50 năm sau ngày ký Hiệp định Paris – một sự kiện ngoại giao góp phần quan trọng kết thúc chiến tranh Việt Nam – cuộc chiến khốc liệt bậc nhất lịch sử nhân loại, mọi việc tưởng đã tỏ tưởng, minh định, vậy mà những ngày qua, các trang truyền thông phương Tây vẫn cố tình nhào nặn, biến báo bênh vực chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH), xuyên tạc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và xúc phạm các nhân vật lịch sử, tiêu biểu như bài viết “50 năm Hiệp định Paris: thắng lợi vĩ đại hay hòa bình cay đắng” trên RFA Việt ngữ bằng trò phỏng vấn 2 nhân vật được cho là liên quan đến sự kiện này.
Người thứ nhất, là ông nhà báo “ngụy” Từ Thức – được giới thiệu là “Có mặt trong phái đoàn báo chí phía Việt Nam Cộng Hòa suốt quá trình đàm phán” với suy nghĩ thể hiện sự cay cú, khai thác chủ trương “vừa đánh vừa đàm” để vu cáo rằng “cộng sản” “bày ra chuyện hội nghị, nhưng sự thật vẫn tiếp tục đánh ở miền Nam và chuyện đánh miền Nam mới là chuyện quan trọng”. Đây rõ ràng thể hiện nhận thức tầm vô cùng “ấu trĩ”.
Thứ nhất, ấu trĩ bởi “bày ra chuyện hội nghị” đâu phải bởi Hà Nội? Lịch sử đã chứng minh, khi tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân miền Bắc Việt Nam, trước sự lên án của dư luận quốc tế và trong nước, Mỹ là bên đã đánh tiếng “đàm phán không điều kiện” với hàm ý đàm phán trong khi vẫn tiếp tục ném bom bắn phá miền Bắc. Tất nhiên, Hà Nội sao có thể chấp nhận sự ngang ngược đó?
Thứ hai, ấu trĩ bởi Hội nghị Paris diễn ra, chiến trường miền Nam Việt Nam vẫn nóng bỏng; câu chuyện trên bàn đàm phán phản ảnh tương quan chiến trường. Về mối liên hệ giữa nó, Hà Nội nhận ra từ lâu rồi, thể hiện qua câu nói sinh động của ông Hồ Chí Minh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Lỳ lợm, cậy thế súng đạn như Mỹ, nếu đối phương không thắng trên chiến trường thì còn khuya mới buộc họ ngồi vào bàn đàm phán.
Trong thực tế, Hội nghị Paris đã chỉ diễn ra từ tháng 5/1968 sau tiếng “chiêng” vang dội làm rung chuyển Nhà trắng và cả thế giới là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Tiếng “chiêng” đó khiến Mỹ giật mình nhận ra rằng, họ không thể thắng nổi một dân tộc gan góc sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh như Việt Nam…
Thậm chí, ngay khi Hiệp định đã được thỏa thuận, Mỹ còn làm cú lật lọng, bất ngờ mở cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng nhằm gây sức ép cho đối phương. Tuy nhiên, cuộc tập kích thảm bại, thiệt hại nặng nề, Mỹ mới chịu khuất phục hoàn toàn, nối lại đàm phán. Hiệp định được ký tắt ngày 27/1/1973 với nội dung như đã thỏa thuận, trong đó nêu rõ: Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam…
Nội dung mà người Mỹ buộc phải thừa nhận đó bác bỏ hoàn toàn điều mà ông Từ Thức nêu trên; đồng thời, bác bỏ luôn sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn tiếp theo của ông: “Tất cả các tài liệu chính thức cũng như bán chính thức trên mọi cấp của Cộng sản đều coi việc thôn tính miền Nam là một nghĩa vụ thiêng liêng…”
Người thứ hai, là ông Luật sư Lâm Chấn Thọ, được giới thiệu là một luật sư về thương mại đang hành nghề tại Quebec, Canada. Nhưng với nhiều người, ông ta được biết nhiều hơn qua những chuyện trớ trêu và nực cười. Ví như năm 2010, ông cùng cùng hai cựu thiếu tướng quân đội Sài Gòn Lý Tòng Bá, Nguyễn Văn Chức trong cái nhóm gọi là “chính phủ VNCH” (!) (do Nguyễn Bá Cẩn, cựu thủ tướng VNCH – đã từ chức cuối tháng 4/1975, nặn ra ở Mỹ sau này) cùng một số nhân vật theo đóm ăn tàn, tổ chức một buổi họp báo đề nghị quốc tế phải yêu cầu Nhà nước Việt Nam thi hành Hiệp định Paris (?!), bởi: Nếu chiếu theo điều 76 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, thì VNCH vẫn tồn tại”. Tất nhiên, đó là “lý” của họ và với họ, trong đó có ông Lâm Chấn Thọ. Còn viện vào nó mà đòi hỏi quốc tế thi hành, có mà quốc tế người ta cười cho thối mũi…Với “uy tín chính trị” của ông Lâm Chấn Thọ như thế, lẽ ra phải tránh đi cho lành, thì RFA lại dại dột mò tới phỏng vấn. Hệ quả là, nội dung trả lời chỉ càng khiến thiên hạ chê cười cả Lâm Chấn Thọ lẫn RFA.
Chê cười vì 50 năm sau Hiệp định Paris, RFA và ông Lâm Chấn Thọ vẫn không phân biệt nổi chính nghĩa và phi nghĩa, đòi kẻ xâm lược phải được “bình đẳng” với người chống xâm lược qua việc gào lên rằng: “Cộng sản Việt Nam đã vi phạm điều 7 (Hiệp định)…; họ vẫn tung vô bao nhiêu là đoàn xe của Cộng sản Việt Nam đi trên con đường Hồ Chí Minh để tiến vào miền Nam của chúng ta”.
Là người Việt Nam, vậy mà chua chát thay, ông Lâm Chấn Thọ hóa ra không bằng người ngoài. Chính ông Henry Kissinger, trong chuyến thăm Hà Nội tháng 3/1973, đến thăm đền Ngọc Sơn, khi được giải thích bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt khắc trên đền, trong đó có câu: “Nam quốc sơn hà nam đế cư …”, đã phải thốt lên: đây chính là Điều 1 trong Chương I của Hiệp định Paris : “Hoa Kỳ và các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”. Hẳn ông cố vấn của Nhà trắng khi đó cay đắng lắm? Cay đắng vì đã không biết trước để nước Mỹ tránh được một cuộc chiến tranh sai lầm hao người tốn của kèm theo di chứng lâu dài sau khi đã kết thúc.
Chê cười nữa vì, như một hệ quả: cái sai này tất yếu dẫn tới cái sai khác. Lập luận về nội hàm “nước ngoài” khi đánh đồng cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều là “nước ngoài đối” với miền Nam Việt Nam. Đây là trình độ lý luận cùn của một kẻ dán nhãn luật sư. Cùn vì theo ông ta, hóa ra “có một “nước ngoài” trong một quốc gia”?
Đến Mỹ, ban đầu khăng khăng, nhưng thua đau trên chiến trường cũng như không đấu nổi lý lẽ dựa trên cơ sở lịch sử và pháp lý vững chắc của Hà Nội, đã phải từ bỏ đòi hỏi vô lý “hai bên cùng rút” (Mỹ rút, Bắc việt cũng phải rút quân ra khỏi miền Nam, vì Bắc việt là “nước ngoài”) cơ mà? Vậy mà nửa thế kỷ sau, ông Lâm Chấn Thọ vẫn còn cay cú: “Quân đội của Cộng sản Việt Nam coi họ như là một nước ngoài, nhưng họ vẫn còn có thể ở lại trong miền Nam Việt Nam trong lúc đó thì quân đội Hoa Kỳ và quân đội đồng minh của Hoa Kỳ phải rút đi. Đó là điều bất công.”
Bất công, nếu có, chỉ với RFA và những kẻ như Lâm Chấn Thọ, Từ Thức và lác đác những người như họ còn sót lại ở hải ngoại!
Bất công, nếu có, có thể bao gồm luôn khoảng 20 người Việt, ngày 14/1/2023, bất chấp thời tiết giá lạnh, “đã tới số 17 Avenue Cambaceres, nơi bà Nguyễn Thị Bình lưu trú trước đây, để biểu tình. Ông Sơn Hà (thành viên Nhóm Tinh Thần Việt Nam Cộng Hòa) giải thích lý do ông kêu gọi biểu tình:“Thứ nhất là để tố cáo Cộng sản Việt Nam vi phạm Hiệp định Paris” – mà RFA cố tình trưng ra trong bài viết như một thực chứng (?) cho cái gọi là “bất công” ấy.
Còn với dân tộc Việt Nam, việc Mỹ và quân đội đồng minh phải rút đi là điều tiên quyết, không thể nhân nhượng bởi đó là chân lý.
“Cà cuống chết đến đít còn cay”. VNCH thành thây ma chính trị đã non nửa thế kỳ, vậy mà RFA, Từ Thức, Lâm Chấn Thọ vẫn còn xót xa cho nó?