Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21635

Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc Kỳ 3: Các cơ chế Hội đồng Nhân quyền

Trong bối cảnh LHQ tiến hành cải tổ sâu rộng bộ máy tổ chức, Uỷ ban Nhân quyền đã được thay thế bằng Hội đồng Nhân quyền, trực thuộc Đại hội đồng, cơ quan toàn thể của LHQ. Hội đồng Nhân quyền được thành lập và đi vào hoạt động từ 6/2006, trở thành cơ quan chịu trách nhiệm chính của LHQ về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc thúc đẩy việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia

 Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR)

Cơ chế UPR là cơ chế liên chính phủ có nhiệm vụ thực hiện rà soát tổng thể các vấn đề quyền con người tại tất cả các nước thành viên LHQ, bắt đầu từ năm 2008 và định kỳ 4 năm một lần, từ chu kỳ II thì định kỳ 4,5 năm/lần, theo nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không áp đặt và chính trị hóa. Mục đích của cơ chế này là nhằm cải thiện tình hình nhân quyền và thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền; tăng cường năng lực bảo đảm quyền con người cho các quốc gia thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm. Tại các phiên họp rà soát (được tổ chức định kỳ 3 lần một năm), các nước sẽ trình bày báo cáo tổng quan về tình hình bảo đảm quyền con người ở nước mình và tất cả các nước thành viên LHQ có thể phát biểu, đặt câu hỏi và đưa ra khuyến nghị. Nước được rà soát sẽ cân nhắc nội dung, tính chất của các khuyến nghị để quyết định từ chối hoặc chấp nhận thực hiện các khuyến nghị do các nước đưa ra.

Các thủ tục đặc biệt (specialprocedures)

Thủ tục đặc biệt là hệ thống các chuyên gia của LHQ, hoạt động với tư cách cá nhân và độc lập, có nhiệm vụ theo dõi, đưa ra các ý kiến tư vấn và có báo cáo công khai về tình hình nhân quyền theo từng lĩnh vực, tiến hành các chuyến thăm thực địa tại một nước cụ thể nhằm hỗ trợ HĐNQ trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới. HĐNQ hiện có 56 thủ tục đặc biệt, gồm: 44 thủ tục theo vấn đề (thematic mandates) và 12 thủ tục về các nước cụ thể (country mandates)[1]. Những thủ tục đặc biệt này thường được gọi là các Báo cáo viên đặc biệt (Special Rapporteur) hoặc Chuyên gia độc lập (Independent Expert). Việc thiết lập, gia hạn hoặc chấm dứt một thủ tục đặc biệt phải được thông qua bằng một nghị quyêt của HĐNQ. Trước các khóa họp thường kỳ của HĐNQ, Nhóm tư vấn của HĐNQ (gồm một đại diện của mỗi Nhóm khu vực) sẽ lập danh sách để trình Chủ tịch HĐNQ các ứng cử viên phù hợp cho các chức danh Thủ tục đặc biệt còn trống (do mới thành lập hoặc hết nhiệm kỳ). Trên cơ sở khuyến nghị của Nhóm tư vấn và qua tham vấn rộng rãi với các bên liên quan, đặc biệt là với các Nhóm khu vực, Chủ tịch HĐNQ sẽ chọn ứng viên phù hợp và trình HĐNQ thông qua việc bổ nhiệm các thủ tục đặc biệt.

  Các thủ tục khiếu nại (complaint procedures)

Thủ tục khiếu nại là cơ chế có chức năng xem xét các kháng thư của cá nhân hoặc tổ chức tố cáo một quốc gia thành viên LHQ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền có hệ thống. Cơ chế này gồm 2 Nhóm làm việc: Nhóm làm việc về Kháng thư (WGC) gồm 5 thành viên là các chuyên gia do ủy ban Tư vấn của HĐNQ bầu ra và Nhóm làm việc về tình hình (WGS), gồm 5 thành viên là đại diện các quốc gia thành viên HĐNQ, được bầu trên cơ sở cân bằng địa lý. Theo quy trình, khi cá nhân hoặc nhóm tự cho bị vi phạm quyền con người gửi kháng thư tới Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, WGC sẽ xem xét kháng thư này. Các kháng thư được coi là đáp ứng đủ tiêu chí sẽ được gửi tới quốc gia liên quan để trả lời. Nghị quyết A/HRC/5/1 của HĐNQ quy định, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi nhận được kháng thư, quốc gia liên quan cần cung cấp các thông tin trả lời cáo buộc nêu trong kháng thư (có thể kéo dài thêm nếu quốc gia yêu cầu hoặc do Nhóm làm việc quyết định).

    Ủy ban Tư vn

Ủy ban Tư vấn là cơ chế gồm các chuyên gia hoạt động với tư cách cá nhân do các nước thành viên đề cử và được HĐNQ bầu bằng bỏ phiếu kín trên cơ sở cân bằng địa lý. Nhiệm vụ của ủy ban Tư vấn là: cung cấp ý kiến tư vấn hoặc nghiên cứu chuyên đề theo yêu cầu của HĐNQ. Ưỷ ban tư vấn không có chức năng ra nghị quyết, quyết định hoặc xem xét tình hình nhân quyền tại các nước cụ thể như. Trong khi thực hiện chức trách của mình, Uỷ ban Tư vấn có nghĩa vụ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các cơ quan quốc gia về nhân quyền, các NGO. Các nước thành viên và quan sát viên HĐNQ, các tổ chức liên chính phủ, cơ quan nhân quyền quốc gia và các NGO có thể tham gia trực tiếp vào công việc của Uỷ ban tư vấn trên cơ sở các quy định trong Nghị quyết 1996/31 của ECOSOC và các tiền lệ tại UBNQ trước đây.

[1]  UN Office of High Commissioner on Human Rights, “Special Procedures of the Human Rights Council”, http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/SP/Pages/Welcomepage.asDX

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *