Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
66514

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát quyền lực

Tình trạng suy thoái ở cán bộ, đảng viên trên thực tế chính là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng mất dần đi cái tốt, tăng dần cái xấu, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng cách mạng, xuống cấp về đạo đức, lối sống. Theo nhận định tại các kỳ đại hội Đảng gần đây, số đảng viên mất tư cách hoặc yếu kém về tư cách có xu hướng tăng, từ “một bộ phận” trở thành “một bộ phận không nhỏ”, diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Những hệ lụy từ sự suy thoái

Tình trạng suy thoái ở cán bộ, đảng viên trên thực tế chính là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng mất dần đi cái tốt, tăng dần cái xấu, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng cách mạng, xuống cấp về đạo đức, lối sống. Theo nhận định tại các kỳ đại hội Đảng gần đây, số đảng viên mất tư cách hoặc yếu kém về tư cách có xu hướng tăng, từ “một bộ phận” trở thành “một bộ phận không nhỏ”, diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Cần có những thiết chế hiệu quả trong kiểm soát quyền lực

Các biểu hiện suy thoái liên quan đến thực thi quyền lực nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất đa dạng, như: nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy tội; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… Có những cán bộ lãnh đạo bị các doanh nghiệp, “đại gia”, “xã hội đen” thao túng, chi phối, khống chế làm méo mó việc thực thi quyền lực. Vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) cùng đồng phạm là minh chứng về việc cán bộ bị thao túng khi thực thi quyền lực xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Tình trạng suy thoái lây lan từ công tác cán bộ, quản lý tài sản, tiền bạc, đất đai, quản lý dự án, hải quan, cảnh sát, thanh tra thuế cho đến các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm tra, điều tra. Chức vụ càng cao, quyền lực càng lớn thì sự suy thoái gây ra hậu quả càng nặng nề, tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, lãng phí, tiêu cực phát triển.

Thực tế cho thấy, có những cán bộ giữ chức vụ cao, thường yêu cầu cấp dưới và quần chúng phải giữ gìn đạo đức, lối sống, nhưng bản thân và người nhà không chấp hành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đến khi hành vi của những cán bộ này bị phơi bày, công chúng mới biết họ đã bị suy thoái, tha hóa, biến chất. Bất cứ ở đâu, khi việc thực thi quyền lực không được kiểm soát đúng đắn, tất yếu dẫn tới sự tha hóa và lạm quyền.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát

Trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, nhiều giải pháp đột phá được thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước được siết chặt, tạo chuyển biến thực chất trong hoạt động thực thi quyền lực. Trung ương đã ban hành nhiều quy định, bao trùm nhiều lĩnh vực như trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; luân chuyển cán bộ; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng… Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, củng cố hành lang pháp lý cho việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức, ngăn chặn tình trạng sử dụng quyền lực không đúng phạm vi, trách nhiệm.

Trung ương tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên đề, trong đó có những nội dung mới, khó như công tác tổ chức cán bộ, việc xét xử các vụ án, vụ việc, thu hồi tài sản do tham nhũng. Toàn quốc đang tích cực triển khai các nội dung của Nghị quyết trung ương 6, khóa XII với cách làm đa dạng. Hệ thống chính trị được tinh gọn một bước, chú trọng hiệu lực, hiệu quả. Việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, thu gọn đầu mối được thực hiện kiên quyết, gắn với tinh giản biên chế và công tác tổ chức, sắp xếp lại cán bộ. Chính phủ và các địa phương đã tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước, qua đó chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo ra chuyển động tích cực.

Việc bố trí người đứng đầu, cán bộ chủ chốt không là người địa phương trong những năm gần đây góp phần hạn chế tư tưởng cục bộ, bè phái, khép kín trong công tác cán bộ. Hoạt động của các cấp ủy đảng có nhiều thay đổi theo hướng phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Công tác giáo dục cán bộ, đảng viên được coi trọng, nhất là thông qua tự phê bình và phê bình. Một số địa phương, cơ quan mạnh dạn miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ kém phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Quy chế làm việc của các cấp ủy được rà soát, bổ sung thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh ủy, thành ủy xây dựng, rà soát các quy định về phân cấp quản lý cán bộ; về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch cán bộ. Một số địa phương tăng cường luân chuyển cán bộ; đổi mới cách đánh giá cán bộ, tổ chức đảng và đảng viên. Đáng chú ý là hoạt động đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp với nhân dân trở thành cách làm phổ biến, đem lại hiệu quả cao.

Trong 3 năm qua, cấp ủy Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 800 tổ chức đảng và hơn 53 nghìn đảng viên vi phạm. Trong số đó có hơn 70 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, sĩ quan cấp tướng trong quân đội và công an, một số người bị truy tố; hàng loạt vụ án lớn được đưa ra xét xử. Việc thi hành kỷ luật Đảng bảo đảm nghiêm minh, công tâm, khách quan, chính xác và nhân văn, thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí và công luận.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng vấn đề, vụ việc. Sự kiên định, ý chí sắt đá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sức nóng từ “lò đốt tham nhũng” ở Trung ương đã lan tỏa đến các địa phương, nâng cao tính chiến đấu trong Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Để buộc cán bộ phải giữ liêm chính, cần ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý để nhân dân kiểm tra, giám sát cán bộ của Đảng và hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng cần bảo đảm sự độc lập của tư pháp, nhất là độc lập của thẩm phán trong hoạt động xét xử, không để pháp luật bị bóp méo theo ý đồ của những người có chức, có quyền, có tiền. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Cần có sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, sự giám sát của nhân dân đối với Nhà nước, 3 nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phải giám sát lẫn nhau một cách chặt chẽ.

Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. Cần hoàn thiện hệ thống các quy định về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, bảo đảm đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trong giai đoạn hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực không thể tách rời công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Bên cạnh việc tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách về kinh tế – xã hội và PCTN, lãng phí, cần xây dựng mô hình tổ chức, cơ quan, đơn vị chuyên trách PCTN bảo đảm sự ổn định, có quyền hạn, trách nhiệm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Bảo đảm tốt hơn phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức. Cần chú trọng PCTN trong các cơ quan chống tham nhũng.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

Thực tế yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền.

Trước hết, đối với cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các bộ phận của hệ thống chính trị, cần được xây dựng với phương châm “ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát”. Để cán bộ, đảng viên giữ được liêm chính, nhất thiết phải có những khuôn khổ pháp luật bảo đảm kiểm soát lẫn nhau giữa các tổ chức, cơ quan, bộ, ngành, kiểm soát giữa trong và ngoài, giữa trên và dưới một cách chặt chẽ, hiệu quả. Mặt khác, cần khắc phục những khâu yếu, khoảng trống trong cơ chế kiểm soát quyền lực.

Trong thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Việc giám sát lẫn nhau giữa các tổ chức, cơ quan ở địa phương gặp không ít khó khăn do các mối quan hệ xã hội phức tạp. Xuất hiện tình trạng phổ biến là cán bộ cùng trong cấp ủy nể nang, xuê xoa cho nhau, chưa tạo ra thế cân bằng giữa các nhánh quyền lực tại địa phương. Đã đến lúc cần cơ cấu lại các định chế kiểm soát quyền lực ở ba cấp tỉnh, huyện, xã, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát lẫn nhau giữa các chủ thể.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về việc nhân dân tham gia vào quá trình quản lý xã hội ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm điều kiện để hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể thực chất hơn và có hiệu lực cao hơn. Hoạt động lập pháp cần chú trọng xây dựng hành lang pháp lý để nhân dân, báo chí có thể theo dõi, giám sát, phản biện, đấu tranh với các hành vi sai trái.

Về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn, cần làm rõ những vấn đề về kiểm tra, giám sát quyền lực để xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, tuân thủ pháp luật. Mục đích của kiểm soát việc thực thi quyền lực không gì khác là bảo đảm những người có chức, có quyền tuân thủ pháp luật, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý phải được trao quyền một cách rõ ràng, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người đứng đầu điều hành, quản lý. Công tác kiểm soát hay quản lý cán bộ đều phục vụ mục tiêu giải phóng sức sáng tạo, cổ vũ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hết sức trông đợi những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, khẩn trương loại bỏ lối sống đạo đức giả trong xã hội. Đây là công việc nặng nề, liên quan đến toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, cần những chính trị gia trí tuệ, nhiệt huyết với đất nước, với nhân dân.■

Th.S HÀ HỒNG HÀ

Trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta, việc kiểm soát quyền lực phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Một mặt phải củng cố sự cân bằng quyền lực giữa các chủ thể: giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; giữa hành pháp, tư pháp với lập pháp; giữa các cơ quan trong hệ thống tư pháp với nhau; giữa các cơ quan trong hệ thống hành pháp với nhau, để không có bộ phận, cơ quan nào tự ý hành động mà không bị kiểm soát.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *