Báo cáo TIP 2020 đánh dấu lần thứ 20 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra báo cáo về tình hình mua bán người năm 2019 của 184 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bảng xếp hạng đánh giá về tình hình mua bán người của các nước chia làm 3 nhóm. Cũng như Báo cáo TIP 2019, TIP 2020 tiếp tục cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu làm giảm tình trạng mua bán người và xếp Việt Nam và “nhóm 2 cần theo dõi”;
Báo cáo đánh giá sai lệch khi cho rằng Chính phủ Việt Nam không thể hiện nỗ lực tổng thể so với năm ngoài; việc xác định và hỗ trợ nạn nhân còn chậm chạp và chưa hiệu quả; hầu hết các công ty tuyển dụng lao động do nhà nước quản lý hoặc các công ty môi giới không được cấp phép đã thu phí tuyển dụng với mức rất cao so với mức phí luật pháp quy định, những người mắc nợ thường có nguy cơ cao về lao động cưỡng bức… Đây là năm thứ hai liên tiếp, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào “nhóm 2 cần theo dõi” với nhiều thông tin sai lệch, thiếu căn cứ với những đánh giá hầu như không thay đổi trong nhiều năm qua.
Một mặt, Báo cáo TIP 2020 thừa nhận những nỗ lực của Việt Nam bao gồm: cho nạn nhân buôn người có quyền được đại diện pháp lý trong các quy trình tố tụng tư pháp; tăng thời gian nạn nhân có thể ở lại trong cơ sở tạm lánh thêm một tháng và tăng hỗ trợ tài chính cho họ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu; tiếp tục tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức quy mô lớn ở các cộng đồng có nguy cơ cao về buôn người, trong đó có người lao động di cư ra nước ngoài; đào tạo các cán bộ thực thi pháp luật.
Dù vậy, nhiều thông tin trong Báo cáo TIP 2020 thể hiện sự mơ hồ, thiếu căn cứ khi đưa ra đánh giá Chính phủ Việt Nam không thể hiện các nỗ lực cao hơn so với kỳ báo cáo trước. Một số nhận định không hề dựa trên thông tin xác thực, như: Chính phủ không cung cấp con số thống kê các vụ việc buôn người theo hình thức buôn người, tuổi hoặc giới tính của nạn nhân, quốc gia nguồn hoặc quốc gia đích của việc buôn người (thực tế, các con số thống kê này được cơ quan chức năng nêu chi tiết). Hay, Báo cáo viện dẫn việc Việt Nam chưa thể hiện nỗ lực khi 3 năm liền Chính phủ phát hiện ít hơn các nạn nhân ít hơn và báo cáo ít hơn các vụ điều tra, truy tố và xét xử các vụ mua bán người so với các năm trước đó. Đây là cách lập luận tương đối khó hiểu.
Sau khi TIP 2020 được công bố, nhiều tờ báo có quan điểm thù địch với Việt Nam đã đăng tải, đưa ra các bình luận, phỏng vấn cố xuý và suy diễn, lợi dụng vấn đề mua bán người để chống phá Việt Nam. Người được phỏng vấn, lấy ý kiến đều là những cá nhân từng bị xử lý theo pháp luật Việt Nam, có các hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. Trên mạng xã hội, nhân cớ này, các đối tượng bấu víu mặc sức “chém gió”, dùng những câu từ miệt thị, đả kích Nhà nước, chế độ XHCN ở Việt Nam, thậm chí xuyên tạc Việt Nam “dung túng” tội phạm buôn người. Cùng với đó là những nhận xét phiến diện của một số tổ chức, cá nhân nhằm hạ thấp uy thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Những nỗ lực trên thực tế
Buôn người là vấn nạn có tính toàn cầu, nhất là khu vực Á, Phi, Mỹ la tinh. Ngay cả các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, điều này cũng không ngoại lệ. Liên Hợp quốc ước tính rằng mỗi năm 700.000 đến 4 triệu phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên toàn thế giới với mục đích ép buộc bán dâm, lao động và các hình thức bóc lột khác. Theo báo cáo của UNODC, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng di cư từ các nước Trung Mỹ qua Mexico vào Hoa Kỳ. Nghĩa là chính Hoa Kỳ cũng là nước chịu tác động mạnh từ hệ quả nạn mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ở khu vực Đông Nam Á, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (từ ngày 24 – 27/9/2018, tại Malaysia) và Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 12 (từ ngày 29/10 – 02/11/2018) về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đều đánh giá tình hình tội phạm mua bán người và di cư trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, không thể cáo buộc Việt Nam trong vấn đề có tính toàn cầu và phức tạp như buôn người.
Việc Báo cáo TIP 2020 phê phán Việt Nam không thể hiện các nỗ lực cao hơn so với kỳ báo cáo trước là không nhìn nhận đúng thực tế công tác điều hành, chỉ đạo ứng phó của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương. Ngày 02/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 đã không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình và những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”.
Hiện nay, Việt Nam đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán”.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, để tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác phòng, chống loại hình tội phạm này.
Việt Nam đã rất nỗ lực, bằng các chương trình hành động cụ thể để phòng, chống hoạt động buôn người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm, trùng với ngày LHQ chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Mới đây, ngày 20/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc. Quyết định thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc phù hợp với chính sách, pháp luật và điều kiện của Việt Nam nhằm quản lý di cư hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 61 vụ, bắt 79 đối tượng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 34 vụ, với 51 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 57 vụ với 92 bị cáo phạm các tội về mua bán người để xét xử theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết, xét xử 42 vụ với 63 bị cáo (đạt tỷ lệ 73,7% số vụ và 68,5 bị cáo), trong số 39 vụ/52 bị cáo bị đưa ra xét xử, các Tòa án đã tuyên phạt tù có thời hạn đối với tất cả 52 bị cáo, trong đó tù từ 15 đến 20 năm đối với 01 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 24 bị cáo; trên 3 năm đến 7 năm đối với 23 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống đối với 04 bị cáo. Những kết quả này cho thấy, các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong đấu tranh với tội phạm mua bán người với những số liệu rõ ràng, minh bạch, không như những đánh giá cho Báo cáo TIP 2020 đưa ra.
Trương Hiền