Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
6350

PHÒNG, CHỐNG TRA TẤN VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI – Bài 1

Tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Ngày 07/11/2013, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký tham gia và ngày 28/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống tra tấn), Việt Nam đã cụ thể hóa các quy định của Công ước trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta, trong đó đã lồng ghép, cụ thể hóa trong pháp luật về bình đẳng giới.

Các quy định pháp luật về bình đẳng giới được quy định trực tiếp, cụ thể nhất qua Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 6 năm 2006.  Trước khi Luật Bình đẳng giới được ban hành, các quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng giới được quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Mặc dù đã có những quy định nhằm bảo đảm quyền bình đẳng, góp phần đáng kể vào công tác phòng, chống tra tấn, tuy nhiên, một số quy định pháp luật chưa cụ thể và rõ ràng, thiếu các quy định nhằm từng bước xoá bỏ các định kiến giới và chưa coi trọng đúng mức vấn đề bình đẳng giới trong gia đình; chưa quan tâm đến việc bù đắp khoảng trống cho phụ nữ do việc mang thai, sinh con và chăm sóc con thực tế đem lại. Một số quy định của chính sách, pháp luật hỗ trợ bảo đảm bình đẳng giới đã được ban hành, nhưng hầu hết đều nhằm vào việc tăng cường lực lượng lao động, rất ít các quy định thật sự tạo cơ hội khuyến khích tài năng, đãi ngộ xứng đáng cán bộ, lao động nữ. Thiếu quy định bảo đảm sự công bằng cho phụ nữ trong vai trò người mẹ không phụ thuộc vào nơi làm việc. Các quy định ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ chưa cụ thể, thiếu căn cứ thực tế, nên hầu hết không được thực hiện, ngược lại tạo tâm lý làm cho các doanh nghiệp ngại sử dụng lao động nữ…

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT HƯỚNG ĐẾN PHÒNG, CHỐNG TRA TẤN ĐƯỢC THỂ HIỆN TRONG LĨNH VỰC BÌNH ĐẲNG GIỚI

Với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới ngày 29 tháng 6 năm 2006 đã đánh dấu một bước ngoạt quan trọng trong thực hiện công tác bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện rõ quan điểm, chủ trương về bình đẳng giới.

Mục tiêu, nguyên tắc, chính sách Nhà nước về bình đẳng giới

Trước hết, xác định mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình (Điều 4 Luật Bình đẳng giới).

Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được xác định: Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật. Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.

Nhà nước xác định các chính sách về bình đẳng giới là bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình. Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Như vậy, ngay trong mục tiêu, nguyên tắc và chính sách chung của Nhà nước đã xác định sự bình đẳng, tạo cơ hội phát triển cho cả nam và nữ, là tiền đề để thực hiện phòng, chống tra tấn trên cơ sở giới.

Trách nhiệm làm thay đổi nhận thức và tư tưởng định kiến giới, qua đó góp phần thực hiện phòng, chống tra tấn vì lý do giới.

Đồng thời, quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành nhằm làm thay đổi nhận thức và tư tưởng định kiến giới vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng (Khoản 6 Điều 25; Khoản 5 Điều 28; Khoản 4 Điều 29; Điểm c, d, đ Khoản 2 Điều 31 ; Điểm a Khoản 2 Điều 32 ). Chính phủ phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và chỉ đạo các cơ quan hữu quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của nhân dân về bình đẳng giới. Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho nhân dân địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện bình đẳng giới. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình có trách nhiệm giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do mình quản lý; có biện pháp khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức và gia đình; tạo điều kiện phát triển các cơ sở phúc lợi xã hội, các dịch vụ hỗ trợ nhằm giảm nhẹ gánh nặng lao động gia đình; cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình có trách nhiệm tổ chức các hoạt động tuyên truyền kiến thức về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho các thành viên của cơ quan, tổ chức và người lao động.

Về phía Nhà nước, với trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới (Điều 8), thực hiện xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới; ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới; hợp tác quốc tế về bình đẳng giới.

Trong tổ chức triển khai Luật Bình đẳng giới, nghiêm cấm các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10): Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới; phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; bạo lực trên cơ sở giới; các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *