Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
29751

Nhận diện về hiện tượng tôn giáo mới

 

Từ năm 2001 đến nay, trên thế giới có khoảng 20.000 “hiện tượng tôn giáo mới” với trên 130 triệu tín đồ (trung bình xuất hiện 2 – 3 tôn giáo mới/ngày). Còn theo thống kê của các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu Việt Nam thì từ năm 1980 đến nay, nước ta có khoảng 80 “tôn giáo mới”, hay “hiện tượng tôn giáo mới”, “đạo lạ”, “tà đạo” với nhiều nguồn gốc khác nhau.

 

Ở Việt Nam, từ những năm 1990 trở lại đây, trong nước xuất hiện những “hiện tượng tôn giáo mới”, còn gọi là đạo lạ. Thí dụ: Long Hoa Di Lặc, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Đoàn 18 Vua Hùng, Vàng Chứ, Thìn Hùng, Chân Không (đạo Thày Ty), Dương Văn Mình, Canh tân Đặc sủng, Hà Mòn, Amí Sara, Pơ Khắp Brâu; và nhiều loại du nhập từ nước ngoài: Thanh Hải Vô Thượng Sư, Tam Tổ Thánh hiền (từ Đài Loan), Ôtômô giáo, Sôka Gakhai, Nhất Quán đạo (đạo Trứng), (từ Nhật Bản), Vô Vi Pháp (từ Pháp), Pháp Luân công, Phật Mẫu Địa Cầu, Sề Chu Hà Ly Cha, San Sư Khổ Tọ, đạo Chữ Thập (từ Trung Quốc), Ômsai Baha’i, Osho (từ Ấn Độ).

Quan niệm về hiện tượng tôn giáo mới mà các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu trong Giáo trình cao học tôn giáo năm 2014: “Hiện tượng tôn giáo mới” hay “phong trào tôn giáo mới” là những hiện tượng có tính tôn giáo, mới xuất hiện trong những thập niên gần đây nhằm tập hợp một số người xung quanh một nhân vật tự xưng là “Đấng tiên tri”, được cho là hoá thân của thần linh, siêu nhân có những quyền năng phi thường đứng ra lập đạo; có giáo lý riêng được nhào nặn, lắp ghép từ nhiều nguồn sơ sài; có tổ chức riêng nhưng lỏng lẻo; có nghi lễ riêng hay cách thức thực hành nghi lễ nhưng ở mức độ là những hiện tượng có tính tôn giáo, chưa thể hiện với tư cách là một tôn giáo.

Theo các nhà nghiên cứu tôn giáo, “hiện tượng tôn giáo mới” có một số đặc điểm nổi bật để nhận dạng, như: (i) những hiện tượng có tính tôn giáo; (ii) mới xuất hiện trong thời gian gần đây (từ nửa sau thế kỷ XX); (iii) có giáo chủ (người lập đạo) tự xưng là Đấng tiên tri; (iv) có tổ chức lỏng lẻo; (v) giáo lý, lễ nghi khá đơn giản, chưa hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống; (vi) đa số hàm chứa yếu tố mê tín, một số mang màu sắc chính trị.

Với những đặc điểm nhận dạng nói trên và thực tế ở hầu hết các địa phương, cơ sở các tôn giáo này đều chưa được công nhận pháp nhân. Tuy nhiên, các “hiện tượng tôn giáo mới” này đang tồn tại như là một thực thể xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần phải xem xét và ứng xử như thế nào để vừa bảo đảm thực thi chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta lại vừa hạn chế được mặt tiêu cực. Qua các nghiên cứu đã công bố, ngoài một số ít hiện tượng tôn giáo mới chưa có những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, còn lại phần lớn mang tính “mê tín dị đoan”; gây ra nhiều tác động nguy hại cho con người và xã hội.

Trong bối cảnh vận động, biến đổi không ngừng của xã hội cùng với những tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các hiện tượng tôn giáo mới có điều kiện thuận lợi để xâm nhập vào nước ta, trong đó có những “tà đạo” với khuynh hướng cực đoan, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Chính vì thế, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về “tà đạo” để tạo sức đề kháng, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào những tôn giáo trái phép. Các cơ quan quản lý về tôn giáo cũng cần có những giải pháp để loại bỏ những “tà đạo” này ra khỏi xã hội.■

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *