Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
9472

Pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và bình đẳng giới – Bài 11

5. Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017

a) Một số quy định tại Phần chung

– Về nguyên tắc xử lý hình sự quy định tại Điều 3 BLHS đã quy định một loạt các nguyên tắc xử lý của chính sách hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội và một trong những nguyên tắc này đã thể hiện sâu sắc tinh thần của Hiến pháp về bình đẳng giới, đó là “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”. Nguyên tắc xử lý này đã được cụ thể hóa trong các quy định cụ thể của BLHS liên quan đến phụ nữ là người phạm tội và các hành vi xâm hại phụ nữ.

– Liên quan đến quy định về che giấu tội phạm, BLHS hiện hành quy định  bất cứ người nào che giấu tội phạm đều phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm. Tuy nhiên, Điều 18 BLHS (sửa đổi) đã sửa quy định này theo hướng khẳng định rõ người che giấu tội phạm là Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác thuộc một số nhóm tội phạm cụ thể như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác, tội phạm về ma tuý, tội phạm về chức vụ  và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cụ thể khác. Quy định này xuất phát từ văn hóa của người Việt Nam về tình cảm thiêng liêng trong gia đình người Việt Nam, mối quan hệ gắn kết, chặt chẽ giữa những người thân ruột thịt trong gia đình. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì mọi công dân Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do vậy,  BLHS đã giới hạn trong phạm vi hẹp những tội mà ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội sẽ không bị xử lý hình sự nếu không tố giác (Điều 18 dự thảo BLHS).

– Cùng với sửa đổi quy định về che giấu tội phạm, BLHS (sửa đổi) cũng loại trừ trách nhiệm hình sự đối với ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội nếu những người này không tố giác tội phạm.

– Các quy định về hệ thống hình phạt, BLHS (sửa đổi) đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36 BLHS) quy định trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần. Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Thứ hai, về hình phạt tử hình (Điều 39 BLHS), BLHS (sửa đổi) tiếp tục thể hiện chính sách nhân đạo, bảo vệ và hỗ trợ người mẹ – một thiên chức của người phụ nữ, đã có một số quy định đặc thù riêng đối với phụ nữ là người phạm tội, đặc biệt là những quy định liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình đối với họ. Theo đó, hình phạt tử hình sẽ không áp dụng đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trường hợp này thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

– Về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 51 và Điều 52 BLHS (sửa đổi)),  đã có một số quy định nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của phụ nữ, cụ thể:

Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Điều 51 BLHS (sửa đổi) quy định người phạm tội là phụ nữ có thai là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bởi lẽ, trong thời gian có thai, tâm sinh lý của người phụ nữ có những thay đổi nhất định, dễ có khả năng dẫn tới không kiểm soát được hành vi trong những thời điểm nhất định.

Về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, Điều 52 BLHS (sửa đổi) quy định trường hợp phạm tội đối với phụ nữ có thai là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội

– Quy định về hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 67 và Điều 68 BLHS (sửa đổi)), cùng với việc không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, BLHS (sửa đổi) còn có những quy định cho đối tượng này được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Theo đó, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nếu chưa chấp hành hình phạt tù sẽ được hoãn chấp hành hình phạt tù đến khi con đủ 36 tháng tuổi (Điều 67 BLHS). Trường hợp phụ nữ đang chấp hành hình phạt tù mà có thai hoặc phải nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 68 BLHS).

b) Một số quy định tại phần các tội phạm

* Đối với phụ nữ là người phạm tội

BLHS (sửa đổi) quy định tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124) là một trường hợp giảm nhẹ đặc biệt trách nhiệm hình sự về hành vi giết người. Trong trường hợp này, BLHS đã nhìn nhận việc người mẹ giết con mới đẻ do ảnh hưởng từ việc sinh đẻ. Lúc này, tâm sinh lí không bình thường, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi còn bị hạn chế do tác động của việc sinh con. Người mẹ do chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu (như do chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ hoặc do hủ tục của cộng đồng dân cư nơi sinh sống) hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt chi phối (như người mẹ sinh con trong hoàn cảnh vô gia cư, thất nghiệp hoặc bản thân đang bị bệnh hiểm nghèo…) mà giết con mới đẻ  hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết là yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với những trường hợp giết người thông thường.

* Phụ nữ là nạn nhân của tội phạm

– Các tội phạm xâm hại phụ nữ

BLHS quy định một số tội phạm nhằm bảo vệ người phụ nữ, cụ thể là nhóm tội xâm phạm tình dục, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của phụ nữ, cụ thể:

Thứ nhất, đối với nhóm các tội xâm hại tình dục phụ nữ,  BLHS đã quy định một số tội danh cụ thể, bao gồm tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (Điều 143),  tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), để bảo đảm bao quát hết các hình thức xâm hại tình dục đang xảy ra trong thực tiễn, phản ánh đúng bản chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội,  BLHS (sửa đổi) đã mở rộng nội hàm của hành vi “giao cấu theo hướng dấu hiệu cấu thành của các tội phạm này không chỉ là thực hiện hành vi giao cấu mà còn bao gồm cả việc “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”. Như vậy, với quy định này sẽ bao quát được các hình thức giao cấu khác nhau, không chỉ là việc giao cấu theo cách hiểu truyền thống mà bao gồm cả những hình thức giao cấu khác như sử dụng các vật thể hoặc bộ phận cơ thể đưa vào hậu môn hoặc miệng của nạn nhân.

Thứ hai, đối với nhóm tội phạm về mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

BLHS hiện hành quy định 2 tội danh liên quan đến mua bán người, đó là tội mua bán người (Điều 119) và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120). Tuy nhiên, qua nghiên cứu chuẩn mực quốc tế về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thì có thể nhận thấy, pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng cách so với yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế về vấn đề này và điều này đã dẫn đến một số bất cập, hạn chế trong việc xử lý người phạm tội. Do vậy, BLHS đã sửa đổi 02 tội danh về mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151)

Thứ ba, liên quan đến vấn đề mại dâm, để bảo vệ các quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái,  BLHS (sửa đổi) cũng tiếp tục quy định 03 tội danh liên quan đến vấn đề này, đó là tội chứa mại dâm (Điều 327), tội môi giới mại dâm (Điều 328) và tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329).

Thứ tư, đối với nhóm tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình: BLHS (sửa đổi) đã quy định một số tội danh nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái, đó là Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181), tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182), tội tổ chức tảo hôn (Điều 183), Tội loạn luân (Điều 184), Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185, Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186). Đặc biệt, BLHS (sửa đổi) đã bổ sung thêm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187) để bảo vệ hơn nữa các quyền và lợi ích của người phụ nữ.

Thứ năm, để đảm bảo các quyền và lợi ích của phụ nữ, như quyền bình đẳng của phụ nữ được tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội; quyền bảo đảm về sức khỏe, BLHS (sửa đổi) vẫn tiếp tục duy trì tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ tại Điều 165 và tội phá thai trái phép tại Điều 316.

– Xâm hại phụ nữ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Quán triệt tinh thần của Hiến pháp về đảm bảo quyền bình đẳng giới, bảo vệ các quyền và lợi ích của nhóm người yếu thế trong xã hội, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, BLHS (sửa đổi) đã quy định một số hành vi xâm hại phụ nữ hoặc trẻ em là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ở một số tội phạm cụ thể, bao gồm:

+ Tội giết người với tình tiết giết phụ nữ mà biết là đang có thai; giết người dưới 16 tuổi (khoản 1 Điều 123);

+ Tội cố ý gây thương thích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác với tình tiết đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai (các khoản 1, 2 và 3 Điều 131)

+ Tội hành hạ người khác với tình tiết đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là đang có thai (khoản 2 Điều 140);

+ Các tội hiếp dâm/hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm/ cưỡng dâm người dưới 16 tuổi và tội giao cấu với người dưới 16 tuổi với tình tiết làm nạn nhân có thai;

+ Các tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật với tình tiết đối với trẻ em, phụ nữ mà biết là đang có thai;

+ Các tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy với tình tiết đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;

+ Tội bắt cóc con tin với tình tiết đối với phụ nữ mà biết là đang có thai, người dưới 18 tuổi;

+ Các tội dùng nhục hình và tội bức cung với tình tiết đối với phụ nữ mà biết là đang có thai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *