Cuộc xung đột Nga – U-crai-na trên mặt trận quân sự, thông tin truyền thông, kinh tế, thương mại, tài chính… đã tác động sâu sắc tới toàn bộ cục diện an ninh, kinh tế, chính trị và xã hội ở khu vực châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung. Kể từ khi xung đột giữa Nga và U-crai-na xảy ra, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình, kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, của các tổ chức, cá nhân thù địch, chống đối liên tục đăng tải tin, bài phản ánh không chính xác về tình hình Nga và U-crai-na; suy diễn, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, từ đó hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam. Để giải thích lập trường của Việt Nam đối với cuộc xung đột này, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc nghiên cứu khá đầy đủ, khách quan về diễn biến và nguyên nhân của cuộc chiến này.
Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt đối với U-crai-na có tác động sâu sắc tới toàn bộ cục diện an ninh, kinh tế, chính trị và xã hội ở khu vực châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung. Hệ quả là sự cạnh tranh và phân cực trong quan hệ quốc tế sẽ ngày càng rõ nét. Quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và phương Tây được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng, phức tạp. Nga và Mỹ sẽ tìm cách định hình lại cấu trúc an ninh châu Âu theo hướng có lợi cho mình và hạn chế không gian ảnh hưởng của bên kia. Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ có thể đối mặt với tình thế phải đối phó với cả Nga và Trung Quốc cùng một lúc. Quá trình tập hợp lực lượng tranh giành quyền lực giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc làm gia tăng áp lực “chọn bên” đối với các quốc gia vừa và nhỏ.
Tình hình tại U-crai-na có thể tạo tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế.
Thứ nhất là việc lợi dụng vấn đề ly khai, sắc tộc để biện minh cho hành động xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, sử dụng vũ lực, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, qua đó làm xói mòn vai trò trung tâm của LHQ, Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Thứ hai, ở chiều hướng ngược lại, là sử dụng các chiến lược “can thiệp có mức độ”, không trực tiếp sử dụng lực lượng quân đội mà gián tiếp thông qua các công cụ trừng phạt về chính trị, kinh tế, pháp lý, thương mại, tài chính, giao thông vận tải và khoa học công nghệ để làm suy yếu “thế và lực” của các quốc gia.
Về kinh tế, cuộc xung đột ảnh hưởng tiêu cực tới sự phục hồi vốn đã mong manh của kinh tế toàn cầu sau hơn hai năm gánh chịu tác động từ đại dịch Covid-19. Thị trường tài chính biến động, dịch vụ cung ứng toàn cầu gián đoạn, giá cả leo thang gây ra một loạt vấn đề về an ninh lương thực, năng lượng, an sinh xã hội. Vấn nạn di cư, khủng hoảng nhân đạo được dự báo sẽ diễn ra trong ngắn hạn. Trong đó, đối tượng người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội tại các nước thu nhập thấp và trung bình.
Đáng chú ý, cuộc xung đột Nga – Ukraine cho thấy rõ nét hình thái của chiến tranh thông tin trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo, thông tin giờ đây cũng được coi là một mặt trận và chiến tranh thông tin đang dần trở thành “vũ khí chiến lược phi hạt nhân” hiệu quả được các quốc gia tăng cường sử dụng. Việc chiếm lĩnh không gian thông tin cùng với việc pha trộn các loại thông tin thật, giả, “một nửa sự thật” và cả thông điệp tuyên truyền theo hướng có lợi cho một phía đã tạo ra tình trạng nhiễu loạn, thao túng tâm lý trong dư luận quốc tế. Chiến tranh thông tin chủ yếu bao gồm các thủ đoạn như định hướng sai dư luận về bản chất, thực trạng vấn đề; lan truyền thông tin sai lệch qua mạng xã hội và tấn công vào mạng lưới các hãng truyền thông của đối thủ.
Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại khu vực ngày càng quyết liệt hơn, xu hướng đối đầu gia tăng, nguy cơ xảy ra va chạm, cọ sát giữa các nước lớn tác động đến môi trường hòa bình, ổn định của Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga – U-crai-na có thể làm gia tăng các hành động áp đặt, dựa trên sức mạnh và sự bất chấp các quy định của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Điều này đặt ra những thách thức mới đối với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Đông được dự báo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cuộc xung đột Nga – U-crai-na cũng đem lại thách thức trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đảm bảo nguyên tắc lập trường trong các vấn đề quốc tế cũng như cân bằng, ứng xử với các đối tác như Nga, Mỹ, U-crai-na và phương Tây trong cả khuôn khổ song phương và đa phương, nhất là trong khuôn khổ LHQ và ASEAN. Đặc biệt, việc phải cân bằng quan hệ với các bên cũng tạo thách thức lớn trong việc thể hiện vị thế, vai trò tích cực trong các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm liên quan trực tiếp đến lợi ích sát sườn của Việt Nam (chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế).
Cuộc xung đột Nga – U-crai-na và các lệnh trừng phạt của Mỹ, phương Tây cũng đã tác động tiêu cực đến hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, công nghiệp quốc phòng… của Việt Nam với cả Nga và U-crai-na, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, phụ thuộc vào thị trường thế giới và nguồn cung nguyên nhiên liệu nhập khẩu nên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước đã tăng mạnh (nhất là xăng dầu, khí đốt, phân bón, lương thực, thực phẩm,…). Điều này đã gây khó khăn đến công tác điều hành nền kinh tế, tác động trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo.
Do tác động của cuộc xung đột, cộng đồng người Việt tại U-crai-na phải sơ tán sang các nước thứ ba hoặc trở về Việt Nam. Kinh tế khó khăn và đồng bản tệ (đồng Rúp) mất giá do cấm vận của phương Tây đã ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng người Việt Nam tại Nga (khoảng 60 – 80 ngàn người) và tại Bê-la-rút (khoảng 500 – 600 người), vốn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại bán lẻ và xuất nhập khẩu.
Ở trong nước, xuất hiện những thách thức trong công tác bảo đảm an ninh tư tưởng, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó là sự gia tăng đột biến của thông tin xấu, độc, sai sự thật và những hoạt động tuyên truyền, kích động quần chúng nhân dân tụ tập đông người, biểu tình dưới danh nghĩa “ủng hộ”, “phản đối chiến tranh vì hòa bình”,…
Lập trường xuyên suốt của Việt Nam từ khi phát sinh xung đột là kêu gọi các bên tôn trọng Hiến chương LHQ, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, tôn trọng, tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế. Ủng hộ các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình chấm dứt căng thẳng. Đồng thời, thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động, tích cực tham vấn các nước bạn bè đối tác, nhất là các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện để có cách ứng xử song phương và đa phương phù hợp.
Việt Nam nhiều lần khẳng định lập trường, quan điểm về vấn đề U-crai-na thông qua các kênh tiếp xúc song phương[1], hợp tác đa phương và báo chí truyền thông[2]. Tại hai phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ về tình hình U-crai-na[3], Việt Nam đều bỏ phiếu trắng đối với dự thảo Nghị quyết. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu theo các hướng sau: (i) Khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; (ii) Mong muốn các bên thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, có tính đến lợi ích, quan tâm của các bên liên quan; (iii) Nhấn mạnh ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là dừng chiến sự, bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, triển khai các hoạt động nhân đạo, sơ tán công dân; (iv) Khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực nhân đạo và sẽ có đóng góp cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ đối với U-crai-na.
Đồng thời, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác bảo hộ công dân tại U-crai-na, khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Tập trung nguồn lực để bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân, doanh nghiệp Việt Nam ở U-crai-na và các nơi có liên quan, triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân và kế hoạch đưa người Việt Nam về nước”[4]. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại U-crai-na; nêu rõ, tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng là không được để người dân Việt Nam trong vùng chiến sự bị thiệt mạng, bị thương, “tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay”, “máu chảy ruột mềm”[5]. Ngày 26/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện về việc bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại U-crai-na. Chính phủ cũng đã thành lập “Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình U-crai-na” do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Đến nay, việc sơ tán công dân Việt Nam, kiều bào tại U-crai-na và thành viên gia đình (khoảng 5.200 người) đã cơ bản hoàn tất. Đã tổ chức được 06 chuyến bay đưa gần 1.700 người về nước, thu xếp cho hàng chục người khác về nước trên các chuyến bay thương mại, bảo đảm công khai, minh bạch và thuận lợi tối đa cho người dân. Một số người có quốc tịch hoặc mang giấy tờ hợp lệ do U-crai-na cấp đã chủ động lựa chọn hướng di chuyển riêng sang các quốc gia khác. Riêng tại thành phố Ma-ri-u-pon, nơi diễn ra chiến sự ác liệt, các cơ quan đại diện Việt Nam đã sơ tán được 60 người, hiện còn 17 người Việt Nam đang ở lại. Trong số những người đã rời khỏi U-crai-na và dự kiến ở lại nước lân cận hoặc di chuyển sang nước thứ ba, nhu cầu được hỗ trợ giải quyết thủ tục về nước là rất thấp, đa số không thuộc diện cần hỗ trợ khẩn cấp như những người đã được đưa về nước trước đó.
Công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại U-crai-na một lần nữa làm sáng ngời truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực tự cường, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Đa số bà con và các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ xúc động trước sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với bà con gặp hoạn nạn. Cộng đồng người Việt tại U-crai-na đánh giá rất cao sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của cơ quan đại diện Việt Nam ở U-crai-na và các nước lân cận, nơi có nhiều bà con di tản sang đã đón tiếp, hỗ trợ, thu xếp, bố trí chỗ ăn ở, giải quyết giấy tờ và đặc biệt là tổ chức thành công các chuyến bay đưa người dân về nước an toàn.
===
Với lập trường và hành xử rõ ràng nói trên dựa trên nhận định , phân tích thời cuộc và lợi ích quốc gia, dân tộc, không một thế lực nào có thể xuyên tạc, gán ghép, bịa đặt, xuyên tạc hành xử của Việt Nam đối với cuộc xung đột này. Mọi mưu đồ muốn gây sức ép buộc Việt Nam phải “chọn bên”, rời bỏ chính sách trung lập đều là hành xử đi ngược lợi ích dân tộc, lợi ích cộng đồng và quốc tế.
Phụ lục
[1] Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp Đại sứ Nga (11/3). Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung tiếp Đại sứ Nga (28/2). Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (3/3) tiếp Đại sứ Nga và Đại biện U-crai-na tại Việt Nam; điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Séc-gây La-vơ-rốp (15/3) và với Bộ trưởng Ngoại giao U-crai-na Đờ-mi-trô Ku-le-ba (16/3). Bộ Ngoại giao chủ động trao đổi quan điểm, lập trường của Việt Nam về tình hình nhân đạo U-crai-na với Nga, Mỹ, EU và nhiều nước, đối tác có quan tâm khác, trong đó khẳng định Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với dự thảo Nghị quyết về tình hình nhân đạo tại U-crai-na không đồng nghĩa với việc không ủng hộ các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho U-crai-na, ngược lại Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực này và sẽ có hành động hỗ trợ nhân đạo cụ thể.
[2] Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm của Việt Nam về cuộc xung đột tại U-crai-na và việc bỏ phiếu trắng cho nghị quyết tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/2 và 3/3.
[3] Phiên họp ngày 28/2 – 2/3 và 23 – 24/3.
[4] Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt (10/3).
[5] Ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về bảo hộ công dân Việt Nam tại U-crai-na (6/3).