Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
85026

Bảo vệ quyền của người mang thai Kỳ 3: Để người mang thai hộ không còn là người yếu thế

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những quy định mới được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HNGĐ) năm 2014, mở ra niềm hi vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi quy định này, nảy sinh nhiều vấn đề cần được sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền của người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

 

Người mang thai hộ được xác định là người yếu thế cần được bảo vệ

Pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản về bảo đảm các quyền cho người mang thai hộ. Thời gian tới, để bảo đảm tốt hơn nữa các quyền cho này, cần làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định khá cụ thể các quyền và lợi ích hợp pháp của người mang thai hộ, song những quy định này chưa đầy đủ như các tiêu chuẩn mà pháp luật quốc tế, chẳng hạn tránh phân biệt đối xử, quyền được tôn trọng và chăm sóc y tế theo nhu cầu, lựa chọn phương pháp mang thai phù hợp với cá nhân,… Có thể hiểu những quyền này tương tự như những phụ nữ mang thai bình thường khác phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định đầy đủ và rõ ràng hơn các quyền của người mang thai hộ theo hướng tiệm cận với quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người.

Bên cạnh đó, để phân biệt chính xác hơn mục đích của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay thương mại thì cần thiết phải có những quy định cụ thể liên quan đến việc đưa ra các tiêu chí chi tiết đến việc mang thai hộ, từ đó có các cơ chế rõ ràng nhằm hạn chế được việc biến tướng của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trên thực tế.

Thứ hai, theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và hướng dẫn của Bộ Y tế, bên mang thai hộ (người mang thai hộ) có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng chưa cụ thể. Nhà nước cần ban hành hướng dẫn chi tiết về các dịch vụ thiết yếu mà người mang thai hộ được hưởng, bao gồm cả chăm sóc về tâm lý. Ngoài ra, trong các văn bản hiện hành cũng chưa có quy định liên quan hỗ trợ người mang thai hộ sau khi trao quyền nuôi dưỡng, như: trầm cảm sau sinh, tổn hại sức khỏe. Do đó, cần quy định rõ hơn trong luật, nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe hậu sản cho người mang thai hộ.

Thứ ba, về trình tự thủ tục bảo đảm quyền của người mang thai hộ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, một số quy định trong Nghị định rườm rà, phức tạp, chẳng hạn người mang thai hộ phải là người đã từng sinh con, để xác nhận điều kiện này phải làm thêm những thủ tục khác… Bên cạnh đó, cần quy định rõ về vấn đề người mang thai hộ được hưởng các dịch vụ như y tế, chăm sóc sức khỏe và phải bên nhờ mang thai hộ trả chi phí cần thiết cho việc mang thai hộ hoặc các khoản đền bù khác nếu như bố mẹ nhờ mang thai hộ vi phạm thỏa thuận để phù hợp với tinh thần Công ước của ILO và từ kinh nghiệm của một số nước như Mỹ, New Zealand, Anh…

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một trong những quy định tiến bộ và nhân văn nhằm bảo vệ quyền làm cha mẹ của những gia đình hiếm muộn, quan điểm đúng đắn, toàn diện về vấn đề quyền con người trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, ngoài việc phát huy tốt những yếu tố tích cực thì việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là cần thiết nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích cho người mang thai hộ.■

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ông nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con (Khoản 2, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *