Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
12175

Mỹ – Trung tố nhau “thao túng thông tin toàn cầu”, ai cao thủ hơn ai?

Ngày 28/9/2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo có tên là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tìm cách định hình lại Môi trường Thông tin Toàn cầu như thế nào”(1), tập trung vào cáo buộc Trung Quốc thao túng thông tin thông qua tuyên truyền, thông tin sai lệch và kiểm duyệt nhằm tìm kiếm sự thống trị thông tin trên toàn cầu.

Cụ thể, báo cáo tố Trung Quốc chi hàng tỷ đô la hàng năm cho các nỗ lực thao túng thông tin nước ngoài. Bắc Kinh sử dụng thông tin sai lệch hoặc thiên vị để thúc đẩy quan điểm tích cực về CHND Trung Hoa và Đảng Cộng sản Trung Quốc (PRC). Đồng thời, PRC ngăn chặn những thông tin quan trọng trái ngược với những tuyên bố mong muốn của họ về các vấn đề như Đài Loan, các hoạt động nhân quyền, Biển Đông, nền kinh tế trong nước và sự tham gia kinh tế quốc tế. Nói rộng hơn, Trung Quốc tìm cách nuôi dưỡng và duy trì một cơ cấu khuyến khích toàn cầu nhằm khuyến khích các chính phủ, giới tinh hoa, nhà báo và xã hội dân sự nước ngoài chấp nhận những câu chuyện ưa thích của họ và tránh chỉ trích hành vi của họ.

Cách tiếp cận của PRC đối với việc thao túng thông tin bao gồm tận dụng tuyên truyền và kiểm duyệt, thúc đẩy chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số, khai thác các tổ chức quốc tế và quan hệ đối tác song phương, kết hợp giữa hợp tác và áp lực, và thực hiện kiểm soát các phương tiện truyền thông tiếng Trung. Nói chung, năm yếu tố này có thể cho phép Bắc Kinh định hình lại môi trường thông tin toàn cầu theo nhiều trục:

Báo cáo tố Trung Quốc đã mua lại cổ phần trên các phương tiện truyền thông nước ngoài thông qua các phương tiện công cộng và tư nhân cũng như tài trợ cho những người có ảnh hưởng trên không gian mạng. Bắc Kinh cũng nỗ lực thu hút những tiếng nói nổi bật trong môi trường thông tin quốc tế như giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài. Ngoài việc tập trung vào các nhà sản xuất nội dung, Trung Quốc còn nhắm tới các nền tảng phổ biến thông tin toàn cầu, chẳng hạn như đầu tư vào các dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở Châu Phi và mạng lưới vệ tinh.

Báo cáo cũng tổ cáo PRC thúc đẩy chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số, bao gồm việc sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để đàn áp quyền tự do ngôn luận, kiểm duyệt tin tức độc lập, quảng bá thông tin sai lệch và phủ nhận các quyền con người khác. Thông qua việc phổ biến các công nghệ giám sát và kiểm duyệt, thường là thông qua các khả năng được gói gọn dưới cái ô “thành phố thông minh” hoặc “an toàn”, PRC đã xuất khẩu các khía cạnh của môi trường thông tin trong nước ra toàn cầu. Bắc Kinh cũng tuyên truyền các chiến thuật kiểm soát thông tin, đặc biệt tập trung vào Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Song song đó, Trung Quốc đã thúc đẩy các chuẩn mực kỹ thuật số độc tài mà các quốc gia khác đã áp dụng với tốc độ nhanh chóng. Khi các quốc gia khác noi gương Trung Quốc, hệ sinh thái thông tin của họ trở nên dễ tiếp thu hơn trước các yêu cầu tuyên truyền, thông tin sai lệch và kiểm duyệt của Bắc Kinh.

Báo cáo cũng chỉ ra hạn chế rằng, khi nhắm mục tiêu vào các nước dân chủ, Bắc Kinh đã gặp phải những thất bại lớn, thường là do sự phản kháng từ truyền thông địa phương và xã hội dân sự. Khi thế giới đều thấy rõ ý đồ  thao túng thông tin của ĐCSTQ là điểm khởi đầu cho một tương lai trong đó các ý tưởng, giá trị và câu chuyện của ĐCSTQ phải cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.

Ngay sau báo cáo này, ngày 29/9, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc lên tiếng tố ngược, cho rằng báo cáo này đang vẽ chính chân dung của chú Sam “khi nó nhìn vào gương và sau đó nói về Trung Quốc”! (2)

Thanh minh cho mình, Trung Quốc cho rằng, họ đã bao giờ thao túng thông tin toàn cầu như Mỹ đã và đang làm chưa? Nó lấy minh chứng thời điểm Washington tuyên bố có vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq, truyền thông Mỹ lặp lại tuyên bố này và các đồng minh của Mỹ cũng làm theo trong cuộc xâm lược quốc gia Trung Đông do Mỹ dẫn đầu? Hay giống như thời điểm Mỹ đối mặt với số người chết vì Covid-19 cao nhất thế giới, nhưng lại Mỹ chiếm vị trí đầu bảng trên Bảng xếp hạng khả năng phục hồi COVID của Bloomberg? Và nó kết luận, “nếu Mỹ khẳng định đứng thứ 2 thế giới về chiến dịch xuyên tạc thông tin và dư luận, thì không ai dám khẳng định đứng số 1”.

Bài báo của Trung Quốc quy kết, Mỹ dùng mọi biện pháp để khiến thế giới trở nên thù địch với các đối thủ của Washington (ý nói Trung Quốc). Do đó, việc phát động cuộc chiến thông tin chống lại Trung Quốc là một phần trong chiến lược ngăn chặn của Mỹ, với mục tiêu tạo ra hình ảnh “xấu xa” về Trung Quốc trên trường dư luận quốc tế. Báo cáo mới chỉ đơn giản là một ví dụ mới nhất trong danh sách dài các chiến thuật của Mỹ nhằm khiến thế giới cảnh giác với Trung Quốc.

Bài báo cũng tố Mỹ đã bao vây Trung Quốc, cách đất Mỹ nửa vòng trái đất, bằng một chuỗi căn cứ quân sự và cảng biển, nhưng truyền thông Mỹ lại gọi Trung Quốc là “kẻ xâm lược”. Bài báo còn tố Mỹ lặp đi lặp lại cáo buộc về “lao động cưỡng bức ở Tân Cương”, xuất hiện trong hầu hết các báo cáo liên quan đến Trung Quốc do chính quyền Hoa Kỳ đưa ra nhưng khi mọi người, đặc biệt là từ các nước phương Tây, đến thăm Tân Cương lại thừa nhận sự phát triển, chăm sóc sức khỏe được cải thiện, trình độ giáo dục và việc làm ngày càng tăng trong khu vực, thì các chính trị gia ở Washington vẫn đang “bận rộn” kêu gọi cái gọi là nạn diệt chủng và cưỡng bức lao động ở Tân Cương.

Bài báo bật lại rằng, “Ai đang thao túng thông tin?”, “Tại sao Mỹ có quyền tự do truyền bá thông tin sai lệch nhưng Trung Quốc lại trở thành kẻ thao túng để nói lên sự thật?” , quy kết “Mỹ càng cố gắng thì thói đạo đức giả của họ càng lộ rõ” và kết luận “Nếu không thì tại sao Julian Assange và Edward Snowden lại phải bị truy tố chỉ vì nói ra sự thật?”

Lợi bình của Ban biên tập: theo sự đôi co và phanh phui của đôi bên, Trung Quốc cho rằng Mỹ là số 1 thế giới về thao túng thông tin,  tuy không thừa nhận Trung Quốc đang học đòi theo Mỹ, nhưng nói thẳng toẹt rằng, những gì báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đang tố cáo Trung Quốc thực chất là phác họa chính nước Mỹ. Vậy theo bạn, ai là số 1, ai là số 2 trong thao túng thông tin toàn cầu? Ai cao thủ hơn ai?

Tham khảo tư liệu:
(1) https://www.state.gov/gec-special-report-how-the-peoples-republic-of-china-seeks-to-reshape-the-global-information-environment/

(2) https://www.globaltimes.cn/page/202309/1299122.shtml

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *