Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
98340

Khi chuẩn nghèo cũ lạc hậu!

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 quy định về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người (đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân); sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Các tiêu chí đo lường nghèo bao gồm: (1) Tiêu chí về thu nhập và (2) Tiêu chí về mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin). Hộ nghèo được phân chia thành hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Việc áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều vừa qua đã nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo thu nhập và từng chiều, chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây là cơ sở để địa phương xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội nhằm trên cơ sở đó thực hiện các chương trình, cơ chế đặc thù nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước từ 9,88% đầu năm 2016 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, dự kiến xuống dưới 3% cuối năm 2020, bình quân giảm 1,53%/năm (tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là 1-1,5%/năm).

Trước yêu cầu xây dựng và triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới của giai đoạn 2021 – 2025, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 đã bộc lộ nhiều nội dung bất cập như: Chuẩn nghèo về thu nhập bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015 (900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn) đã lạc hậu, không thể áp dụng cho giai đoạn tới; Hộ nghèo được tách thành 02 nhóm: hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, chưa phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều; Chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làmchưa được quy định; một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội giai đoạn tới như chỉ số về tiếp cận các dịch vụ y tế, trình độ giáo dục của người lớn, nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông;  Chưa xác định rõ giải pháp tác động đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương.

Đến nay, Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo qua 07 giai đoạn (1993-1995; 1995-1997; 1997-2000; 2001-2005; 2006-2010; 2011-2015; 2016-2020). Từ thực tiễn việc thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững trong bối cảnh tình hình mới, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa và phát triển chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn trước ở một cấp độ, mức độ cao hơn, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bùi Tuấn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *