Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14198

LÀN SÓNG COVID-19 THỨ HAI Bài 2: CHỐNG COVID-19-TRÁCH NHIỆM VÀ SẺ CHIA

Cho đến thời điểm này, dịch COVID-19 đã lan khắp thế giới như một vết dầu loang, chỉ bỏ sót lại hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có vị trí địa lý xa xôi và chính sách đóng cửa biên giới kịp thời. Khi các nền kinh tế lớn – nhỏ trên thế giới vừa manh nha mở cửa, hồi phục thì COVID-19 đã ngay lập tức quay trở lại càn quét với tốc độ mạnh mẽ và tính chất nguy hiểm hơn. Dù thế nào thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Thế giới đã ứng xử với dịch bệnh lần này ra sao và cách các quốc gia bảo vệ người dân trước đại dịch cũng chính là biểu hiện cao nhất về bảo đảm quyền con người. Tạp chí Nhân quyền Việt Nam thực hiện chuyên đề về làn sóng COVID-19 thứ hai nhằm phác họa bức tranh toàn cảnh về đại dịch chưa từng có trên thế giới dưới góc nhìn quyền con người.

Bài 2:CHỐNG COVID-19: TRÁCH NHIỆM VÀ SẺ CHIA

Vòng luẩn quẩn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới cho thấy hành trình chống dịch sẽ khó có khả năng kết thúc trong tương lai gần. Đã xuất hiện những tia hi vọng về “liều thuốc giải vaccine” cho đại dịch. Tuy nhiên sự cạnh tranh khốc liệt, thậm chí không lành mạnh giữa các quốc gia trên đường đua phát triển vaccine hay “chủ nghĩa dân tộc vaccine” đang cản bước tiến của thế giới trong việc chung tay chống đại dịch.

Cuộc đua bên ngoài phòng thí nghiệm

Cuộc chạy đua tìm kiếm loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vốn nóng lên từ những ngày đầu dịch bùng phát, tới nay đã đạt được những bước tiến nhất định. Nga là quốc gia mới nhất thông báo có vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Hiện, thế giới có hơn 140 loại vaccine đang được phát triển và ít nhất 13 loại đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người và đều cho các kết quả hứa hẹn. Với tốc độ bào chế vaccine khả quan như hiện nay cho thấy có nhiều khả năng sẽ có vaccine hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021.

Bên ngoài các phòng thí nghiệm, một cuộc đua khác cũng khốc liệt không kém, đó là cuộc đua “đặt cọc” giữa các nước giàu, sẵn sàng dốc hầu bao để sở hữu vaccine sớm nhất có thể. Ngay trong ngày đầu thông báo, Nga công bố đã có hơn 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine. Các giao dịch vaccine hàng tỷ USD liên tục được thực hiện trong những ngày qua, cho thấy đang diễn ra một “cơn khát vaccine” trên toàn cầu, với hi vọng đây sẽ là phép màu giúp các nước dập tắt ngay dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hệ lụy nhãn tiền của cuộc đua này là vấn đề giá cả leo thang và đặt ra vấn đề “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, khi các quốc gia và khu vực chỉ vì lợi ích riêng, tìm cách thu mua vaccine để cung cấp cho toàn bộ dân số nước họ, thay vì chia sẻ với các nước khác và bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất trước tiên.

Điều này đặt ra khó khăn không nhỏ đối với các nước nghèo, muốn tiếp cận vaccine. Nhiều chuyên gia dự tính giá thành một liều vaccine COVID-19 trên thị trường có thể từ 50-60 USD. Các nước nghèo sẽ không có đủ khả năng tài chính để mua hàng triệu liều cần thiết. Và ngay cả khi giá cả tăng cao, vaccine COVID-19 cũng sẽ rơi vào tình trạng cung không đủ cầu trong đại dịch.

Nga chuẩn bị thử nghiệm vắc xin nCoV trên 40.000 người

Vaccine ngừa COVID-19 được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử y học. Ngay sau khi Nga nổ phát súng đầu tiên, hàng loạt quốc gia cũng gấp rút các kế hoạch nhằm tiến tới vạch đích. Trong cuộc đua này, Trung Quốc bám đuổi sít sao Nga, trong khi Tập đoàn nghiên cứu vaccine của Anh AstraZeneca cũng nhận được những hợp đồng đặt cọc khổng lồ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều tự đặt ra tiêu chuẩn và tự công bố, không công nhận và hoài nghi lẫn nhau, không hợp tác và không chia sẻ thông tin để cùng nghiên cứu và phát triển vaccine. Điều này không những gây bất lợi cho quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine trên toàn cầu, mà còn tạo ra một loạt trở ngại nghiêm trọng, nhất là việc tiêm chủng và đánh giá hiệu quả của vaccine trong tương lai. Trong khi đó, nếu quá trình nghiên cứu phát triển và phân phối vaccine trên toàn cầu không tập trung vào việc cứu sống con người, mà chỉ hướng đến việc tìm kiếm thị trường và lợi ích kinh tế, thì nhiều nước nghèo và thu nhập trung bình sẽ khó có được vaccine để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, ngày càng khó khăn hơn dưới tác động của dịch bệnh. Và điều này, rõ ràng không đem lại lợi ích cho cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu.

Đánh giá về lý do “cơn khát vaccine” toàn cầu, trước hết phải nói về khía cạnh kinh tế. Rõ ràng, nhiều quốc gia đã chứng kiến các tác động kinh tế và xã hội của làn sóng COVID-19 thứ nhất. Nền kinh tế toàn cầu cũng đang rơi vào suy thoái. Để tránh những “giật lùi” tiếp theo, các quốc gia sẽ đổ tiền vào vaccine với hi vọng có thể tạo ra màng chắn virus, giúp ngăn chặn sự bùng phát của làn sóng virus thứ 2 với những hậu quả lớn hơn.

Lý do thứ hai là về địa chính trị. Có nhiều dự đoán về một trật tự thế giới mới định hình với những người chiến thắng đại dịch sẽ đi đầu trong trật tự mới này. Bởi vậy, việc nghiên cứu và phát triển ra vaccine trước không những giúp các quốc gia có thể nắm quyền chủ động trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, khôi phục kinh tế và việc làm của đất nước, mà còn mang lại lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD.

Lý do cuối cùng có thể là các lợi ích chính trị cá nhân. Mỹ luôn cho rằng, nền công nghệ y khoa của mình dẫn đầu toàn cầu, các nước khác cũng khó có thể theo kịp trong hoạt động nghiên cứu virus và phát triển vaccine. Mỹ luôn coi các nước phát triển ở châu Âu là đối tượng cạnh tranh của nghiên cứu và phát triển vaccine. Việc Nga vượt lên dẫn đầu không chỉ làm giới y khoa Mỹ mất mặt, mà còn khiến Tổng thống Donald Trump tuột khỏi tay vũ khí quan trọng để xoay chuyển tình thế trong bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tích cực chạy đua trong cuộc chiến nghiên cứu vaccine và ký kết sớm các hợp đồng nhằm sở hữu hàng triệu liều cho công dân nước này.

Vaccine có phải là phép màu?

Các nước đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để chống dịch, như cách ly và phong tỏa, tăng cường theo dõi và giám sát, vận động toàn dân đeo khẩu trang, tăng cường giãn cách xã hội, duy trì đóng cửa trường học và ngừng sản xuất kinh doanh… Những biện pháp này một mặt không thể loại bỏ cơ bản virus, kiểm soát dịch bệnh; mặt khác, lại gây tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội. Nhiều nước do thiếu dứt khoát trong quá trình triển khai thực tế, không thực hiện thường xuyên, nên đã bỏ lỡ cơ hội vàng trong phòng, chống dịch và khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan không ngừng, việc người dân thế giới khao khát có một loại vaccine ngừa virus là điều dễ hiểu. Có nhiều lý do để người dân lạc quan, song sẽ rất nguy hiểm nếu tin rằng việc tiêm vaccine có thể kiểm soát được đại dịch.

Mỹ thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên 360 người tình nguyện

Thực tế cho thấy, hiệu quả của các vaccine cúm trước đây chỉ ở mức 20 đến 60%,  trong khi vaccine sởi là 97%. Do đó, theo giới chuyên gia, vaccine ngừa COVID-19 phải có hiệu quả cao hơn 70% hoặc thậm chí 80% mới có thể giảm xu hướng dịch bệnh. Trong khi đó, vaccine mới đưa vào sử dụng khả năng hiệu quả sẽ chưa cao, tức chỉ giúp làm chậm đại dịch chứ không khiến virus corona biến mất. Hiệu quả của bất cứ loại vaccine nào cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu virus biến đổi không ngừng, hay sản phẩm vaccine đầu tiên đưa ra thị trường chỉ cung cấp khả năng miễn dịch trong ngắn hạn. Điều đáng lo ngại nhất là vaccine sẽ trở thành lời bào chữa cho tâm lý chủ quan, không tôn trọng các quy định giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang – những biện pháp vốn đơn giản những rất hiệu quả để kiểm soát dịch.

Câu hỏi tiếp theo là vấn đề phân phối vaccine công bằng. Trong khi dịch bệnh vốn không có biên giới, đặc biệt trong một thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế có sự gắn kết và tương tác lẫn nhau. Mặc dù tìm mọi cách sớm sở hữu vaccine, các nước giàu tìm vẫn không thể trở thành “thiên đường an toàn” trước virus nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm. Nếu một nhóm các quốc gia, hoặc thậm chí 30 hay 40 quốc gia có được vaccine, nhưng hơn 150 nước khác không có, thì đại dịch này vẫn sẽ hoành hành. Thậm chí chính trong một quốc gia, một nhóm người miễn dịch trong khi dịch bệnh lây lan rộng tại những cộng đồng người nghèo khó thì cuộc chiến vẫn rất phức tạp.

Có thể nói vaccine là một bước tiến lớn giúp người dân hướng tới việc quay trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, các nước có thể vẫn phải tiếp tục cuộc sống “bình thường mới” ít nhất trong vài năm tới. Luôn hi vọng vào những điều tốt đẹp nhưng sẽ tốt hơn nếu các quốc gia chuẩn bị cho thực tế này và lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất.

Cuộc chiến không của riêng ai

Cho đến thời điểm hiện tại, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 800 ngàn người trên khắp thế giới, đẩy nền kinh tế lâm vào suy thoái và ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận dân cư tại các nước. “Cơn sóng thần COVID-19” càn quét khắp các châu lục cũng làm lộ rõ bản chất mâu thuẫn của nền chính trị thế giới. Chính phủ các nước phản ứng theo những cách khác nhau đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm nảy sinh những mâu thuẫn và tranh cãi giữa các quốc gia về nguồn gốc cũng như cách phản ứng đối với đại dịch. Quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine của các nước cũng đang được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, cố gắng vượt lên trước. Điều này trên thực tế đã tạo ra sự ngăn cách, tranh giành và không thừa nhận lẫn nhau. Vì thế mà ngay sau khi Nga công bố vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, dư luận từ Mỹ và một số nước châu Âu đã tỏ ra hoài nghi về sự ra đời và hiệu quả của loại vaccine này. Cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 cũng làm dấy lên nỗi lo về “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, nơi các nước đối đầu nhau, đặt lợi ích riêng lên hàng đầu, thay vì hợp tác chống đại dịch chung.

Tình nguyện viên tiêm thử vaccine tại Trung Quốc

Điều này cho thấy đại dịch COVID-19 đang thử thách sự đoàn kết trong nội bộ xã hội, khả năng ứng phó với khủng hoảng của các chính phủ cũng như sự hợp tác quốc tế nhằm cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy vậy, bên cạnh những bức tranh tối màu vẫn có những điểm sáng hợp tác toàn cầu như chiến dịch ngoại giao khẩu trang giúp đỡ các nước gặp khó khăn do dịch bệnh, các cam kết hỗ trợ các quốc gia kém phát triển bị thiệt hại về kinh tế do COVID-19 hay một kế hoạch thống nhất nhằm khôi phục nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch. Bất chấp nguy cơ chủ nghĩa vaccine dân tộc, nhiều sáng kiến mới ra đời nhằm giúp các nước nghèo có khả năng tiếp cận vaccine công bằng hay hỗ trợ hệ thống y tế của các quốc gia kém phát triển trước tác động của đại dịch. Nổi bật là Sáng kiến Chia sẻ Vaccine Covax do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh cải tiến sẵn sàng  phó đại dịch (CEPI) và Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) đồng bảo trợ. Covax đề ra mục tiêu cho ra lò 2 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021, chủ yếu cung cấp cho khoảng 20% dân số nằm trong diện dễ bị tổn thương bởi COVID-19. Cho đến nay, Sáng kiến đã thu hút sự quan tâm của 80 quốc gia phát triển, trong đó có nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, tài trợ cho chương trình và hơn 90 quốc gia đang phát triển tham gia với hi vọng có thể nhận được sự hỗ trợ, cho thấy sự chung tay của toàn cầu đối phó với đại dịch.

Với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, khi mà nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã kiểm soát thành công đại dịch, nay lại phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới, đang chứng minh một thực tế “không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn”. Việc xóa bỏ đại dịch nghĩa là phải xóa bỏ nó trên phạm vi toàn cầu. Điều này buộc tất cả các nước và khu vực đang gồng mình đối phó suốt 8 tháng qua phải đồng lòng, đoàn kết, kể cả trong tiếp cận vaccine, mới có thể giúp thế giới chiến thắng kẻ thù chung. Đây là một cuộc chiến của trách nhiệm hợp tác và sẻ chia.■

HOÀNG DANH

 Sau khi Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Sputnik-V, Trung Quốc đang bám đuổi sát nút trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19 và ngày 17/8 đã cấp bằng sáng chế vaccine COVID-19 đầu tiên cho ứng cử viên vaccine COVID-19 Ad5-nCOV. Một số công ty như Moderna, AstraZeneca và Pfizer Inc của Mỹ dự kiến mỗi đơn vị sẽ sản xuất hơn 1 tỷ liều vaccine trong năm tới. Công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức cũng không loại trừ thúc đẩy một quy trình phê duyệt nhanh chóng cho loại vaccine mà hãng phát triển và dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào giữa năm 2021. Australia cũng hi vọng sẽ có vaccine vào đầu năm sau nếu các thử nghiệm thành công.

 

 “Nếu toàn bộ người dân Mỹ và châu Âu tiếp nhận vaccine nCoV với hai mũi mỗi người, sẽ cần khoảng 1,7 tỷ liều tổng cộng. Và nếu như chỉ có khoảng 1,7 tỷ liều vaccine được sản xuất, nghĩa là sẽ không có đủ liều cho những nước còn lại. Nếu chỉ có một nhóm nhỏ các quốc gia, khoảng 30-40 nước, có vaccine, nhưng hơn 150 quốc gia còn lại không có, đại dịch vẫn sẽ tiếp diễn ở những quốc gia này” (Ông Seth Berkley, người đứng đầu Liên minh vaccine toàn cầu – Gavi).

 

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *