Người tố cáo được dư luận thừa nhận là nguồn tin quan trọng tiết lộ tham nhũng và các hành vi sai trái khác. Nếu không được pháp luật bảo vệ đầy đủ, người tố cáo tham nhũng chắc chắn đối mặt với việc bị trù dập, sa thải, giáng chức hoặc bị quấy nhiễu, thậm chí bị đe doạ tính mạng. Do đó, bảo vệ người tố cáo là vấn đề mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam hết sức quan tâm.
Kỳ 1: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG
Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng pháp luật bảo vệ người tố cáo. Pháp luật, quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng của nước ta cũng ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng để người dân lên tiếng tố cáo hành vi tham nhũng.
Bảo vệ người tố cáo tham nhũng trong pháp luật quốc tế
Ngay từ năm 1766, Thụy Điển đã có những quy định được coi như luật tự do thông tin đầu tiên trên thế giới. Mặc dù Thụy Điển không có luật riêng về tố cáo nhưng tài liệu này hình thành khuôn khổ pháp lý bảo vệ những người tiếp xúc với hành vi sai trái. Mọi công dân Thụy Điển được tự do chuyển thông tin đến các phương tiện truyền thông, ngoại trừ bí mật y tế và thông tin an ninh quốc gia. Nhân viên công ty có thể báo cáo việc làm sai trái với người ngoài nếu có nguy cơ bị chủ sa thải.
Năm 2004, Romania đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông qua Đạo luật Bảo vệ người tố cáo. Đây là một đạo luật riêng bảo vệ người tố cáo khỏi sự trả thù. Đối tượng của Luật là các nhân viên chính phủ. Luật này cũng bảo vệ những thông tin được gửi đến các nhà báo, nhà hoạt động và các tổ chức khác ngoài nơi làm việc, có nghĩa là, người tố cáo có thể không thông báo cho chủ sử dụng lao động của họ mà không bị trừng phạt.
Nước Anh đã thông qua Luật Công khai lợi ích công cộng, một bộ luật toàn diện về tố cáo và bảo vệ người tố cáo vào năm 1998. Đối tượng điều chỉnh của Luật gồm nhân viên chính phủ, khu vực tư nhân và phi lợi nhuận, các nhà thầu, học viên và người lao động Anh ở nước ngoài. Luật yêu cầu những người chủ lao động, các giám đốc, người đứng đầu các cơ quan chính phủ phải chứng minh được là họ không thực hiện hành vi nào chống lại người tố cáo. Cách chứng minh ngược này đã trở thành một tiêu chuẩn quốc tế quan trọng. Ngoài thiệt hại tài chính thực tế, nhân viên bị trả thù vì tố cáo có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổn thương tinh thần. Khoản bồi thường cao nhất đến nay là 5 triệu bảng. Luật sử dụng một hệ thống “bậc thang” độc đáo để người tố cáo có thể tiết lộ thông tin mà không sợ bị trả thù. Nhân viên có thể tiết lộ thông tin cho người chủ của họ, cơ quan quản lý, người “bên ngoài” như các thành viên của Nghị viện hoặc cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, tùy vào sự chính xác và tính cấp bách của thông tin, tương ứng với mỗi bậc, người tố cáo được pháp luật bảo vệ theo các cấp độ khác nhau.
Tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ đều có luật bảo vệ nhân viên nhà nước khỏi bị trả đũa. Hầu hết các tiểu bang có luật bảo vệ nhân viên ở khu vực tư nhân. Nhiều bang đã ban hành các điều khoản chống trả đũa đối với các khiếu nại hoặc đối với từng lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn, bang Rhode Island có điều khoản chống trả đũa liên quan đến lĩnh vực giải trí, nhà điều dưỡng, cơ sở y tế, bệnh viện phi lợi nhuận, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và giảm amiăng.
Năm 2008, Hàn Quốc thành lập Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) trên cơ sở hợp nhất ba cơ quan, gồm Ủy ban Chống tham nhũng, Ủy ban Xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng và Ủy ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổ chức này chịu trách nhiệm phòng, chống tham nhũng và chỉ thành lập ở cấp trung ương, trực tiếp dưới sự chỉ đạo của tổng thống. Hiện nay, ACRC có gần 600 cán bộ, công chức, Chủ tịch Ủy ban ACRC tương đương với bộ trưởng. ACRC chú trọng vào việc nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh chính sách để các cá nhân không thể lợi dụng cơ chế, chính sách để tham nhũng.
Bảo vệ người tố cáo tham nhũng trong pháp luật Việt Nam
Tố cáo là một quyền cơ bản của công dân, được quy định tại Điều 30 Hiến pháp 2013 như sau: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Tố cáo là một phương thức thể hiện quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước. Theo các quy định gần đây của Đảng, tố cáo còn là phương thức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Theo Luật Tố cáo (2011), tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Người tố cáo là công dân thực hiện quyền tố cáo. Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu được quy định cụ thể tại các điều 13, 14, 15, 16 và 17 của Luật Tố cáo. Chẳng hạn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức do mình tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.
Luật Tố cáo dành hẳn một chương (chương 5) về bảo vệ người tố cáo. Điều 37 quy định: Người có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người tố cáo; không được trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. Người tố cáo có căn cứ cho rằng mình bị phân biệt đối xử về việc làm dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền yêu cầu người đã giải quyết tố cáo hoặc người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền quản lý, sử dụng mình có biện pháp xem xét, xử lý đối với người có hành vi đó.
Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật tố cáo năm 2018 quy định rõ nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo, trong đó có quy định cụ thể về xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Cụ thể, kỷ luật người có thẩm quyền giải quyết tố cáo nếu họ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập; Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo. Áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi người đó cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.
Những khó khăn, thách thức
Mặc dù được luật pháp bảo vệ, nhưng nhìn chung, cuộc đời của những người tố cáo nổi tiếng đều rất sóng gió. Rất ít trường hợp được bảo vệ thành công. Điển hình là Edward Snowden, người đã công bố tài liệu về các chương trình tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA, trong đó có bao gồm chương trình giám sát PRISM cho các báo The Guardian và The Washington Post vào tháng 6-2013. Người này hiện vẫn tị nạn ở Nga kể từ năm 2013.
Tiếp theo phải kể đến Hervé Falciani trong vụ SwissLeaks, từ năm 2009 người này đã cung cấp thông tin liên quan đến hơn 130.000 người bị tình nghi trốn thuế có tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ, đặc biệt là những người có tài khoản trong Ngân hàng Tư nhân HSBC, chi nhánh Thụy Sĩ. Ông này phải trốn sang pháp.
Gần đây nhất, Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa Trung Quốc tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, người đã cảnh báo về đại dịch COVID-19 bị cảnh sát Vũ Hán triệu tập và cảnh cáo. Người này đã chết vì nhiễm trùng vào ngày 7-2-2020.
Người dân Hồng Kông luôn sẵn sàng hợp tác với Uỷ ban độc lập chống tham nhũng Hồng Kông ICAC vì họ tin tưởng tổ chức này. Nhiều công dân đã mạnh dạn gửi thông tin tố cáo tham nhũng cho tổ chức chống tham nhũng của New Zealand vì thấy rằng thông tin của họ, kể cả thông tin nặc danh, được công khai trên internet. Đó là những công việc có thể làm được ngay nếu các chính phủ có quyết tâm chống tham nhũng.
Để thể hiện sự tôn trọng đối với người tố cáo, tòa án ở Mỹ đã ra nhiều quyết định bồi thường thiệt hại cho người tố cáo. Một nhân viên phân tích thuộc Cơ quan nhà ở công cộng bang California báo cáo về một vụ tiết lộ thông tin dự thầu. Anh này bị sa thải nhưng được toà án phán quyết bồi thường thiệt hại 1,3 triệu USD. Ở bang Pennsylvania, một nhân viên dịch vụ nhà báo cáo một trường hợp kinh doanh vụ lợi và nhận được 900.000 USD thiệt hại do mất việc làm. Các khoản bồi thường lớn cũng được trao cho người tố cáo báo cáo vi phạm về sức khỏe và an toàn công cộng. Một kỹ sư nhà máy xử lý nước ở Connecticut đã bị mất việc làm sau khi báo cáo lãnh đạo nhà máy rằng nguồn cung cấp nước của thị trấn đã được xử lý không đúng. Tòa án quyết định bồi thường cho viên kỹ sư 127.000 USD cho khoản tiền lương bị mất.
Trước khi sự việc sáng tỏ, người tố cáo đối mặt với những nguy cơ bị trả thù, trù dập người tố cáo, thậm chí bị đe dọa về tính mạng. Cựu đại tá công an Đinh Đình Phú, người có công đấu tranh làm rõ vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn, Hải Phòng năm 2004, ông chia sẻ, trong thời gian ông tố cáo đã bị xã hội đen đe dọa nhiều lần. Hay bốn nông dân nghèo khó Lê Văn Lương, Nguyễn Thuận Trưởng, Nguyễn Văn Vinh, Ngô Minh Phiện ở xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Họ dũng cảm đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng của một số cán bộ sở tại trong dự án đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tỉnh lộ 70 nối từ Ngã ba cầu Hiền Lương lịch sử về Bãi tắm Cửa Tùng danh tiếng. Vậy mà trong nhiều năm trời, 4 nông dân luôn bị đe dọa, bức hãm như bị cắt điện, phá hồ nuôi cá… của gia đình họ. Dù rằng, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (BCĐ) đã có nhiều công văn lẫn không ít lần trực tiếp về tỉnh Quảng Trị yêu cầu chính quyền sở tại phải cương quyết sửa sai, phải xin lỗi dân… Các cơ quan chức năng vào cuộc, khẳng định đơn tố cáo của 4 nông dân chân lấm tay bùn này là có căn cứ, kết luận những sai phạm trong đền bù GPMB tỉnh lộ 70 cũng như việc nhiều quan xã Vĩnh Thành bày trò đứng tên để rút tiền đền bù là đúng sự thật.
Tham nhũng luôn là vấn nạn toàn cầu. Nó không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Pháp luật đã và đang hoàn thiện tạo hành lang pháp lý để vạch trần tội phạm tham nhũng, bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên hoàn thiện luật là chưa đủ, người đứng đầu, cán bộ, công chức, và người dân cần nêu cao trách nhiệm kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng.