Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
79929

Đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm trong kế hoạch phục hồi hậu đại dịch

 

Dịch COVID-19 kéo theo đói nghèo cùng cực, bất bình đẳng và bất công đang tăng lên; không gian dân sự và dân chủ bị xói mòn. Khóa họp 47 của Hội đồng Nhân quyền LHQ diễn ra từ 21/6 đến 15/7 tại Geneva, Thụy Sĩ, chỉ ra những tác động nghiêm trọng của việc thế giới không lồng ghép vấn đề nhân quyền trong các biện pháp chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp với đại dịch. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm để các quốc gia có sự điều chỉnh trong chiến lược, đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm, bảo đảm không phân biệt đối xử để các chương trình, kế hoạch phục hồi hậu đại dịch COVID-19 đạt hiệu quả tối ưu.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại một phiên thảo luận của Hội đồng Nhân quyền

Lỗ hổng trong tấm khiên chống COVID-19

Khóa họp Hội đồng Nhân quyền có sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Các đại biểu tham gia hội nghị đều khẳng định, đại dịch COVID-19 tiếp tục là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các xã hội trên toàn thế giới, vừa là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vừa là một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội với những hậu quả sâu rộng.

Xét về kinh tế, tác động của đại dịch là rất nghiêm trọng. Khoảng 225 triệu người đã bị mất việc làm trong năm 2020, gấp 4 lần con số cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Đại dịch có thể đẩy 150 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021; nạn đói toàn cầu gia tăng với hơn 130 triệu người đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Về mặt y tế, cuộc khủng hoảng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền bảo vệ chăm sóc sức khỏe như dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, các phương pháp điều trị bệnh không lây nhiễm, cũng như chăm sóc sức khỏe tâm thần và kế hoạch tiêm chủng thông thường. Nhìn chung, đại dịch có nguy cơ làm gián đoạn hoặc đảo ngược những kết quả đạt được trong Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra cho thấy, việc không tích hợp các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người trong chuẩn bị, ứng phó và phục hồi khi vấn đề khẩn cấp y tế xảy ra đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với quyền con người và sự phát triển. Nó cũng cho thấy khả năng phục hồi của hệ thống y tế và nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có đầu tư thỏa đáng để đáp ứng các nghĩa vụ về quyền con người. Những thực tế này đã xảy ra trong đại dịch, tiếp tục tồn tại vào thời điểm khi thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi hậu đại dịch.

Liên quan đến quyền sống, nhìn vào bức tranh toàn cảnh về vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, một thực trạng nổi lên là nhiều nước nghèo và đang phát triển có tỷ lệ tiêm vaccine thấp, trong khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ngày một gia tăng. Trên thực tế, hơn 75% tổng lượng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu chỉ dồn vào 10 quốc gia. Vì vậy, dù thế giới đã tiêm được 2,8 tỷ liều vaccine, tương đương 40,5 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày và ít nhất 22,2% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, song tỷ lệ người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vaccine chỉ chiếm có 0,9%. Những nghịch lý này diễn ra ngay từ khi cuộc khủng hoảng y tế nổ ra, kéo theo một cuộc chạy đua sở hữu vaccine quyết liệt, với cách tiếp cận chủ nghĩa dân tộc vaccine khiến sự bất bình đẳng gia tăng trong việc phân phối vaccine  toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, tình trạng thiếu vaccine ở một khu vực có tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng cao đồng nghĩa với nhiều người mắc COVID-19 cảm thấy mình “đang chờ chết”.

Về quyền tự do, đại dịch COVID-19 đã gây ra sự rối loạn, ngừng trệ và thậm chí tê liệt ở các quốc gia mà nó lan tới. Sau hơn một năm hoành hành, các quốc gia châu Âu với kế hoạch tiêm chủng mở rộng đã bắt đầu mở cửa nền kinh tế, trong đó một số nước phát hành hộ chiếu vaccine (tấm thẻ thông hành cho những người đã được tiêm vaccine). Điều này cũng đặt ra những vấn đề bất bình đẳng trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng chưa đồng đều giữa các quốc gia. COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mà còn cả các quyền dân sự và chính trị, khi nhiều nơi đại dịch được sử dụng như một cái cớ để các chính phủ tạo ra những hạn chế không đáng có đối với dân chủ hoặc vi phạm nhân quyền.

Về quyền mưu cầu hạnh phúc, đại dịch COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên toàn cầu, đặc biệt là về kinh tế. Hiện có nhiều lo ngại thế giới đang phục hồi kinh tế với 2 tốc độ. Các quốc gia đang phát triển sẽ tiếp tục vật lộn với virus Corona và bị tụt lại phía sau. Khoảng 90% các quốc gia giàu có dự kiến lấy lại mức GDP trước đại dịch vào năm 2022, so với chỉ khoảng 1/3 các quốc gia có thu nhập thấp, khiến khoảng cách giàu nghèo lại càng được nới rộng. Không chỉ qui mô giữa các quốc gia, các tác động đối với các tầng lớp trong xã hội cũng khác nhau. Lao động khu vực phi chính thức, hầu hết là phụ nữ, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do dịch COVID-19. Ở một số vùng, họ có thể mất tới 81% thu nhập trong tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng. Các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái, người lớn tuổi, người khuyết tật, cộng đồng LGBT đối mặt với tác động đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù hầu hết các quốc gia đang nỗ lực thực sự để giảm tác động kinh tế xã hội của cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn còn những khoảng trống nghiêm trọng. Có lẽ nghiêm trọng nhất là việc loại trừ phụ nữ khỏi các kế hoạch chính sách và ra quyết định liên quan đến COVID-19. Điều này tiếp tục dẫn đến việc các chính sách không giải quyết được đầy đủ các hậu quả về kinh tế và xã hội của đại dịch.

Việc bảo đảm quyền cơ bản của con người sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn trong quá trình phục hồi hậu đại dịch. Sau khi chi tiêu khẩn cấp để giải quyết tác động của đại dịch, thay vì tập trung đầu tư dài hạn để xây dựng khả năng chống chịu, nhiều quốc gia có khả năng cắt giảm ngân sách. Hiện có nhiều lo ngại rằng một làn sóng thắt lưng buộc bụng mới có thể sẽ ảnh hưởng đến khoảng 85% dân số toàn cầu vào năm tới. Nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa khủng hoảng nợ, khủng hoảng phát triển và nhân quyền.

Lồng ghép quyền con người trong kế hoạch phục hồi

Để lấp đầy lỗ hồng này, các quốc gia cần có chính sách, hành động ứng phó toàn diện không chỉ về mặt y tế mà cả về chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó có việc bảo đảm, cân đối giữa biện pháp phòng chống dịch bệnh với tôn trọng các quyền con người, nhân phẩm của mỗi cá nhân và cộng đồng. Theo Cao ủy LHQ về Nhân quyền Michelle Bachelet, các quốc gia cần đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm, bảo đảm không phân biệt đối xử để các chương trình, kế hoạch phục hồi hậu đại dịch COVID-19 đạt hiệu quả tối ưu. Tại các phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền khóa 47, các nước cũng chia sẻ kinh nghiệm và bài học để bảo đảm quá trình phục hồi bền vững hậu đại dịch.

Trước hết, để phục hồi cần phải chấm dứt hoàn toàn đại dịch, vaccine là công cụ hiệu quả để đối phó với COVID-19. Việc tiếp cận và phân phối vaccine một cách công bằng và rộng rãi có thể là yếu tố quyết định mạnh nhất đến việc liệu thế giới có thể kiểm soát đại dịch sớm hay không và sớm như thế nào. Việc loại bỏ đại dịch chỉ có thể đạt được nếu người dân của tất cả các quốc gia được tiêm chủng. Đoàn kết quốc tế và khu vực là điều cần thiết trong vấn đề này.

Thứ hai, các quốc gia cần đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm, bảo đảm không phân biệt đối xử trong các chương trình, kế hoạch phục hồi hậu đại dịch COVID-19. Ví dụ, các gói kích thích kinh tế nên được phát triển và đánh giá thông qua lăng kính nhân quyền. Những cải cách kinh tế và tài khóa được đề xuất cần tính đến yếu tố giới, giải quyết những bất bình đẳng đã có từ trước và tránh tạo ra những bất bình đẳng mới. Nói cách khác, những gì thế giới cần là một “nền kinh tế nhân quyền” – một nền kinh tế đề cao phẩm giá và quyền của tất cả mọi người, thúc đẩy sự phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ ba, các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư vào các hệ thống y tế và bảo trợ xã hội để thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa bằng cách sử dụng tối đa các nguồn lực sẵn có của mình. Điều đó bao gồm thông qua đánh thuế lũy tiến, phân bổ nguồn lực hiệu quả và công bằng, chống tham nhũng và hợp tác quốc tế. Các luật và chính sách phân biệt đối xử với phụ nữ và các nhóm yếu thế cần phải được bãi bỏ hoặc sửa đổi. Cần định hình các chính sách dựa trên dữ liệu phân tách, xác định những nhóm người cụ thể đang bị gạt ra ngoài lề xã hội, giúp chúng ta xác định nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng và phân biệt đối xử.

Các lĩnh vực khác cần được quan tâm bao gồm biến đổi khí hậu, môi trường cũng như phản đối các biện pháp trừng phạt quốc tế đơn phương. Tổng thư ký LHQ Antonio Guteres đã kêu gọi thế giới tiến đến một Thỏa thuận toàn cầu mới để chống lại bất bình đẳng và phục hồi tốt hơn sau đại dịch. Để biến tầm nhìn này thành hiện thực, các quốc gia cần đặt quyền của người dân trong trung tâm của các nỗ lực và chính sách phục hồi. Đây cũng là con đường duy nhất để đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Việt Nam ưu tiên quyền con người ở mức cao nhất

Trong bức tranh chung toàn cầu, Việt Nam, một quốc gia ở mức phát triển trung bình thấp, đã phòng chống dịch hiệu quả và bảo đảm tốt quyền cơ bản của con người. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang lúng túng trong việc lựa chọn chiến lược để ứng phó với COVID-19, với quan điểm “vì dân” và với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân.

Tại phiên họp khóa 47 Hội đồng Nhân quyền, Trưởng đoàn Việt Nam – Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai thông báo về những kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam, khẳng định Việt Nam đã nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản của người dân, với ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế. Quỹ vaccine phòng COVID-19 do Chính phủ Việt Nam thành lập và được người dân ủng hộ rộng rãi là một trong những biện pháp mà Việt Nam tiến hành để đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng quốc gia nhằm hướng đến phục hồi bao trùm sau đại dịch COVID-19. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ ủng hộ đối với công việc của Cao ủy Nhân quyền LHQ và các cơ chế nhân quyền LHQ, ủng hộ tiến hành đối thoại thực chất, mang tính xây dựng về các vấn đề nhân quyền; đồng thời nhấn mạnh nhân quyền không nên bị chính trị hóa để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền hoặc để chỉ trích các quốc gia.

Trong khuôn khổ Khóa họp 47 Hội đồng Nhân quyền, một trong các chủ đề trọng tâm của Việt Nam là quyền con người trong biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Dự kiến, Việt Nam sẽ tham gia tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về quyền của người cao tuổi trong bối cảnh biến đối khí hậu; đồng thời, Việt Nam sẽ thay mặt Nhóm nòng cốt gồm Bangladesh, Philippines và Việt Nam giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2021 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào các nhóm người dễ bị tổn thương.

Đây là Nghị quyết được Việt Nam và Nhóm nòng cốt giới thiệu hàng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể (như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu). Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.■

HOÀNG DANH

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *