Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
27049

Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nợ: Người dân có bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid – 19?

Các thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện đang nợ hơn 700 triệu USD nhưng rất khó để tổ chức này quy trách nhiệm cho các quốc gia. Việc này làm cản trở các hoạt động khẩn cấp và đặt WHO vào “mối nguy hiểm lớn” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành mạnh trên toàn cầu.

Mỹ-Trung Quốc được gọi tên

Hai quốc gia chiếm hơn một nửa hội phí thành viên chưa thanh toán là: Mỹ (nợ 196 triệu USD) và Trung Quốc (nợ 57 triệu USD). 151 quốc gia thành viên khác nợ 473 triệu USD. Cho đến nay, có 45 quốc gia thành viên đã thanh toán đầy đủ hội phí trong tất cả các năm; 77 quốc gia chỉ nợ tiền hội phí một năm (chủ yếu là năm 2021) nhưng có tới 74 quốc gia chưa thanh toán từ trước ngày 1-1-2020. Riêng Somalia thì nợ tới 9 năm tiền phí hội viên trong khi nước này chỉ phải trả mức tối thiểu là 4.790 USD/năm.

Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế tại WHO Mike Ryan cảnh báo về việc WHO bị thiếu hụt ngân sách

Hãng PressTV dẫn lời Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế tại WHO – ông Mike Ryan cho hay, việc thiếu hụt tài trợ hơn 70% tổng số tiền đáng lẽ phải nhận được đã khiến tổ chức có nguy cơ không thể duy trì các chức năng cốt lõi cho các ưu tiên khẩn cấp.

Kể từ khi được thành lập, WHO đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế

Vì thiếu thốn, khó khăn đủ bề nên từ tháng 11-2020, WHO đã đình chỉ viện trợ quan trọng của mình cho khoảng 10.000 nhân viên y tế ở Yemen. Trước đó 2 tháng, LHQ cũng đã ra cảnh báo khi viện trợ bị cắt tại 300 trung tâm y tế ở Yemen do thiếu kinh phí. Chưa hết, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8-2020, hơn 1/3 các chương trình nhân đạo quan trọng của LHQ tại một số quốc gia đang xảy ra xung đột đã bị cắt giảm hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn. Lise Grande, điều phối viên nhân đạo của LHQ về Yemen cho biết, chỉ nhận được 1 tỷ USD trong số 3,2 tỷ USD cần thiết phải có…

Hai nguồn tiền của WHO

Giới phân tích nhận định, WHO gặp khó khăn về ngân sách sau khi Mỹ, nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất của tổ chức này, tuyên bố dừng tài trợ và rút khỏi WHO hồi năm ngoái theo quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump. Khi đó, ông Donald Trump cáo buộc WHO phản ứng chậm với đại dịch COVID-19 và quá tin tưởng vào Trung Quốc. Thống kê cho thấy, trong năm 2019, Mỹ đã đóng góp cho tổ chức này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.

Thiếu tiền khiến WHO đứng trước mối nguy hiểm lớn, nhất là khi đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành mạnh trên toàn cầu

Hiện ngân sách của WHO ở mức 4 tỷ USD trong đó có 930 triệu USD được cung cấp bởi các quốc gia thành viên và hơn 3 tỷ USD từ đóng góp tự nguyện. Các quốc gia thành viên đóng góp theo tỷ lệ phần trăm trong GDP (không quá 20%). Còn các khoản đóng góp tự nguyện thì được phân thành 3 loại tuỳ theo trên mức độ linh hoạt của tổ chức trong việc quyết định chi tiêu. Đầu tiên là đóng góp tự nguyện cốt lõi hoàn toàn vô điều kiện, chiếm 3,9%; tiếp đó là quỹ chuyên đề chiếm 6% với các nhà tài trợ chính gồm: Đức, Ủy ban Châu Âu và Nhật Bản; và các khoản đóng góp tự nguyện cụ thể chiếm 90,1% được gắn chặt với các kế hoạch hoặc vị trí địa lý cụ thể và phải được sử dụng trong một khung thời gian nhất định.

Và đường đi của dòng tiền

Thông thường, ngân sách của WHO được phân chia giữa 6 văn phòng khu vực và trụ sở chính ở Geneva, Thuỵ Sĩ. Các quỹ được phân bổ vào các chương trình cơ sở có 6 loại: bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; nâng cao sức khỏe thông qua quá trình sống (về cơ bản là sự kết hợp của các chương trình sức khỏe bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi); hệ thống y tế; các chương trình khẩn cấp về sức khỏe; các dịch vụ công ty bao gồm chi tiêu để cải thiện quản trị, lãnh đạo và quản lý chương trình. Ngoài ra còn có các dòng ngân sách riêng cho các chương trình đặc biệt như nghiên cứu bệnh nhiệt đới và một bộ phận nghiên cứu khoa học mới được giới thiệu vào năm 2019; một dòng ngân sách dành cho việc loại trừ bệnh bại liệt. Bên cạnh đó, ngân sách WHO còn được được sử dụng để tư vấn khoa học và kỹ thuật cho các chính phủ. Trong số các văn phòng khu vực của WHO, văn phòng ở châu Phi nhận được phần ngân sách cao nhất dành cho các chương trình cơ sở, tiếp theo là Đông Địa Trung Hải (chủ yếu là các quốc gia ở Tây Á và Bắc Phi) và Đông Nam Á.

WHO có trụ sở chính ở Geneva, Thuỵ Sĩ

Cụ thể, gần 1/3 ngân sách cho 6 hạng mục chương trình cốt lõi được giữ lại tại trụ sở chính của WHO, nơi diễn ra hầu hết các nghiên cứu khoa học, điều phối và biên soạn bằng chứng toàn cầu. Các bệnh truyền nhiễm nhận được số tiền tài trợ cao nhất là 805 triệu USD trong giai đoạn 2018-2019, 36% trong số đó được chi ở châu Phi. Các chương trình tăng cường hệ thống y tế, bao gồm hỗ trợ phát triển các chiến lược y tế quốc gia, hệ thống thông tin y tế và các dịch vụ y tế thiết yếu nhận được 590 triệu USD. Chương trình cấp cứu y tế cũng nhận được 554 triệu USD, phần lớn được chi cho châu Phi và Tây Á.

S.Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *