cách điên cuồng này. Trung Quốc đang xây dựng các bể chứa với tốc độ chóng mặt. Trung Quốc đang tích trữ dầu với tốc độ vô địch trong các nước phát triển. Và trong một sự thay đổi khác so với truyền thống, các công ty tư nhân đang đóng vai trò dẫn đầu việc bổ sung vào khả năng lưu trữ dầu của Trung Quốc. Vì Trung Quốc nhập khẩu khoảng 75% lượng dầu mà nước này sử dụng nên việc xây dựng hàng tồn kho cũng có ý nghĩa. Điều này đặc biệt đúng với lập trường hiếu chiến của Bắc Kinh đối với Mỹ hiện nay. Năm 2019, Mỹ đã trừng phạt Cosco Shipping, công ty khai thác dầu chính của Trung Quốc vì vận chuyển dầu Iran. Nhưng các lệnh trừng phạt này đã được đảo ngược một phần không lâu sau khi đàm phán thương mại với Trung Quốc. Việc có một kho dự trữ dầu thô khổng lồ mang lại cho Trung Quốc một vùng đệm nếu các tuyến vận chuyển dầu bị đóng cửa trong bất kỳ khoảng thời gian dài nào.

Lấp đầy khoảng trống quyền lực

Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố với thế giới rằng họ bắt tay vào một kế hoạch đầy tham vọng, được gọi là Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trên hàng chục quốc gia Trung Đông và châu Á. BRI được sử dụng ngôn ngữ gợi nhớ đến các tuyến đường thương mại “Con đường tơ lụa” của những năm trước, nhưng cung cấp lá chắn cho ý định thực sự của Trung Quốc là lấp đầy khoảng trống do ảnh hưởng của Mỹ suy giảm ở những khu vực này và thúc đẩy tham vọng “Thế kỷ Trung Quốc”, trong đó Bắc Kinh thay thế Mỹ với tư cách là cường quốc kinh tế-quân sự toàn cầu. Bắc Kinh thấy rằng, để thể hiện sức mạnh trên phạm vi kinh tế và địa chính trị, không có cách nào tốt hơn việc ngăn cản các lệnh trừng phạt quan trọng của Liên Hợp Quốc đối với Iran? Điều này có thể thấy rõ trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung hồi trung tuần tháng 3. Washington đến để thuyết trình Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền, Đài Loan, Hong Kong hay các cuộc tấn công mạng. Đáp lại, Trung Quốc lại thể hiện kêu gọi chủ nghĩa can thiệp nước ngoài của họ, đặc biệt là ở vấn đề Iran và Venezuela.

Theo thoả thuận hợp tác kéo dài ¼ thế kỷ, gía dầu Iran bán cho Trung Quốc thấp hơn 3-5 USDthùng so với các mức giá tiêu chuẩn điển hình như giá dầu Brent

Điều tối quan trọng trong mối quan tâm của Mỹ là lời lẽ ngày càng thù địch của Trung Quốc đối với Đài Loan. Hiện Mỹ và và Đài Loan có các thỏa thuận phòng thủ chung nhằm kêu gọi một bên hỗ trợ bên kia trong trường hợp bị tấn công. Về phần mình, Trung Quốc đã nói rõ rằng họ không có chính sách đối ngoại nào quan trọng hơn việc tái hợp nhất Đài Loan với Trung Quốc. Trong thời hiện đại, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhiều lần khẳng định đây vẫn là mục tiêu hàng đầu của đất nước. Chính vì lý do này, Trung Quốc đã chủ trì việc mở rộng quy mô lớn các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không bao gồm cả tên lửa DF-21D trên đất liền có thể đánh chìm tàu ​​sân bay Mỹ. Các nhà phân tích ​​cho rằng việc Mỹ liên tục nâng cấp vũ khí phòng thủ Đài Loan có thể khiến Trung Quốc phải hành động ngay lập tức để đạt được mục tiêu của mình. Trong trường hợp đó, chiến lược dự trữ dầu của Trung Quốc để đối phó với sự ngăn cản không thể tránh khỏi của các tàu chở dầu đối với các cảng của họ là hoàn toàn hợp lý. Một số chiến lược gia quân sự còn nhìn thấy viễn cảnh này sẽ xảy ra sớm nhất là vào năm 2025.

Vậy điều này có thể có ý nghĩa gì đối với thị trường dầu mỏ đang thắt chặt vào năm 2021? Một trong những điều mà chúng ta nhận ra là dầu mỏ là một mặt hàng được giao dịch toàn cầu. Đường cung cấp vận chuyển dầu đi khắp thế giới bao gồm các tàu lớn có thể chở nhiều thùng dầu một lúc. Những con tàu này dễ bị cướp biển và quân đội can thiệp. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong các chuyến hàng toàn cầu đều có thể ảnh hưởng xấu đến các quốc gia nhập khẩu, trong đó có Mỹ. Và nếu chuyện này xảy ra, Trung Quốc sẽ là nước hưởng lợi chính từ sản lượng dầu của Iran. Iran mới được khuyến khích bởi sự thay đổi chính quyền ở Mỹ và dưới sự bảo vệ của đối tác Trung Quốc, đã bắt đầu tăng cường sản xuất trở lại. Iran cũng tỏ ra rất kín tiếng trong việc vận chuyển dầu của mình theo các lệnh trừng phạt, rời cảng vào ban đêm và tắt các bộ phát tín hiệu theo dõi. Rất có thể Trung Quốc sẽ có quy chế tối huệ quốc nếu các chuyến hàng dầu trở nên có vấn đề. Dina Esfandiary, thành viên của Tổ chức Thế kỷ (The Century Foundation) và là đồng tác giả của một cuốn sách viết về mối quan hệ Iran-Trung Quốc-Nga nói: “Thoả thuận với Trung Quốc cho phép Iran cứng rắn hơn một chút và khiến châu Âu, Mỹ lo lắng hơn vì có vẻ như Iran đã tìm được một lối thoát cho nền kinh tế vốn đang bị bóp nghẹt của mình. Nhưng Trung Quốc sẽ ủng hộ Iran nếu điều đó phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh và sẽ phớt lờ Iran nếu quan hệ đối tác không mang lại lợi ích cho Bắc Kinh”.

Huyền Chi

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *