Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30636

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet Kỳ 1: Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet có giới hạn không? Có tự do không giới hạn và có tự do tuyệt đối không? Không có tự do ngôn luận vô hạn cũng không có tự do báo chí, tự do Internet không giới hạn, mà phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, và nó tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển của từng quốc gia. Cần phải khẳng định rằng, tự do báo chí, tư do ngôn luận, tự do Internet là thiêng liêng, là cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

95% người dùng Internet Việt Nam sử dụng Facebook

Một số nét khái quát về quyền tự do ngôn luận, tự do Internet  

Khi nói về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet đó chính là quyền biểu đạt của từng con người trong xã hội, thể hiện trình độ văn minh, trình độ dân chủ của xã hội. Có thể thấy rằng, trong một xã hội mà không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, không quyền biểu đạt trên không gian mạng thì như thiếu “dưỡng khí ô xy” và do đó nền dân chủ không thể nuôi dưỡng, không được thể hiện.

Đến giữa thế kỷ XX, với kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì, quyết liệt của công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới cùng với những tiến bộ văn hóa, văn minh nhân loại, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận đã khẳng định và trở thành một giá trị chuẩn mực quốc tế. Điều 19, Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217, ngày 10/12/1948 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”.

Ngày nay, quyền tự do báo chí, tư do ngôn luận không đơn thuần chỉ là quyền tự do in ấn, xuất bản các sản phẩm báo chí mà nó đã được mở rộng một cách toàn diện, bao gồm: Quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo; quyền tự do ra báo, thành lập các cơ quan truyền thông đại chúng; quyền tự do tiếp cận thông tin báo chí; quyền tự do truyền phát thông tin, biểu đạt quan điểm và quyền được bảo vệ và đối xử công bằng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, môi trường mạng Internet. Cần phải nói rằng, lâu nay rất nhiều người vì mục đích nào đó mà thường chỉ nhấn mạnh các quyền tự do làm báo, tự do ra báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí mà quên đi quyền được bảo vệ một cách công bằng, đạo đức trên báo báo chí, truyền thông. Hơn thế nữa, người ta cũng vô tình hay hữu ý mà không nhắc đến vai trò của pháp luật trong điều chỉnh hoạt động báo chí phục vụ cho mục đích chung, hài hòa và phúc lợi của nhân dân trong phạm vi xã hội dân chủ.

Như chúng ta đã biết, thế giới đang chứng kiến và thụ hưởng những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Internet ngày nay đã trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin cho mọi người dân. Internet còn là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại được tích lũy cùng với sự phát triển, được lưu trữ và cung cấp cho  cộng đồng. Ngày nay, hầu như các thông tin về mọi mặt đời sống xã hội đều được cập nhật hàng ngày, thậm chí hàng giờ trên mạng Internet để đáp ứng nhu cầu thông tin thường xuyên, thiết yếu của người dân. Internet đang thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của từng con người, từng gia đình; hay rộng hơn là của xã hội và toàn thế giới. Nó đang trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với ngày càng nhiều người, nó tác động một cách trực tiếp làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội. Theo báo cáo công bố của Hootsuite (công ty quốc tế cung cấp dịch vụ MXH) và We Are Social (công ty quốc tế chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội), số người sử dụng Internet trên toàn thế giới đạt mức khoảng 4,86 tỷ người. Hiện có khoảng 5,135 tỷ người sử dụng các thiết bị di động trên tổng số khoảng 7,7 tỷ người sống trên trái đất, điều này đồng nghĩa với việc, cứ 02 người thì có gần 01 người hằng ngày sử dụng các MXH. Tính đến cuối năm 2021, hơn 4,5 tỷ người, tương đương 57% dân số toàn cầu, sử dụng mạng xã hội.

Mạng xã hội, đặc biệt là MXH Facebook được đánh giá là một công cụ hữu hiệu, mở ra rất nhiều cơ hội cho các quốc gia chủ động xây dựng và củng cố những giá trị cốt lõi của quốc gia nhằm mang lại những giá trị về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa nhân văn truyền thống. Hiện nay, các cơ quan đối ngoại của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… đã sử dụng MXH để cung cấp thông tin cho người dân trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế. Trong những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng của Việt Nam. Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam đã nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới. Kể từ khi xuất hiện, việc sử dụng các mạng này đã được mở rộng từ việc giữ liên lạc với bạn bè và gia đình trở thành công cụ mạnh mẽ được các thương hiệu sử dụng để tiếp cận người tiêu dùng của họ cả trong nước và quốc tế.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất

Theo thống kê từ Statista, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất từ 2021-2026; với số lượng người dùng mạng xã hội lên tới khoảng 73,6 triệu người vào năm 2020. Năm 2021, khoảng 95% người dùng Internet Việt Nam sử dụng Facebook, đưa nền tảng quốc tế trở thành kênh truyền thông xã hội hàng đầu trong quốc gia. Zalo là mạng xã hội phổ biến thứ hai tại Việt Nam, vượt qua các đối thủ toàn cầu khác như YouTube và Instagram.

Mức độ phổ biến của các nền tảng truyền thông xã hội thay đổi theo từng thế hệ. Trong khi Facebook và Zalo có mức độ ưa thích cao nhất trong thế hệ X (sinh trước năm 2000), thì thế hệ Z (sinh sau năm 2000) có mức sử dụng mạng quốc tế cao hơn đáng kể, bao gồm Facebook, YouTube và Instagram. Ngoài ra, TikTok đang tạo đà cho thế hệ người dùng mạng xã hội trẻ nhất trong nước, với hơn một nửa số người dùng internet trong độ tuổi này cho biết đang hoạt động trên nền tảng này.

Về số liệu người dùng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam: Tính đến hết năm 2021, lượng người dùng của Facebook tại Việt Nam lên tới khoảng 65,56 triệu người, dự kiến sẽ tăng lên 63,90 triệu người dùng vào năm 2025. Số người dùng của YouTube tại Việt Nam lên tới khoảng 66,63 triệu người và dự kiến đạt 75,44 triệu người dùng vào năm 2025. Lượng người dùng Instagram tại Việt Nam đạt khoảng 7,98 triệu người, dự kiến sẽ tăng lên 10,93 triệu người dùng vào năm 2025. Số người dùng của LinkedIn tại Việt Nam lên tới khoảng 3,75 triệu người dùng, dự kiến đạt 3,90 triệu người dùng vào năm 2025. Năm 2020, số lượng người dùng Zalo tại Việt Nam đạt 62 triệu người. Zalo là một ứng dụng nhắn tin nhanh và là một trong những nền tảng mạng xã hội hàng đầu tại Việt Nam. Từ một ứng dụng chia sẻ video được sản xuất bởi một công ty công nghệ của Trung Quốc, Tiktok nhanh chóng trở thành ứng dụng số 1 trên Apple Store không chỉ trong nước mà trên toàn thế giới. Vào năm 2021, lượng người dùng của TikTok tại Việt Nam lên tới khoảng 16,69 triệu người. Số lượng người dùng TikTok tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 17,42 triệu người dùng vào năm 2025 (Các số liệu thống kê được tham khảo từ Statista.com).

Các phương tiện truyền thông trên Internet như báo điện tử, website, blog, chip file, dữ liệu, thư điện tử, MXH Facebook, blockchain… tại Việt Nam hiện nay đã đóng góp vào sự phát triển trên các lĩnh vực, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và thế giới. Với sức lan tỏa nhanh của MXH, MXH đã trở thành kênh thông tin không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là giới trẻ. Những năm gần đây, người dân có xu hướng sử dụng và tìm kiếm thông tin trên các website truyền thông xã hội nhiều hơn là ở website báo chí chính thống. Người Việt đứng đầu Đông Nam Á về xem video trực tuyến với 92%, trong đó, 70% người Việt xem video trên thiết bị điện thoại. Độc giả hiện nay dành 75% thời gian để xem video thay vì đọc bài viết.

Thực tế chỉ ra rằng, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, công chúng đang tiếp cận thông tin phần lớn thông qua MXH thay vì qua các kênh truyền thông, báo chí như trước đây. Năm 2019, Tổ chức PEW Rerearch (Mỹ) đã thực hiện một khảo sát với kết quả có đến 80% người Việt Nam cho rằng MXH có tác động tích cực đối với xã hội và chỉ 6% cho rằng MXH có tác động tiêu cực.

Do độ tương tác cao, giao tiếp thuận lợi nên người dùng MXH có thể chia sẻ thông tin và tương tác trực tuyến với nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng như: thích, bình luận, đăng ảnh, trò chuyện; sử dụng các ứng dụng, kết nối về một nội dung hay một trang web nào đó. Mặt khác, nhờ đa dạng về không gian và thời gian, người dùng có thể truy cập tham gia MXH ở bất kỳ đâu mà ở đó có dịch vụ internet với cách thức cũng đa dạng như: Điện thoại di động thông minh, máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, tính chủ động, linh hoạt rất cao. Vì vậy, thông tin trên MXH có khả năng phát tán nhanh và rộng. Tuy nhiên, MXH là trang thông tin mở, các hình ảnh, video, clip, bài viết, tin tức… được lưu hành và chia sẻ chính là nội dung của MXH và do chính các thành viên tự sáng tạo ra. Càng nhiều người sử dụng những thông tin trên MXH thì MXH càng trở thành kho lưu trữ nội dung khổng lồ, trong khi việc thực hiện giám sát, kiểm duyệt nội dung, chất lượng những thông tin trên MXH hiện nay còn hạn chế, hầu như phụ thuộc vào trình độ nhận thức, quan điểm của mỗi người tham gia chia sẻ với nhau.

Do tính đặc thù nên việc kiểm soát thông tin trên MXH là không dễ, các nguồn thông tin đúng, sai khó bề kiểm chứng; tốc độ phát tán rộng rãi, nhanh chóng thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Nếu một thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm cá nhân hay tổ chức, hình ảnh nhạy cảm, phản cảm… sẽ gây tác động tiêu cực đến nhiều người. MXH hiện đã trở thành môi trường tiềm năng, không gian lý tưởng cho các thế lực thù địch và đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cuộc sống đi nhanh nhưng pháp luật lại đi sau khá nhiều, văn minh trên không gian mạng cũng mới chỉ ở khía cạnh cảnh tỉnh bước đầu sau những hệ lụy mà nó gây ra cho toàn thế giới. Chính sự lệch pha này làm nảy sinh nhiều vấn đề, nguy cơ. Giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm là nhiệm vụ của cả người dùng và cơ quan quản lý.

Có thể thấy rằng, hầu hết các quốc gia đều nhận thức được xu thế phát triển và tầm quan trọng của Internet trong kỷ nguyên thông tin đối với sự phát triển xã hội, và đều có những chính sách phù hợp để khai thác thế mạnh của Internet phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Về bản chất công nghệ, môi trường Internet là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin. Vì vậy, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của tổ chức, cá nhân sử dụng mà thông tin đưa lên Internet là tích cực, hoặc tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet có giới hạn không? Có tự do không giới hạn và có tự do tuyệt đối không? Không có tự do ngôn luận vô hạn cũng không có tự do báo chí, tự do Internet không giới hạn, mà phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, và nó tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển của từng quốc gia. Cần phải khẳng định rằng, tự do báo chí, tư do ngôn luận, tự do Internet là thiêng liêng, là cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet chưa bao giờ và không bao giờ là tự do chung chung, tự do cho mọi người, tự do vô bờ bến. Ngược lại, tự do báo chí, tư do ngôn luận, tự do Internet bao giờ cũng là và chắc chắn là tự do cho ai, tự do vì mục đích gì.

Mặt khác, theo thực tế pháp lý ở tất cả các quốc gia trên thế giới, vấn đề có tính nguyên tắc là tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ. Mối quan hệ phổ biến này nhằm mục tiêu chính đáng và khách quan là đảm bảo cho tự do của mỗi người không làm mất đi hay ảnh hưởng tiêu cực đến tự do của người khác và của cộng đồng. Đây cũng chính là nguyên tắc căn bản mà Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc đã khẳng định mạnh mẽ. Sau khi xác quyết các quyền tự do và quyền con người nói chung, Điều 29 của Tuyên ngôn này khẳng định: “Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Nói cách khác, quyền tự do nói chung, tự do báo chí, ngôn luận nói riêng của mỗi người là thiêng liêng, là quan trọng, nhưng không có nghĩa là vì những quyền đó mà người ta có thể làm gì cũng được. Vấn đề là con người sống trong một cộng đồng xã hội, vì thế, tự do của mỗi con người cụ thể không thể tách rời tự do của cả cộng đồng. Hơn thế nữa, chính sự tự do của mọi người, của cả cộng đồng là điều kiện đảm bảo cho tự do của mỗi người. Vì thế, những quyền tự do của mỗi người không thể không bị hạn chế bởi pháp luật nhằm bảo đảm cho tự do của những người khác, bảo đảm lợi ích chung cho cả cộng đồng.

Quyền con người ngày càng có tầm quan trọng trong quan hệ quốc tế và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Hoạt động truyền thông, báo chí luôn luôn song hành cùng với quá trình phát triển đất nước; từng bước xây dựng và truyền tải rất nhiều thông tin hữu ích ở nhiều lĩnh vực khác nhau đến nhân dân. Trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy quyền con người, thông qua các kênh thông tin truyền thông, các giá trị xã hội, các chuẩn mực về quyền con người quốc tế và Việt Nam được phổ biến và nhắc đi nhắc lại cho mọi người cùng biết, thuyết phục và vận động mọi người cùng nhau tuân thủ để bảo đảm những lợi ích thiết yếu và hợp pháp cho từng cá nhân hay bất cứ tổ chức nào.

Tiến Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *