Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28240

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine Kỳ 2: Vì sao là Donbas?

Phát biểu tại cuộc họp bất thường Hội đồng An ninh Nga đêm 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt chỉ trích quyết định này và liên tiếp có những cuộc họp an ninh khẩn. Căng thẳng ở Donbas trước đó đã gia tăng khi lực lượng ly khai và quân đội Ukraine nổ súng vào nhau, vượt qua ranh giới kiểm soát, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn diện.

Một tòa nhà bị hư hại ở thành phố tiền tuyến Marinka, miền Đông Ukraine

Donetsk và Luhansk là một phần của khu vực Donbas nơi người nói tiếng Nga chiếm đa số và hiện do lực lượng ly khai Ukraine kiểm soát. Mọi chuyện bắt đầu từ “Cách mạng Maidan” hồi tháng 2-2014, khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bỏ trốn khỏi Kiev sau nhiều tháng đối mặt với biểu tình bạo lực trên đường phố. Xung đột nhanh chóng bùng phát ở miền Đông Ukraine. Ngày quan trọng nhất trong lịch trình về việc Ukraine mất quyền kiểm soát Donetsk và Luhansk là 6-4-2014. Vào ngày đó, vài nghìn người biểu tình đã chiếm giữ tòa nhà chính quyền khu vực Donetsk, giương cao lá cờ nhà nước Nga trên đó. Lực lượng cảnh sát địa phương bảo vệ tòa nhà đã có rất ít phản kháng. Đơn vị được cử đến để dọn dẹp tòa nhà, đứng đầu là Tướng cảnh sát Vitaly Yarema, Phó Thủ tướng Ukraine thời điểm đó cũng từ chối xông vào. Cùng ngày, một đám đông (các nguồn tin của cả hai bên cho biết lên đến 5.000 người) đã xông vào chi nhánh Luhansk của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU). Phụ nữ và thanh thiếu niên dẫn đầu cuộc tấn công và cảnh sát tránh sang một bên trong khi các sĩ quan SBU giữ tòa nhà trong hơn 6 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, những nhóm người này đã tuyên bố thành lập nhà nước độc lập vào tháng 5-2014 với tên gọi Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk.

Donetsk và Luhansk có diện tích khoảng 11.000km2 và trước chiến tranh được biết đến với ngành công nghiệp nặng cùng khai thác than. Donetsk – thành phố lớn nhất trước đây có sân bay quốc tế và từng tổ chức các trận đấu trong thời gian diễn ra giải vô địch Uefa Euro 2012. Cuộc giao tranh đã phá hủy sân bay và khiến các vùng lãnh thổ gần như bị chia cắt khỏi phần còn lại của Ukraine trong tình trạng kinh tế tồi tệ. Sau khi tự xưng thành nước cộng hoà, hai khu vực cùng nhau tự gọi mình là “Novorossiya” (Nước Nga mới) —hồi sinh một thuật ngữ từng được dùng để chỉ lãnh thổ miền Nam Ukraine do đế quốc Nga chinh phục hồi thế kỷ 18. Chính phủ Ukraine đã tuyên bố rằng hai khu vực trên thực tế là do Nga chiếm đóng và các nước cộng hòa tự xưng không được chính phủ nào công nhận. Ukraine cũng từ chối đối thoại trực tiếp với một trong hai nước cộng hòa ly khai.

Thỏa thuận Minsk II năm 2015 dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn mong manh và xung đột chuyển thành chiến tranh tĩnh dọc theo Đường liên lạc chia cắt chính phủ Ukraine và các khu vực do phe ly khai kiểm soát. Thoả thuận Minsk (được đặt tên theo thủ đô của Belarus nơi diễn ra ký kết) cấm vũ khí hạng nặng gần Đường liên lạc. Ngôn ngữ xung quanh cuộc xung đột bị chính trị hóa nặng nề. Chính phủ Ukraine gọi lực lượng ly khai là “những kẻ xâm lược” và “những kẻ chiếm đóng”. Truyền thông Nga thì gọi lực lượng ly khai là “dân quân” và khẳng định rằng họ là những người dân địa phương tự vệ chống lại chính quyền Kiev. Thống kê cho thấy, hơn 14.000 người đã chết trong cuộc xung đột ở Donbas kể từ năm 2014. 1,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ, trong đó hầu hết ở lại các khu vực Donbas vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine và khoảng 200.000 người tái định cư ở khu vực Kiev rộng lớn hơn. Hiện khu vực này chỉ còn dưới 3 triệu người, 38% trong số đó hết tuổi lao động.

Trước ngày 21-2, về mặt chính thức, Moscow vẫn coi hai quốc gia này là một phần của Ukraine và không công nhận nền độc lập, nhưng họ có giao thiệp chân tình với các cấp lãnh đạo của 2 quốc gia tự xưng này. Nhưng hôm 15-2, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã thông qua nghị quyết do Đảng Cộng sản Nga đề xuất công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk (với 351 phiếu ủng hộ, 16 phiếu chống và 1 phiếu trắng), đồng thời trình lên Tổng thống Vladimir Putin xem xét. Đêm 21-2, ông Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận 2 nước cộng hoà tự trị này. Trước đó, Nga khẳng định rằng họ không có binh sĩ ở Donbas, nhưng giới chức Mỹ, NATO và Ukraine cáo buộc Moscow cung cấp cho lực lượng ly khai các hỗ trợ tư vấn và thông tin tình báo, đồng thời đưa các sĩ quan của chính mình vào hàng ngũ của họ. Moscow cũng đã phát hàng trăm nghìn hộ chiếu Nga cho người dân ở Donbas trong những năm gần đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, ban đầu Nga tán thành ý tưởng công nhận nền độc lập của hai vùng Donetsk và Lugansk nhưng không sáp nhập lãnh thổ vì hai khu vực này cung cấp cho Moscow đòn bẩy quan trọng trong trận chiến với Kiev. Nga muốn các vùng lãnh thổ này được tái nhập vào Ukraine, với việc các nhà lãnh đạo của họ có quyền phủ quyết đối với các quyết định chính sách đối ngoại lớn, chẳng hạn như việc gia nhập NATO. Thứ nữa là nhiều người Nga không cảm thấy có mối quan hệ mạnh mẽ với Donbas trong khi họ lại coi Crimea là một phần quan trọng trong lịch sử văn hóa và hạm đội Biển Đen của Nga đóng ở đó. Nhưng thời gian gần đây, chính quyền Moscow chịu sức ép về việc NATO tăng tốc mở rộng việc Ukraine gia nhập khối này nên đã có những bước tính toán mới. Và theo sắc lệnh được ký bởi Tổng thống Vladimir Putin, Nga có quyền xây dựng căn cứ quân sự tại hai vùng lãnh thổ ly khai ở Ukraine dựa theo thỏa thuận mới với thủ lĩnh của các nhóm ly khai này. Ngoài ra, Nga và hai vùng ly khai cũng có kế hoạch ký các thỏa thuận khác về hợp tác quân sự và bảo vệ biên giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *