Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
64539

Xung đột Nga-Ukraine và lập trường ngoại giao của Việt Nam (2)

Cuộc xung đột Nga – U-crai-na trên mặt trận quân sự, thông tin truyền thông, kinh tế, thương mại, tài chính… đã tác động sâu sắc tới toàn bộ cục diện an ninh, kinh tế, chính trị và xã hội ở  khu vực châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung. Cuộc xung đột giữa Nga – U-crai-na không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn trên các mặt trận chính trị – ngoại giao – pháp lý, truyền thông – thông tin và kinh tế – thương mại – tài chính. Bên cạnh những diễn biến chính trên thực địa và các biện pháp trừng phạt về kinh tế – thương mại – tài chính mà Mỹ, phương Tây và các nước đồng minh nhằm vào Nga với số lượng và mức độ chưa từng có, cuộc chiến trên mặt trận chính trị – ngoại giao và truyền thông – thông tin đối với sự việc này cũng hết sức quyết liệt.

Kể từ khi xung đột giữa Nga và U-crai-na xảy ra, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức của mình, kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, của các tổ chức, cá nhân thù địch, chống đối liên tục đăng tải tin, bài phản ánh không chính xác về tình hình Nga và U-crai-na; suy diễn, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, từ đó hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt Nam. Để giải thích lập trường của Việt Nam đố với cuộc xung đột này, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc nghiên cứu khá đầy đủ, khách quan về diễn biến và nguyên nhân của cuộc chiến này.

PHẢN ỨNG CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ

Nhiều nước, nhất là các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây, bày tỏ thái độ phản đối, thậm chí lên án Tổng thống Nga V. Pu-tin với những từ ngữ như “độc tài”, “tội phạm chiến tranh”, “xâm lược”, “hành động không thể biện hộ”, “coi thường Liên Hợp quốc”, “thế giới sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm” … Cùng với đó, Mỹ và các nước phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nặng nề nhằm vào nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Nga; tẩy chay quy mô lớn trên mọi lĩnh vực từ tài chính , đầu tư thương mại đến giao thông vận tải, thể thao; đồng thời gửi viện trợ cả về tài chính và thiết bị quân sự cho U-crai-na… Mỹ, Pháp, Ca-na-đa, Ý, Anh, Ủy ban châu Âu (EC), Đức, Nhật Bản loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; Liên minh châu Âu đồng ý các biện pháp trừng phạt nhằm vào 70% thị trường tài chính Nga; Anh đóng băng tài sản đối với tất cả các ngân hàng lớn của Nga… Hàng loạt các công ty phương Tây kinh doanh trên các lĩnh vực như bán lẻ, công nghệ, tư vấn, năng lượng, giải trí, ô tô…tuyên bố ngừng hoạt động tại Nga. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) khuyến cáo các cơ quan, liên đoàn thể thao trên thế giới loại bỏ các vận động viên Nga và Bê-la-rút khỏi các sự kiện quốc tế; FIFA và UEFA quyết định gạch tên các đội tuyển Nga khỏi mọi giải đấu quốc tế, đội tuyển Nga bị loại khỏi vòng play-off World Cup 2022…

Liên Hợp quốc (LHQ) nhận định thế giới đang đối mặt với thời khắc nguy hiểm, xung đột vũ trang này sẽ để lại “những hậu quả tàn khốc với U-crai-na, với Nga” cũng như những hậu quả khôn lường với nền kinh tế toàn cầu – vốn đã bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 . Tổng thư ký LHQ An-tô-ni-ô Gu-tê-rết kêu gọi Tổng thống Pu-tin ngăn quân đội tấn công U-crai-na, tạo cơ hội cho hòa bình. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Áp-đu-la Sa-hít nhấn mạnh cuộc tấn công quân sự do Nga phát động đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của U-crai-na, khẳng định hành động này “không phù hợp” với Hiến chương LHQ. Ngày 25/02/2022, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thảo luận về dự thảo Nghị quyết lên án “hành động gây hấn” của Nga, tuy nhiên không được thông qua do Nga phủ quyết và Trung Quốc, Ấn Độ, UAE bỏ phiếu trắng. Tại phiên họp đặc biệt Đại hội đồng LHQ ngày 02/3/2022, có 141/193 nước (chiếm tỷ lệ 73%) bỏ phiếu tán thành Nghị quyết về Hành động gây hấn của Nga đối với U-crai-na, yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt hành động quân sự, rút quân khỏi U-crai-na[1]. Ngày 24/3/2022, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết yêu cầu bảo đảm quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo và bảo vệ thường dân tại U-crai-na[2]. Ngày 07/4/2022, Đại hội đồng LHQ tiếp tục thông qua Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền của Nga, với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng[3]. Đây là lần đầu tiên 1 trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an bị đình chỉ tư cách thành viên trong một cơ quan của LHQ. Tuy nhiên, Nga chủ động tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền và cho rằng “đây là một bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị, nhằm trừng phạt một quốc gia thành viên LHQ có chủ quyền hiện đang theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập”.

Một số quốc gia giữ quan điểm trung lập, trong đó có Trung Quốc, không phản đối nhưng cũng không công khai ủng hộ hành động can thiệp quân sự của Nga tại U-crai-na. Trung Quốc khẳng định lập trường tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thố của các nước, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng cho rằng cần tính đến quan ngại an ninh chính đáng của Nga và phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ và đồng minh đối với Nga. Nguyên nhân có thể do Trung Quốc lo ngại những hệ lụy về chính trị, pháp lý có thể tác động đến an ninh của Trung Quốc, kích động tư tưởng ly khai ở một số khu vực, như: Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Công. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (20/3) nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn ủng hộ duy trì hòa bình và phản đối chiến tranh… Lập trường của Trung Quốc là khách quan, công bằng và phù hợp với mong muốn của hầu hết các quốc gia.” Trung Quốc cũng thực hiện hỗ trợ nhân đạo 5 triệu NDT cho U-crai-na và dự kiến tăng thêm 10 triệu NDT thông qua Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (20/3) cho biết, Trung Quốc sẽ gửi hàng viện trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng vì cuộc xung đột. “Điều Trung Quốc đang làm là gửi lương thực, thuốc, túi ngủ và sữa bột, không phải vũ khí hay đạn dược cho bất kỳ bên nào, chúng tôi phản đối chiến tranh”.

Phản ứng chung của nhóm này là kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; không thực hiện các biện pháp cấm vận, trừng phạt Nga.

Số ít nước thể hiện ủng hộ Nga, bao gồm Bê-la-rút, CHDCND Triều Tiên, Ni-ca-ra-gua, Vê-nê-zu-ê-la, Si-ry, Mi-an-ma. Tuy nhiên, khi bỏ phiếu tại phiên họp đặc biệt Đại hội đồng LHQ, Vê-nê-zu-ê-la không tham gia bỏ phiếu, Ni-ca-ra-gua bỏ phiếu trắng.

Các nước ASEAN bày tỏ quan ngại, mong muốn tình hình U-crai-na sớm ổn định, kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy đối thoại. Ngày 27/02/2022, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra tuyên bố kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng U-crai-na.[4] Trong các nước ASEAN, Xin-ga-po và In-đô-nê-xi-a công khai lên án Nga. Xin-ga-po đơn phương áp đặt một số biện pháp cấm vận, trừng phạt đối với Nga. Thái Lan duy trì quan điểm trung lập. Cam-pu-chia và Ma-lai-xi-a kêu gọi “dùng biện pháp ngoại giao để phục hồi hòa bình ở U-crai-na”. Đối với cả 3 nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về “lên án Nga”, “tình hình nhân đạo tại U-crai-na” và “đình chỉ tư cách thành viên”, Việt Nam và Lào 02 lần bỏ phiếu trắng và 01 lần bỏ phiếu chống, trong khi các nước thành viên khác của ASEAN đa số bỏ phiếu thuận với hai Nghị quyết đầu và bỏ phiếu trắng với Nghị quyết mới nhất ngày 07/4/2022[5].

Trong khi đó, Tổng thống Nga V. Pu-tin nhấn mạnh giải pháp hòa bình của U-crai-na chỉ khả thi khi “lợi ích an ninh hợp pháp của Nga được đảm bảo”[6]. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Xéc-gây Sôi-gu tuyên bố quân đội Nga sẽ tấn công “cho đến khi nào đạt được toàn bộ mục tiêu”; tuy nhiên khẳng định quân đội Nga không có ý định chiếm đóng U-crai-na và nhấn mạnh các lực lượng của nước này sẽ làm mọi thứ để đảm bảo tính mạng người dân.

PHẢN ỨNG TRUYỀN THÔNG QUỐC TẾ

Các cuộc biểu tình chống chiến tranh, phản đối Nga xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới với các khẩu hiệu đoàn kết, ủng hộ U-crai-na, kêu gọi Nga chấm dứt hành động quân sự, kêu gọi các chính phủ có hành động cứng rắn hơn với Nga,… Đáng chú ý xuất hiện các cuộc biểu tình ngay tại một số thành phố lớn của Nga. Nhiều tổ chức dân chủ cánh tả truyền thống[7], mạng lưới hòa bình đoàn kết hữu nghị và tổ chức thành viên các nước[8] đã nhanh chóng ra các tuyên bố bày tỏ quan điểm, thư kêu gọi và tổ chức nhiều cuộc thảo luận trực tuyến để chia sẻ quan điểm về cuộc xung đột.

Nhìn chung, dư luận quốc tế đều đánh giá hành động quân sự của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế, yêu cầu các bên chấm dứt ngay bạo lực và ngồi lại đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình thay cho các biện pháp quân sự. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm trung lập, đa chiều hơn, vừa phản đối hành động quân sự của Nga, vừa lên án hành động của NATO, Mỹ (mở rộng về phía Đông, tạo các liên minh quân sự và vòng vây bao quanh Nga) và U-crai-na (không thực hiện thỏa thuận Min-xcơ, coi đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc xung đột).

Trên thế giới, các hãng truyền thông lớn đều theo dõi chặt chẽ động thái, diễn biến tình hình xung đột quân sự Nga – U-crai-na; thông tin liên tục về phản ứng của các bên liên quan, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó chủ yếu là chỉ trích Nga, tô đậm “sự ác liệt” trong diễn biến chiến sự tại U-crai-na với số lượng và tần suất lớn. Ngoài ra là các bài phân tích, đánh giá về những tác động của cuộc xung đột đối với chính trị và kinh tế thế giới.

Tại Trung Quốc, truyền thông thể hiện trạng thái “trung lập” rất rõ: (i) Không đưa tin về các cuộc biểu tình, kiến nghị phản đối chiến tranh, sự tàn khốc của xung đột; (ii) tập trung đưa tin về cuộc sống của công dân Trung Quốc, cộng đồng người Hoa tại U-crai-na nhằm thể hiện Nhà nước luôn bên cạnh đồng hành với người dân và giữ hình ảnh của Nga đối với người Trung Quốc.

Phía Nga liên tục truyền đi thông điệp rằng đây là “cuộc chiến không thể tránh khỏi”, cáo buộc NATO tiến sát biên giới Nga trong suốt 30 năm qua bất chấp mọi nỗ lực đàm phán; tuyên truyền U-crai-na gây ra thảm sát đối với người nói tiếng Nga ở Donbass, đe dọa trực tiếp tới “lợi ích an ninh hợp pháp” của Nga. Đồng thời, lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây và tuyên bố đáp trả. Mặc dù xuất hiện một số cuộc biểu tình phản đối chiến tranh tại Nga, tuy nhiên theo số liệu thăm dò dư luận do Quỹ Dư luận công của Nga thực hiện vào ngày 27/02/2022, có 65% số người được hỏi ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga, 17%  phản đối; 69% ủng hộ quyết định công nhận độc lập của Đôn-nét-xcơ và Lu-gan-xcơ, 8% phản đối. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pu-tin từ 64% (ngày 20/02) lên 71%. Cùng với đó là một số cuộc biểu tình ủng hộ Nga tại các nước như Xéc-bi, Môn-tê-nê-grô, Ác-mê-ni-a, Trung Phi, Xi-ri, Li-băng…

Sau hai tháng xung đột, ở cuộc chiến truyền thông, có thể thấy truyền thông phương Tây thể hiện ưu thế và áp đảo truyền thông Nga về mọi mặt. Xuất hiện nhiều thông tin giả, thiếu xác thực về chiến dịch quân sự của Nga ở U-crai-na. Trong đó, đáng chú ý là những cáo buộc thảm sát nhân đạo (như sự kiện tại Bucha)[9] và không loại trừ đây là một phần trong chiến lược truyền thông nhằm lôi kéo sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế, hạ bệ uy tín và “cô lập” Nga. Khó có thể xác định độ chính xác của thông tin về tình hình chiến sự, tổn thất, thương vong của các bên.

Một số trang tin Việt ngữ của báo chí phương Tây như BBC, RFA, RFI trong thời gian đầu của cuộc xung đột có nhiều bài viết chỉ trích Tổng thống Nga, bình luận về cái gọi là “tâm lý cuồng Nga” ở Việt Nam; nhận xét báo chí Việt Nam “đi chệch lối mòn ủng hộ Nga” do nhiều tư tưởng “phương Tây hóa” đã xâm nhập vào trong nước; khai thác quan điểm cá nhân của một số tướng lĩnh Việt Nam phân tích lý do Nga “phải” tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, cho rằng đây là những ý kiến “ủng hộ Nga xâm lược U-crai-na”; công kích việc “Việt Nam bỏ phiếu trắng” tại Phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ và chỉ trích “trong cả khối ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng”, “thái độ chung của xã hội và chính thể Việt Nam về khủng hoảng U-crai-na là không rõ ràng”.

Sau Phiên họp của Đại hội đồng LHQ (23 – 24/3/2022), trên báo chí, truyền thông phương Tây đã xuất hiện nhiều ý kiến tích cực hơn, một số bài viết, bình luận đưa nhận định cho rằng Việt Nam đang “bỏ phiếu dựa trên lợi ích quốc gia”; đây là “ứng xử khôn ngoan của Việt Nam”; dẫn đăng quan điểm của Việt Nam bày tỏ hy vọng chấm dứt chiến tranh, khôi phục hòa bình vì lợi ích của dân thường. Tuy nhiên, sau Phiên họp của Đại hội đồng LHQ (ngày 07/4/2022), các trang tin Việt ngữ của báo chí phương Tây nêu trên lại tiếp tục có những bình luận thiếu tích cực, xuyên tạc, cho rằng “Việt Nam bỏ phiếu chống vì bị Nga đe dọa”, “Việt Nam muốn thân thiện với Nga để tranh thủ hợp tác dầu khí ở Biển Đông và đối phó với Trung Quốc nếu chiến tranh xảy ra”; “Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong vận động vào Hội đồng Nhân quyền LHQ sắp tới”… Những quan điểm thiếu tích cực, xuyên tạc này được một số tài khoản mạng xã hội chống đối dẫn đăng, chia sẻ, bình luận.

Do đã dự báo trước tình hình, từ sự chủ động, định hướng kịp thời của các cơ quan chức năng, ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu tại Phiên họp của Đại hội đồng LHQ (23 – 24/3/2022), các đơn vị liên quan, báo chí, truyền thông trong nước đã triển khai đăng tải thông tin theo đúng chỉ đạo, chiếm lĩnh được mặt trận thông tin, tuyên truyền, đảm bảo phản ánh chính xác, đúng đắn chủ trương, quan điểm của Việt Nam trong các diễn biến sự việc.

PHẢN ỨNG CỦA TRUYỀN THÔNG VÀ DƯ LUẬN VIỆT NAM

Báo chí, truyền thông trong nước đặc biệt quan tâm đến cuộc xung đột Nga – U-crai-na, đăng tải thông tin với tần suất, liều lượng cao (nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột) nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Về cơ bản, báo chí trong nước tuân thủ các định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Ngoại giao, trong đó chú trọng thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quan điểm, lập trường của Việt Nam liên quan đến cuộc xung đột; tình hình công dân Việt Nam tại U-crai-na và công tác bảo hộ công dân của Việt Nam. Ngoài ra, các nội dung khác cũng được tập trung khai thác, phản ánh gồm: (i) cập nhật tình hình xung đột diễn ra tại U-crai-na; (ii) phản ánh cuộc sống của người dân U-crai-na thời điểm hiện tại; (iii) trích đăng ý kiến của các chuyên gia quốc tế phân tích và dự báo về tình hình chiến sự; (iv) trích đăng quan điểm của các nước trên thế giới về chiến dịch quân sự của Nga đối với U-crai-na; (v) thông tin, phân tích về ảnh hưởng của xung đột Nga – U-crai-na đối với thế giới và Việt Nam.

Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng phân hóa trong truyền thông. Trong đó, có một số báo và các trang mạng xã hội đưa tin và bình luận theo hướng ủng hộ hành động của Nga, coi việc Nga tấn công U-crai-na là để đáp trả những động thái gây sức ép của Mỹ và NATO; bình luận rằng U-crai-na đã có những hành động mang tính “đe doạ”, “đẩy Nga tới bước đường cùng”… Cách đưa tin này vô tình ủng hộ các hành động sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Một số báo có các bài phỏng vấn khai thác các quan điểm cá nhân, chỉ trích mạnh mẽ hành động của Nga, gọi đây là hành động “khống chế toàn U-crai-na”, kêu gọi thế giới cùng U-crai-na “chống lại xâm lược”; dự đoán Nga “sẽ sa lầy” tại U-crai-na,… Đáng chú ý, trên không gian mạng, chủ yếu từ các tờ báo, tài khoản mạng xã hội chống phá “quen thuộc” như Việt Tân, BBC Tiếng Việt, VOA Tiếng Việt, Chân trời mới Media, thoibao.de, Đài á châu tự do (RFA), JB Nguyễn Hữu Vinh, Đoàn Bảo Châu, Mạc Văn Trang, Nguyễn Đình Cống … lại lợi dụng cuộc xung đột Nga – U-crai-na để tuyên truyền chống phá, tán phát thông tin xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề U-crai-na, kích động kêu gọi người dân tụ tập, tuần hành ủng hộ U-crai-na; lồng ghép sự kiện với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc để kích động tâm lý “bài Hoa, thoát Trung”, “bài Nga”.

Hệ lụy của cuộc chiến tranh thông tin nêu trên là xuất hiện sự phân hóa nhất định trong nhận thức, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến đồng thuận xã hội. Một luồng dư luận bày tỏ thái độ phản đối việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đối với U-crai-na, gọi đây là cuộc “xâm lược”; một bên nhìn nhận hành động của Nga là “bắt buộc” trong bối cảnh Mỹ và phương Tây uy hiếp về an ninh quốc gia. Bên cạnh đó là luồng dư luận trung lập, phản đối chiến tranh, mong muốn hòa bình, các bên chấm dứt xung đột thông qua đàm phán, vì lợi ích của người dân. Ngoài ra, một bộ phận người dân trong nước đã có những lo lắng trước ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột đối với tình hình kinh tế – xã hội, mục tiêu phát triển đất nước và đời sống (nhất là những tác động đối với giá cả hàng hóa, tiêu dùng).

Những thông tin xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động đã ít nhiều tác động đến tư tưởng, nhận thức sai lệch của một bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là giới trẻ, khi đánh giá việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt đối với U-crai-na.

Phụ lục

[1] 35 nước bỏ phiếu trắng; 05 nước bỏ phiếu chống là Nga, Bê-la-rút, CHDCND Triều Tiên, Si-ry và Ê-ri-tê-ri-a

[2] 140 phiếu thuận, 05 phiếu chống (Nga, Bê-la-rút, CHDCND Triều Tiên, Si-ry và Ê-ri-tê-ri-a) và 38 phiếu trắng (trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào…).

[3] Trong số 193 thành viên của Đại hội đồng, có 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 24 nước bỏ phiếu chống và 58 nước bỏ phiếu trắng. Một quốc gia bị đình chỉ sẽ không còn quyền bỏ phiếu nhưng có thể dự các cuộc họp của cơ quan này.

[4] “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực hết sức để theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao, nhằm kiềm chế tình hình.”

[5] In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Bru-nây bỏ phiếu trắng. Phi-líp-pin bỏ phiếu thuận.

[6] Gồm 03 điều kiện: Chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crưm được công nhận; phi quân sự hóa và phi quốc xã hóa U-crai-na; đảm bảo U-crai-na ở trạng thái trung lập.

[7] Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới, Liên hiệp Công đoàn Thế giới, Hội đồng Hòa bình Thế giới, Liên đoàn Luật sư Dân chủ Thế giới…

[8] Diễn đàn Nhân dân Á – Âu, Chiến dịch Quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân, Mạng lưới Đối tác Toàn cầu về Hòa bình và Ngăn ngừa bạo lực, Con tàu Hòa bình, phong trào “Nói không với chiến tranh, Nói không với NATO”, phong trào giải trừ quân bị Hòa bình và An ninh chung, Mạng lưới Thanh niên Hòa bình Quốc tế…

[9] Ngày 03/4/2022, truyền thông và mạng xã hội U-crai-na cũng như phương Tây đồng loạt đưa tin về vụ “thảm sát Bucha”, trong khi phía Nga cũng lên tiếng phản đối gay gắt sự việc này. Theo đó, các hãng thông tấn phương Tây tường thuật về sự việc phát hiện nhiều thi thể nằm trên các con đường sau khi phía Nga rút quân khỏi Thành phố Bucha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *