Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
52214

“Không phải chỉ là một sự tình cờ”!

“Sự tiến bộ chung của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ quả thực rất xuất sắc, nhưng đó không phải là một sự tình cờ. Tất cả những gì đạt được đều dựa trên sự can đảm, tinh thần thiện chí và công sức to lớn của những người đi trước. Và “mắt xích” đầu tiên trong chuỗi hành trình đó chính là sự sẵn lòng của Chính phủ Việt Nam trong việc hợp tác với Hoa Kỳ để tìm kiếm các binh sĩ của chúng tôi mất tích thời gian chiến tranh”. Đó là những điều mà cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson, người có đóng góp quan trọng vào tiến trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chia sẻ

“Mắt xích” mà ông Pete Peterson nhắc đến được thiết lập từ năm 1985, khi Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức hoạt động hiện trường đầu tiên để tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh (MIA), dù hợp tác thực sự đã bắt đầu từ trước đó với các cuộc thảo luận cấp cao giữa hai nước trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 6-2019, hai bên đã tổ chức nhiều đợt hoạt động hỗn hợp, tìm kiếm được 727 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Quan trọng hơn, như Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nói, quá trình hợp tác về MIA đã giúp hai nước hiểu rõ hơn thiện chí của nhau để từ đó thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống D. Trump

Lần giở lại những tài liệu về thành quả hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân may mắn tìm lại được tấm ảnh chụp lá thư của bà Ann Mills-Griffiths, Giám đốc điều hành Liên đoàn các gia đình MIA Hoa Kỳ gửi tới Lễ kỷ niệm 30 năm hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội, tháng 12-2018). Trong thư bà viết: “Như các ông đã biết, chúng tôi rất may mắn khi khai quật và nhận dạng hài cốt của anh trai tôi, Chỉ huy James B.Mills, Lực lượng Dự bị Hải quân Mỹ, sau gần 52 năm kể từ khi anh trai tôi mất tích vào ngày 21-9-1966 khi bay trên một chiếc F4B Phantom từ tàu sân bay USS Coral Sea. Điều này thật kỳ diệu. Giống như 990 gia đình Hoa Kỳ khác có quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam đã rất may mắn, gia đình Mills rất biết ơn những người đã làm việc nỗ lực trong bốn thập kỷ qua để mang lại những kết quả như vậy”.

Kể từ sau chiến tranh, Việt Nam coi việc khôi phục, định danh và quy tập hài cốt Bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh là vấn đề quan trọng. Giải quyết hậu quả và các vấn đề nhân đạo sau chiến tranh cũng là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thế nhưng đến nay, vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ của Việt Nam chưa được quy tập hài cốt. Các chương trình tìm kiếm cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ vì số lượng hài cốt mà còn bởi sự hạn chế về khả năng phân tích DNA, thông tin về địa lý nhằm xác định vị trí hài cốt…

Từ đề xuất của phía Việt Nam, đến nay Hoa Kỳ đang mở rộng đáng kể sự hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong tìm kiếm, quy tập hài cốt Bộ đội Việt Nam mất tích, hy sinh trong chiến tranh. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11-2019 và hội đàm với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cam kết thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ dành cho Việt Nam sự hỗ trợ tích cực hơn trong hoạt động này. Và việc VNOSMP cùng USAID ký bản ghi nhớ ý định về hợp tác nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật định danh hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh có thể coi như một sự kiện nhằm hiện thực hóa cam kết đó. Bởi theo thỏa thuận này, USAID sẽ cung cấp cho Việt Nam công nghệ hiện đại và tốt nhất để phân tích và tách chiết ADN, hợp tác với Việt Nam để tăng cường hiệu quả và hiệu suất của các phòng xét nghiệm của Việt Nam, với mục tiêu cuối cùng là tăng số lượng hài cốt bộ đội Việt Nam được đoàn tụ chính xác với gia đình. MIA cũng dẫn đến những mắt xích tiếp theo-những công việc mà chính phủ và nhân dân hai nước đang nỗ lực hoàn thành với quyết tâm cao nhất. Đó là rà phá, loại bỏ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, là các dự án tẩy độc da cam/dioxin, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật…

25 năm hợp tác, bình thường hóa quan hệ, rõ ràng “phép màu” dành cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ quả thực không đến từ sự tình cờ!

VŨ HÙNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *