Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
27563

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tự do tôn giáo

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với số lượng tín đồ các tôn giáo chiếm 27% dân số. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người luôn là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, là hạt nhân để quy tụ đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

Việt Nam luôn tôn trọng chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Nhà nước Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “Thực dân và phong kiến tìm cách chia rẽ đồng bào lương với đồng bào giáo để cai trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Một năm sau, Hiến pháp năm 1946 đã ghi “Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng”. Đến Sắc lệnh 234/SL ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy”. Các Hiến pháp sau này tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 có bước tiến mới trong khi thay cụm từ “quyền công dân” bằng “quyền con người”, khẳng định quyền con người, trong đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người, được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.

Quan điểm trên được thể hiện trong suốt hơn 30 năm kể từ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới công tác tôn giáo và được ghi dấu bằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990 về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 24, Hội nghị Trung ương lần thứ VII khoá IX, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/2003/TW ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo, tiếp tục nâng cao, hoàn thiện các quan điểm về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tình hình tôn giáo tiếp tục có những biến động, ngày 18/11/2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, ngày 30/12/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tiếp tục tạo hành pháp lý quan trọng cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Sự hình thành và phát triển các tổ chức tôn giáo là minh chứng Việt Nam đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quyền bình đẳng giữa các tôn giáo. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo, trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2003) cả nước có khoảng 17,4 triệu tín đồ/hơn 80 triệu dân, chiếm 21,8% dân số; có 15 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thuộc 6 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo và Hồi giáo. Sau hơn gần 15 năm thực hiện Pháp lệnh, đến năm 2018 có thêm 28 tổ chức tôn giáo đủ điều kiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp đăng ký hoạt động, nâng tổng số các tổ chức tôn giáo lên 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Cùng với phát triển về tổ chức, đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đủ điều kiện, số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo cũng không ngừng gia tăng. Tính đến tháng 9/2019, Việt Nam có 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc. Việc ra đời các tổ chức tôn giáo một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài vào, dù tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.

Các hoạt động tôn giáo diễn ra đa dạng. Trải dài khắp đất nước Việt Nam đều có các cơ sở thờ tự của các tôn giáo khang trang, hoạt động tôn giáo sôi động, đời sống tâm linh của người dân sung túc. Các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống của tôn giáo được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia như: Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn, Lễ Thượng ngươn của đạo Cao Đài… Nhiều cơ sở tôn giáo được chính quyền quan tâm cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu chính đáng về cơ sở của tín đồ và tổ chức tôn giáo. Thông qua các hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, phát huy giá trị đạo đức tôn giáo và đóng góp nguồn lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm tôn giáo, nhân quyền.

Hoạt động đối ngoại tôn giáo là một trong những hoạt động quan trọng và thường xuyên của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu vào đời sống thế giới thì hoạt động quốc tế của các tôn giáo Việt Nam cũng diễn ra đa dạng, phong phú số lượng đoàn trong nước và nước ngoài đi, đến nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình tôn giáo ngày càng tăng. Việt Nam đã tiếp đón và làm việc với nhiều đoàn quốc tế đến tìm hiểu về tôn giáo và chính sách pháp luật về tôn giáo của Việt Nam, một số đoàn cụ thể: Đoàn Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican; Đoàn Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Campuchia; Đại Sứ quán Mỹ…. Hoạt động đối ngoại tôn giáo của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn được tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò, vị thế trong hoạt động quốc tế, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức nước ngoài có dịp tiếp cận với thực tế ở các vùng miền của Việt Nam, góp phần vào công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức tôn giáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *