Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
37188

Đương đầu với “làn sóng tin giả” liên quan dịch Covid-19 trong công nhân

 

Đại dịch Covid-19 đã làm hơn 1,3 triệu công nhân phải ngừng, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc mất việc; hơn 1.000 doanh nghiệp với gần 84.000 công nhân vừa cách ly, phong tỏa vừa sản xuất. Mất việc, các hoạt động cũng bị hạn chế. Chính vì thế, nhiều công nhân lấy việc sử dụng mạng xã hội là trò tiêu khiển, giải trí. Thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều cũng dẫn đến nguy cơ công nhân tiếp cận tin tức giả mạo tăng lên. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Thanh niên năm 2020, tỉ lệ thanh niên công nhân đã từng tiếp cận với tin giả trên mạng xã hội là 80,9%; trong đó, các tin giả liên quan đến chính trị chiếm 35,8%; tin kinh tế chiếm 38,9%; tin văn hoá chiếm 35,9%; tin xã hội chiếm 47,9% và tin về y tế chiếm 44,8%.

Liên đoàn Lao động huyện Lộc Ninh (Bình Phước) tuyên truyền pháp luật phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho công nhân lao động Công ty Cổ phần Môi trường miền Đông. Nguồn: ldldbinhphuoc.org.vn

Thông tin giả mạo được phát tán gây dư luận không tốt trong công nhân. Đã có hàng nghìn trường hợp bị các cơ quan chức năng xác minh, đấu tranh và xử lý ở các mức độ khác nhau do tung tin thất thiệt, đưa tin, bài không được kiểm chứng, sai sự thật, xuyên tạc. Hành vi trên chủ yếu vẫn là do thiếu hiểu biết về pháp luật, chủ quan, đơn giản trong việc tạo thông tin và đưa chúng lên mạng xã hội; muốn tạo thông tin lạ nhằm thu hút sự chú ý trên mạng hoặc phục vụ việc bán hàng online… Thông tin giả mạo mang đến nhiều tác hại cho người dân. Đặc biệt, những thông tin giả liên quan đến chăm sóc sức khỏe và điều trị Covid-19 còn gây ra nhiều tác hại đối với sức khoẻ người dân nói chung và công nhân nói riêng.

Có hai loại tin giả chính gồm: 1). Thông tin sai lệch được lan truyền một cách có chủ đích bởi những người có mục đích, động cơ không lành mạnh; 2). Thông tin sai lệch được lan truyền một cách vô tội vạ dù chúng không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng. Tin giả về Covid-19 được tán phát chủ yếu thông qua mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…). Những tin giả đó không chỉ có mục đích thu hút lượt xem, lượt thích của cộng đồng mạng, làm ra lợi nhuận mà nghiêm trọng hơn là được tạo ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nhiều tin giả nhằm khủng bố tinh thần và tạo dư luận xã hội tiêu cực; không chỉ gây hoang mang trong dư luận, mà còn gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân khó phân biệt được đâu là thông tin chính xác, đâu là thông tin giả, để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Không phải ai cũng có khả năng trong việc phát hiện các thông tin giả mạo. Công nhân, NLĐ nhìn chung cũng còn nhiều hạn chế trong khả năng nhận diện, phân loại các thông tin giả mạo.

Từ thực trạng nói trên, TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên đã đưa ra 6 giải pháp nhằm giải quyết tình trạng tin giả trong công nhân:

Một là, mỗi người công nhân cần tăng cường sự đề phòng, cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với các thông tin được lan truyền trên mạng xã hội. Luôn có quan điểm tham khảo khi sử dụng thông tin trên không gian mạng, nhất là các thông tin mà chủ thể của nó không rõ nguồn gốc, không xác thực được. Mặt khác, mỗi người công nhân cũng cần kiềm chế cảm xúc của bản thân, tránh vì những diễn biến tâm lý nhất thời mà nghĩ sai, nghĩ xấu và có những phản ứng tiêu cực về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hay đăng tải, chia sẻ những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bình luận ác ý về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của nước ta.

Hai là, khi tìm đọc những thông tin về lĩnh vực bản thân quan tâm, cũng cần chú ý tiêu đề và nội dung bài viết. Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn, giật gân để thu hút sự chú ý của người đọc. Nội dung thì thường có nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp. Hình ảnh sử dụng trong bài giả mạo đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Bên cạnh đó, các tin giả thường tạo ra dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.

Ba là, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường các biện pháp kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai sự thật về diễn biến, tình hình dịch bệnh. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức Công đoàn, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch Covid-19 cho người dân nói chung và công nhân nói riêng.

Bốn là, các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng tăng cường sử dụng nghiệp vụ, kỹ thuật để ngăn chặn và tạo tường lửa để công nhân không có khả năng truy cập vào các thông tin xấu, độc hại trên môi trường mạng.

Năm là, các ban, ngành cần cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, giúp công nhân có nhiều cơ hội được tiếp cận với những thông tin chính thống về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, tránh sự hoang mang, lo lắng không đáng có.

Sáu là, mỗi người công nhân cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đặc biệt là Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Đẩy mạnh thông tin tích cực, có ý nghĩa trong cuộc sống, đấu tranh, phê phán lên án hành vi sai trái vi phạm trên mạng xã hội.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *